Phải xem lại trách nhiệm của người quản lý địa bàn
Trả lời Thanh Niên, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT), bày tỏ rất cảm ơn khi báo đã phanh phui "tổ hợp" tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh. Ngay khi có thông tin trên báo chí, Bộ TN-MT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam phối hợp với Sở TN-MT địa phương đến kiểm tra, xác minh để có căn cứ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Hiện, các đơn vị chức năng đang tích cực phối hợp vào cuộc làm rõ, lấy căn cứ, bằng chứng để xử lý, quá trình có thể mất vài ngày.
Theo ông Thức, việc xử lý ở mức độ nào thì còn tùy thuộc kết quả xác minh, nếu ở mức độ hành chính, nhất định sẽ ra quyết định xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp nghiêm trọng, đến mức phải chuyển sang cơ quan công an để khởi tố, xử lý ở mức độ hình sự thì cương quyết, không bao che. Trong vài ngày tới, khi có kết quả sẽ thông tin báo chí chi tiết rộng rãi, nhất là gửi cho Báo Thanh Niên.
Ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng hoạt động tái chế dầu ô nhiễm môi trường rất lớn, nên việc cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cần phải chặt chẽ.
"Không chỉ Đồng Nai mà tôi đi giám sát một số địa phương như Đắk Nông có tình trạng tái chế dầu nhớt thải ra dầu thành phẩm ô nhiễm rất nặng nề. Doanh nghiệp đã sản xuất dầu bẩn thời gian dài như vậy mà chính quyền địa phương không biết. Chỉ đến khi báo chí phản ánh thì chính quyền địa phương mới vào cuộc. Tôi đánh giá không loại trừ có việc bao che, chống lưng cho doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở địa phương", ông Hòa nhìn nhận.
Cũng theo ông Hòa, việc vào cuộc xử lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nhiều cấp là chậm. Nhưng chậm vẫn còn hơn không. Chính quyền địa phương kiểm tra thấy không đảm bảo quy định pháp luật, tùy theo mức độ mà xử lý như rút giấy phép, xử lý vi phạm hành chính, mức độ sâu hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hoạt động của người dân trên địa bàn phường, xã chính quyền địa phương nắm rõ, thì doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đếm trên đầu ngón tay, doanh nghiệp A, B gì chính quyền phường, xã cũng đều biết hết. "Cơ sở tái chế dầu nhớt thải rộng lớn như vậy, cả khu dân cư xung quanh người ta phản ánh thì chính quyền xã, phường, ấp ở đâu, cảnh sát khu vực ở đâu? Để xảy ra tình trạng này thì phải xem lại trách nhiệm của những người có liên quan và chịu trách nhiệm quản lý địa bàn", ông Hòa nói.
Cần xem khía cạnh có chống lưng, bảo kê
Ông Trịnh Xuân An (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết nấu dầu thải lậu không phải giờ mới có ở Đồng Nai mà không ít địa phương cũng từng phát hiện, mức độ, quy mô khác nhau. Nhưng theo những thông tin Báo Thanh Niên nêu thể hiện vi phạm rất lớn, tính chất, mức độ đáng quan ngại, có biểu hiện không phải hành vi đơn lẻ vì không chỉ ảnh hưởng tới trật tự, an toàn mà còn ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt xâm hại trật tự quản lý của địa phương, tác động đến vai trò, quản lý, trách nhiệm của cấp xã, phường. Các cơ quan chức năng ở cấp T.Ư, địa phương phải vào cuộc ngay, không thể có chuyện giấu giếm, bao che cho hành vi vi phạm trắng trợn như vậy.
Đồng thời, cần đánh giá xem nguyên nhân vì sao vi phạm ngang nhiên như vậy, trong thời gian dài mà không bị xử lý, nhất là việc có nhiều lực lượng chức năng cùng kiểm soát mà vẫn để xảy ra vi phạm. Dù chưa kết luận được có vai trò bảo kê, dung túng của cá nhân, tổ chức nhưng khi xem xét vụ việc cần lưu tâm khía cạnh này để không bị sót lọt tội phạm. Ông An tin tưởng, chính quyền địa phương, cơ quan liên quan sẽ làm hết trách nhiệm và đương nhiên, đại biểu Quốc hội cũng sẽ có chức năng giám sát chặt chẽ.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 10.6
"Trước tiên, cần kiểm điểm trách nhiệm chính quyền địa phương, người trực tiếp quản lý địa bàn. Sai phạm rõ ràng, ngang nhiên trong thời gian dài như vậy thì không thể biện minh gì được, nên sai đến đâu phải xử lý đến đấy. Có thể thấy rõ vấn đề thiếu sâu sát của cán bộ cơ sở, chính quyền. Rất may mắn là vai trò báo chí, nhân dân đã phát huy tốt, thể hiện trách nhiệm đấu tranh chống tiêu cực của báo chí rất đáng hoan nghênh, đề cao biểu dương", ông An nhấn mạnh.
Trả lời vấn đề dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về những sai phạm lớn, tồn tại trong thời gian dài, phải có sự chống lưng, ông An cho rằng rất có thể đây là trường hợp ví von như "con voi chui lọt lỗ kim". Tuy nhiên, để kết luận rõ ràng, thấu đáo thì cần cơ quan chức năng vào cuộc kết luận rõ ràng.
"Về cảm quan có thể thấy là phải có sự bao che nào đó, mối quan hệ nào đó mới làm được như vậy. Nên phải đánh giá hết sức chặt, nếu không chặt, không làm rốt ráo để rút ra bài học cảnh tỉnh thì chúng ta rất dễ mất cán bộ trong việc liên quan cái này. Tôi cho rằng cần làm hết sức công khai, minh bạch", ông An lưu ý.
Theo ông An, các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải vào cuộc nghiêm túc để xử lý vấn đề này để làm gương cho những việc khác, đặc biệt đây là địa bàn giáp ranh với TP.HCM nên rất dễ bị lợi dụng, biến thành điểm trung chuyển thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bình luận (0)