Bồi dưỡng chuyên môn, giáo viên còn sao chép lẫn nhau từ kế hoạch đến thu hoạch

23/12/2022 13:15 GMT+7

Ngày 23.12, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo về nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên. Tại đây, các đại biểu nêu ra những hạn chế trong công tác bồi dưỡng chuyên môn.

Giáo viên tham gia hội thảo nâng cao chất lượng bồi dưỡng chuyên môn

bích thanh

Ngày 23.12, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM (Bộ GD-ĐT) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, phổ thông" nhằm đánh giá lại thực trạng công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương.

Tại hội thảo, tiến sĩ Vũ Đình Bảy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và khoa học công nghệ Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, đánh giá hầu hết địa phương đều có đội ngũ giáo viên cốt cán làm nòng cốt triển khai. Nhiều địa phương liên kết với các trường sư phạm, Trường Cán bộ quản lý giáo dục để mời các giảng viên đến báo cáo. Việc quan tâm theo dõi, quản lý và kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở được thực hiện thường xuyên.

Tuy nhiên, cũng trong hội nghị, các đại biểu chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, bất cập của công tác bồi dưỡng thường xuyên thời gian qua. Theo đó, chương trình bồi dưỡng vẫn chưa đủ đáp ứng các yêu cầu cập nhật, bổ sung kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, còn nặng về lý thuyết. Thậm chí chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế theo các chức danh, vị trí việc làm, đặc điểm riêng của vùng miền. Quy mô lớp học thường quá đông, người học gồm nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ khác nhau. Đội ngũ giảng dạy năng lực còn hạn chế, một số thiếu kinh nghiệm, chưa chuyên sâu. Đội ngũ giáo viên cốt cán này chưa được bổ sung kịp thời, chưa cân đối, chưa phủ hết các môn học, cấp học, không có sự nối tiếp từ mô đun bồi dưỡng này sang mô đun bồi dưỡng khác...

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng thường xuyên chưa có sự thống nhất về thời gian, hình thức tổ chức, kiểm tra đánh giá… Đặc biệt là đối với các nội dung tự chọn dẫn đến có nơi, có lúc làm qua loa, mang tính hình thức, đối phó, giáo viên sao chép lẫn nhau từ kế hoạch cho đến thu hoạch. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện thiếu sự phản hồi từ cấp trên. Kinh phí chi cho công tác bồi dưỡng còn hạn chế...

Từ thực trạng nói trên, ông Vũ Đình Bảy cho hay đã có nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia yêu cầu giáo viên đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ trong thời gian tới nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực nghề nghiệp của mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý.

Cụ thể, các giáo viên đề xuất Bộ GD-ĐT, cơ sở đào tạo có kế hoạch bổ sung một số nội dung, lĩnh vực bồi dưỡng theo hướng mở nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở từng địa phương. Chú trọng bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp nhằm giúp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn giáo dục đặt ra.

Các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản và tạo động lực kích thích sự hứng thú, say mê, nhiệt tình trong công tác. Đặc biệt cần dự toán một khoản kinh phí thích đáng cho công tác bồi dưỡng thường xuyên hàng năm để có thể triển khai tốt hoạt động này, góp phần thúc đẩy sự phát triển chuyên môn cho đội ngũ, cho sự phát triển bền vững GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.