Boeing và Hiệp hội Thợ máy quốc tế (IAM) đại diện cho hơn 30.000 nhân viên đã nhất trí về việc tăng lương 25% trong suốt thời hạn 4 năm của hợp đồng.
Thỏa thuận lao động toàn diện đầu tiên trong 16 năm cũng sẽ bao gồm giảm gánh nặng của chi phí chăm sóc sức khỏe đối với nhân viên, giảm việc thời gian làm thêm giờ bắt buộc, được phép nghỉ nguyên lương chăm sóc con cái trong 12 tuần. Ngoài ra, hai bên cũng cam kết sẽ xây dựng cơ sở chế tạo máy bay mới của Boeing ở khu vực Puget Sound thuộc bang Washington (Mỹ). Thỏa thuận này sẽ phải chờ các nhân viên của Boeing thông qua, theo The Business Times.
Chủ tịch công đoàn IAM Quận 751 Jon Holden gọi đây là "thỏa thuận tốt nhất từng có" nhờ vào sự đoàn kết, thống nhất của nghiệp đoàn, đồng thời kêu gọi các thành viên xem xét một cách kỹ lưỡng thỏa thuận này. Theo Reuters, một thỏa thuận được chấp nhận sẽ đảm bảo môi trường ổn định cho Boeing vào thời điểm hãng này đang chi mạnh vốn để cố gắng tăng sản lượng dòng máy bay bán chạy nhất 737 MAX lên khoảng 38 máy bay/tháng vào giai đoạn cuối năm.
Nếu nhân viên đồng ý hợp đồng, Boeing sẽ đi theo bước chân của United Parcel Service (UPS-Mỹ) - tập đoàn quản lý chuỗi cung ứng đã tránh được một cuộc đình công vào tháng 7.2023 sau khi đạt được thỏa thuận với Công đoàn Teamsters. Tuy nhiên, nhân viên Boeing có thể từ chối thỏa thuận nếu không nhận được sự ủng hộ của đa số. Một cuộc đình công có thể diễn ra nếu 2/3 ủng hộ việc đình công trong cuộc bỏ phiếu thứ hai.
Phi thuyền Boeing Starliner không thể đưa phi hành gia về trái đất, NASA nói gì?
Trong thông điệp mới đây gửi các thành viên cấp cao, đại diện IAM cho biết dù không thể đạt được mục tiêu trên mọi hạng mục, nhưng hợp đồng vừa được nhất trí với Boeing là "thỏa thuận tốt nhất từng có" nhờ vào sự đoàn kết, thống nhất của nghiệp đoàn, đồng thời kêu gọi các thành viên xem xét một cách kỹ lưỡng thỏa thuận này.
Thỏa thuận sơ bộ được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Giám đốc điều hành (CEO) mới của Boeing Kelly Ortberg nhậm chức, người được giao nhiệm vụ vực dậy danh tiếng và vị thế của hãng sản xuất máy bay mang tính biểu tượng của nước Mỹ. Boeing vốn đang bị ảnh hưởng từ những bê bối về nhiều vụ tai nạn chết người do lỗi thiết kế của dòng máy bay phản lực bán chạy nhất đến các cáo buộc công ty ưu tiên lợi nhuận và số lượng thay vì đảm bảo chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó, Boeing đối mặt với áp lực tài chính khi công bố khoản lỗ ròng 1,44 tỉ USD trong quý 2/2024.
Trong cuộc gặp Chủ tịch công đoàn IAM Holden và lãnh đạo các công đoàn khác hồi đầu tháng 8, CEO Boeing Kelly Ortberg tuyên bố muốn thiết lập lại mối quan hệ giữa công ty và công đoàn.
Bình luận (0)