ĐƯỜNG DÂY MUA BÁN KHÉP KÍN
Ngày 24.5, chúng tôi tiếp cận ông Oanh (ngoài 50 tuổi) là nhân viên cơ sở tái chế dầu nhớt thải lậu (TCDNTL) nằm trong lô cao su (cạnh tỉnh lộ 767, xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom, Đồng Nai). Lúc đầu, ông Oanh tỏ ra đề phòng, nói không có bán dầu nhưng khi nghe chúng tôi kể tên một vài người là mối làm ăn của cơ sở (thông tin do PV thu thập trước đó) thì lập tức được tiếp đón tận tình.
Xem nhanh 20h ngày 6.6: ‘Đột kích’ lò nấu dầu nhớt thải lậu | Mánh khóe 'thổi bay' trăm tỉ ở Cienco 1
Ông Oanh đưa PV đi xem bãi chất hơn trăm thùng phuy chứa dầu và cam kết muốn mua bao nhiêu cũng có. Ông Oanh cho hay, cơ sở này chủ yếu cung cấp dầu DO với số lượng lớn (vài chục ngàn lít), nguồn cung đều đặn, nhưng chỉ cung cấp cho khách mối hoặc được mối gọi điện cho ông chủ giới thiệu. Mọi hoạt động từ giá cả, giao dịch, tra cứu thông tin lai lịch người mua… đều do ông chủ nắm.
Cũng theo ông Oanh, ông chủ tên Hưng, nhà ở TP.HCM, nhưng cụ thể ở đâu thì nhân viên không được biết. "Mày muốn mua thì kêu thằng T. (mối mà PV nhắc đến) gọi cho ông chủ, ông chủ đồng ý thì tao bán. Muốn chở bằng xe bồn vài chục ngàn lít cũng có, mà chở bằng thùng phuy (200 lít/phuy) cũng được luôn", ông Oanh nói.
Chúng tôi hỏi xin số điện thoại của ông Hưng thì ông Oanh từ chối, nói ông chủ không cho phép. Để chứng minh chất lượng dầu của lò mình nấu, ông Oanh lấy một miếng vải thấm vào dầu thành phẩm rồi châm lửa đốt cho chúng tôi xem...
Để vào được 3 cơ sở TCDNTL trên đường Sông Mây 4 (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom), phải vượt qua được cổng có dòng chữ "Khu quân sự cấm vào". Cùng ngày 24.5, sau nhiều giờ chờ đợi, chúng tôi khó khăn lắm mới lọt qua cổng này, nhưng vào được bên trong 3 cơ sở càng khó hơn.
Thâm nhập ‘tổ hợp’ tái chế dầu nhớt lậu kỳ 2: Cận cảnh chiêu trò gian lận
Khoảng 17 giờ ngày 24.5, chúng tôi lái ô tô chở 3 can nhựa (loại 30 lít/can) đi vào đường Sông Mây 4, phục sẵn bên ngoài cơ sở nấu dầu do ông Quang làm chủ. Thấy cánh cổng của cơ sở mở cho xe bồn ra chưa kịp đóng lại thì chúng tôi đánh liều chạy thẳng vào. Thấy người lạ, 4 - 5 người đàn ông cởi trần, bỏ ngang công việc lao đến vây chúng tôi. Trong đó, một người cao to, bặm trợn, có hình xăm con hổ kín lưng, nắm áo PV kéo khỏi ô tô, hỏi đi đâu vào đây…
Chúng tôi cho hay mình là trợ lý của thầu cầu đường, mới trúng dự án lớn ở TP.HCM nên cần tìm nguồn dầu DO số lượng lớn. Vẫn chưa hết hoài nghi, ông Quang ra hiệu cho đàn em "nhẹ tay" với PV, rồi gặng hỏi: "Từ nguồn nào mà biết ở đây có bán dầu?".
