Boeing 777 vẫn thuộc loại máy bay an toàn nhất

03/08/2015 12:10 GMT+7

(TNO) Máy bay Boeing 777, chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích năm 2014 là tai nạn thứ ba của dòng máy bay này trong 3 năm qua. Tuy nhiên, Boeing 777 vẫn là một trong những mẫu máy bay an toàn nhất lịch sử hàng không.

(TNO) Máy bay Boeing 777, chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích năm 2014 là tai nạn thứ ba của dòng máy bay này trong 3 năm qua. Tuy nhiên, Boeing 777 vẫn là một trong những mẫu máy bay an toàn nhất lịch sử hàng không.

Máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines - Ảnh: Reuters
Hôm 29.7, một mảnh vỡ từ phần cánh máy bay được tìm thấy tại đảo Reunion, lãnh thổ của Pháp phía tây Ấn Độ Dương. Các điều tra viên cho rằng mảnh vỡ này là cánh liệng treo của một chiếc máy bay Boeing 777, cùng loại với máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích năm 2014. Hiện mảnh vỡ đã được đưa đến Pháp để xác minh có phải thuộc chiếc máy bay Boeing 777-200ER (chuyến bay MH370) của Malaysia Airlines hay không.
Chiếc máy bay này chở theo 239 người trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) đã biến mất từ sáng 8.3.2014. Nếu quả thực MH370 đã bị rơi thì đó sẽ là chiếc Boeing 777 thứ ba bị tai nạn chỉ trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, một bài viết trên trang Business Insider ngày 2.8 cho rằng máy bay Boeing 777 vẫn là một trong những loại máy bay chở khách an toàn và thành công nhất trong lịch sử hàng không.
Sau 2 thập niên kể từ khi đi vào sử dụng từ năm 1995, Boeing 777 trở thành dòng máy bay chủ lực cho các tuyến bay quốc tế đường dài. Cùng với Airbus A320, Boeing 777 đã làm một cuộc cách mạng trong ngành vận chuyển hàng không, khôi phục hình ảnh cho thế hệ máy bay phản lực cỡ lớn.
Đến nay, hơn 1.300 máy bay Boeing 777 được đưa vào sử dụng vận chuyển hành khách và hàng hóa. Trong 20 năm qua, chỉ có 5 chiếc bị bỏ đi vì sự cố như cháy, rơi hoặc mất tích.
Tai nạn đầu tiên xảy ra vào năm 2008, một chiếc Boeing 777 của hãng British Airways hỏng động cơ lúc hạ cánh và rơi trên đường băng sân bay Heathrow ở thủ đô London, Anh. Chiếc máy bay bị mất điện đột ngột và nguyên nhân được cho là do lỗi thiết kế ở động cơ phản lực Trent của hãng Rolls-Royce, gây đóng băng ống dẫn nhiên liệu. Gần 50 hành khách bị thương nhưng không ai thiệt mạng.
Kế đó là một vụ cháy máy bay Boeing 777 của hãng EgyptAir tại sân bay Cairo ở Ai Cập năm 2011. Nguyên nhân là do chập điện và chỉ có vài hành khách bị thương.
Chiếc Boeing 777 của hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) gặp nạn tại thành phố San Francisco (Mỹ) năm 2013, gãy làm đôi - Ảnh: Reuters
Vụ tai nạn chết người đầu tiên xảy ra với Boeing 777 khi máy bay loại này của hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc), chuyến bay 214 bị rơi khi hạ cánh xuống sân bay ở thành phố San Francisco (Mỹ) năm 2013. Ba trong số 291 hành khách thiệt mạng. Nguyên nhân là do lỗi của phi công.
Tai nạn thứ tư là chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích ngày 8.3.2014.
Vụ cuối cùng cũng thuộc hãng bay Malaysia Airlines khi chuyến bay số hiệu MH17 bằng Boeing 777 bị bắn rơi tại miền đông Ukraine hồi tháng 7.2014. Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Trong số 5 vụ tai nạn chỉ có trường hợp tại Ai Cập, và có khả năng là vụ MH370, là do lỗi xuất phát từ máy bay. Chỉ có 0,4% trong tổng số 1.313 chiếc Boeing 777 được sản xuất liên quan đến các vụ rơi máy bay hoặc sự cố không thể sửa chữa. Con số này là rất nhỏ so với 4% số máy bay bị bỏ đi trong tổng số 1.510 chiếc Boeing 747, dù dòng 747 cũng được coi là đáng tin cậy và an toàn.
Boeing bắt đầu phát triển dòng 777 từ đầu những năm 1990 với đội ngũ 10.000 nhân lực, cùng chi phí đến 5 tỉ USD. Boeing 777 được thiết kế để đáp ứng nhu cầu thị trường tại thời điểm đó về mẫu máy bay chở khách thân rộng, đường dài, nhỏ hơn so với dòng phản lực 747 huyền thoại nhưng lớn hơn chiếc 767.
Trong những năm 2000, chiếc máy bay này rất được ưa chuộng. Với chi phí nhiên liệu tăng và việc bãi bỏ một số quy định cản trở các máy bay chở khách 2 động cơ bay các chặng đường dài, nhiều hãng bay đã chọn sử dụng Boeing 777. Kết quả là các mẫu máy bay chở khách 4 động cơ như chiếc Boeing 747 và Airbus A340 đã gần như bị loại khỏi cuộc chơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.