Do đã theo dõi nhiều tháng liền, biết các mối làm ăn của cơ sở này nên chúng tôi đọc tên ông H.T.T (người đại diện Công ty TNHH MTV nhiên liệu sinh học VN, trụ sở ở H.Bình Chánh, TP.HCM), lập tức được những người này xin lỗi, chào đón.
Ông Quang dẫn PV đi tham quan cơ sở TCDNTL, rộng khoảng 3.000 m2, trong đó khoảnh sân trống gần cửa ra vào chiếm khoảng 20% diện tích. Quan trọng nhất là khu vực "hô biến" nhớt thải thành dầu DO, chiếm khoảng 35% diện tích cơ sở. Khu vực này vô cùng nhếch nhác. Trên nền đất, dầu, nhớt chảy dài, hôi hám. Các máy móc, động cơ, lò nấu, khu chưng cất dầu, đường ống dẫn dầu được xây dựng tạm bợ, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Tại một số vị trí máy móc, lò nấu bị nước mưa tạt vào nên nhân viên lấy thùng cạc tông cắt ra, che chắn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Các ống khói cao hàng chục mét kết nối với lò đốt, xả thẳng lên bầu trời. Mái che, tường vách ở khu vực này cũng bị ám khói đen kịt, nồng nặc mùi hôi của hóa chất, dầu.
Lúc ông Quang đưa PV đi tham quan, lò ở đây vẫn còn đang đỏ lửa nấu dầu. Ba thùng phuy sắt chứa nhớt thải trộn với hóa chất đen ngòm, đặc quánh đang pha dang dở... Khu vực chứa hàng trăm thùng phuy sắt (200 lít/phuy) và nhiều thùng hóa chất màu xanh không nhãn mác (trước đó PV cũng thấy những thùng hóa chất này ở cơ sở nấu dầu trong lô cao su) cùng khu vực 4 - 5 giường ngủ, sinh hoạt của nhân viên.
Ông Quang cho hay, cơ sở của ông rất lớn, cung cấp nguồn dầu ra thị trường đều đặn mỗi ngày và chỉ làm ăn với mối sỉ số lượng lớn từ 10.000 lít dầu trở lên, chứ không bán nhỏ lẻ. Ông Quang lấy dẫn chứng, hiện nhiều công ty xăng dầu, nhiên liệu lớn ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Thuận đều mua dầu của cơ sở ông mỗi ngày. Và thực tế này cũng được PV ghi nhận trong quá trình thâm nhập.
Để tạo niềm tin, ông này đưa PV đi xem khu chứa dầu thành phẩm. Khu này chiếm khoảng 35% diện tích cơ sở, nơi đặt 5 bồn (loại 30.000 lít/bồn), mỗi bồn cao 2,6 m, dài 6,1 m. Tiếp nối là khoảng 50 bồn nhựa loại 1.000 lít. Thời điểm PV có mặt, các bồn đều chứa đầy dầu.
Sau lưng khu chứa dầu DO thành phẩm là hồ nước thải diện tích khoảng 100 m2. Nước trong hồ đặc quánh màu đen, bề mặt kín váng dầu, khu đất xung quanh cùng một màu tương tự.
Xem nhanh 20h ngày 7.6: Lắt léo những chuyến 'ăn hàng' dầu lậu | Bác sĩ chữa hiếm muộn bị tố lừa đảo
MÁNH KHÓE TÁI CHẾ, TIÊU THỤ DẦU LẬU
17 giờ 30 cùng ngày, một người leo lên xe của PV lấy xuống 3 can nhựa, bơm đầy dầu. Qua quan sát, thấy trên bề mặt dầu nổi kín bọt vàng và mùi hôi lạ, PV thắc mắc về chất lượng. Người này nói: "Sử dụng thì máy vẫn chạy bình thường, nhưng sẽ rất nhanh hỏng". Kế bên, một người đàn ông khác vẽ cách ăn chặn tiền: "Làm như vậy mới có ăn. Mua dầu ở đây giá rẻ nhưng về cứ báo lại với sếp bằng giá trên thị trường, ăn tiền chênh lệch. Giấy tờ giao dịch thì ở đây làm cho luôn. Máy hư thì công ty bỏ tiền sửa, mình có chịu đâu mà sợ".
PV nói sợ bị lộ thì những người này hướng dẫn cách hô biến dầu giả thành dầu thật theo tỷ lệ pha chế 7 - 3. "Muốn chắc ăn, pha 7 phần dầu thật với 3 phần dầu này hoặc ngược lại. Ví dụ 700 lít dầu thật pha với 300 lít dầu này thì được 1.000 lít dầu, bảo đảm như thật không thể phát hiện trừ trường hợp đem mẫu đi giám định", ông Quang hướng dẫn.
Một người khác trong nhóm cũng tiết lộ cách ăn gian và trốn thuế tinh vi mà các công ty nhiên liệu thường áp dụng. Đó là mua dầu từ nguồn chính thống của nhà nước để có hóa đơn chứng từ, sau đó mua dầu giả về pha trộn. Số dầu chênh lệch sau pha so với hóa đơn sẽ được đưa đi bán chui cho các công trình, tàu thuyền, để thu lợi bất chính.
Theo lời ông Quang, cơ sở của ông thu mua nhớt thải với giá 6.000 đồng/lít. Quy trình sản xuất dầu thành phẩm, nhớt thải sẽ được cho vào lò nấu, chưng cất, pha với hóa chất, phụ gia khử mùi, tạo màu…
Cuối buổi, ông Quang ngã giá dầu bán ra trong ngày 24.5 là 14.200 đồng/lít. Trong khi đó, theo bảng giá dầu mà Tổng công ty xăng dầu VN niêm yết ở cùng thời điểm là 17.950 đồng/lít. Như vậy, dầu của cơ sở ông Quang bán rẻ hơn 3.750 đồng/lít so với thị trường. "Giá dầu ở đây không cố định mà sẽ thay đổi theo ngày, theo tuần. Giá thị trường lên thì ở đây cũng lên", ông Quang nói rồi nhận 1,3 triệu đồng và cho đàn em đưa 3 can dầu lên xe cho PV.
Chúng tôi cũng đến hỏi mua dầu tại cơ sở TCDNTL của ông Đức (cách cơ sở ông Quang khoảng 200 m), nhưng ông này không có ở đây. Nhân viên của cơ sở cẩn trọng, không mở cổng cho PV vào, mà nói chuyện qua cái lỗ nhỏ hình vuông bằng bàn tay. Một người cho hay muốn mua dầu thì phải được ông chủ đồng ý.
Thông qua nhiều người giới thiệu, ông Đức hẹn PV 9 giờ sáng hôm sau (tức 25.5) gặp tại ngã tư Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) để kiểm tra thông tin rồi mới quyết định giá bán dầu. Tuy nhiên, hôm đó chúng tôi tới điểm hẹn thì ông này không xuất hiện, gọi cũng không nghe máy… (còn tiếp)
Ngày 5.6, sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Bóc trần "tổ hợp" tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh, đến 14 giờ cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom, Đồng Nai) kiểm tra các cơ sở TCDNTL trên đường Sông Mây 4, nhưng thời điểm lực lượng chức năng vào kiểm tra thì đồng loạt các cơ sở nói trên ngưng hoạt động. Trong đó, cơ sở của ông Đức đã khóa cổng, qua quan sát từ bên ngoài trong cơ sở này không còn các thùng phuy sắt loại 200 lít chứa dầu nhớt thải như những ngày trước mà PV Thanh Niên ghi nhận. Nhân viên làm việc tại cơ sở này cũng không xuất hiện lúc kiểm tra.
Cùng thời điểm, đoàn kiểm tra cơ sở TCDNTL của ông Quang cách đó 200 m, tại đây cổng chính khóa nên đoàn phải để xe máy và ô tô bán tải ở ngoài, rồi đi bộ vào cơ sở qua cửa phụ. 15 giờ 40 cùng ngày, đoàn vẫn đang tiến hành kiểm tra tại cơ sở này.
Bình luận (0)