Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, nhà tu hành?

20/08/2012 10:35 GMT+7

(TNO) Dự luật Giáo dục quốc phòng-an ninh (QPAN) lần đầu tiên được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay 20.8. Trong nhiều nội dung của dự luật, đáng chú ý là quy định bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo.

>> Không dạy chủ quyền biển, đảo cho giới trẻ là có tội
>> Bồi dưỡng giáo viên về bảo vệ tài nguyên biển đảo
>> Đưa chủ quyền biển, đảo vào trường học
>> Xem xét lại toàn bộ đầu tư khu vực biên giới, biển đảo
>> Phát triển chiến lược biển, đảo bằng nhiều hình thức

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự luật tại phiên họp, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay qua thảo luận còn có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất “đề nghị cân nhắc, vì tôn giáo là vấn đề nhạy cảm hiện nay”. Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng “quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trong dự thảo luật là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật vì đây là đối tượng có vai trò, vị trí nhất định trong đời sống tinh thần của xã hội nên cần nắm được kiến thức quốc phòng-an ninh một cách có hệ thống, sâu rộng”.

Chính phủ nhận định: Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc, trên toàn quốc hiện nay có 12 tôn giáo và khoảng 30 tổ chức tôn giáo được chính quyền công nhận với hơn 22 triệu tín đồ, trong đó có trên 80.000 chức sắc, nhà tu hành. Các tôn giáo đều nằm trong cộng đồng dân tộc nhất định và chịu sự quản lý của Nhà nước.

Đồng ý với loại ý kiến thứ hai, Chính phủ nhấn mạnh “những người hoạt động tôn giáo, bên cạnh việc hành đạo, phải tôn trọng luật pháp quốc gia”.

Tờ trình của Chính phủ dẫn thêm thông tin: Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác định: chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo vừa là người có đạo, đồng thời cũng là công dân, họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác.

Thực tế cho thấy, việc bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trong thời gian qua đã được triển khai thí điểm và nhân rộng trên 56 tỉnh, thành phố đều cho thấy kết quả tích cực và ổn định.

Vì vậy, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng: chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo căn cứ vào yêu cầu, điều kiện cụ thể (số lượng chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự, số lượng tín đồ, nghi lễ tôn giáo, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương...) được bồi dưỡng kiến thức QPAN.

Tuy nhiên, để khẳng định quyền bình đẳng của công dân được thụ hưởng bồi dưỡng hoặc phổ biến kiến thức QPAN, trường hợp chưa được bồi dưỡng thì được phổ biến kiến thức QPAN.

Báo cáo nội dung thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Nguyễn Kim Khoa cho hay một số ý kiến cơ quan thẩm tra tán thành với quy định trên của dự luật, song cũng có ý kiến đề nghị “làm rõ cơ sở pháp lý để xác định chức sắc, nhà tu hành tôn giáo phải thực hiện bồi dưỡng kiến thức QPAN”.

Ý kiến chung của thường trực cơ quan thẩm tra nhận định: Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo cũng như già làng, trưởng bản... là những người có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với tín đồ và cộng đồng dân cư, nếu tranh thủ được sự tham gia của họ vào công tác phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân sẽ có tác dụng tích cực. Thực tế nhiều địa phương đã và đang thực hiện có hiệu quả việc bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng này.

Tuy nhiên, ủy ban này cho rằng “việc quy định “cứng” nội dung này trong dự thảo luật cần được cân nhắc kỹ vì đây là vấn đề nhạy cảm” và còn liên quan đến quy định tại Điều 8 (khoản 3) (Trốn tránh nghĩa vụ học tập về giáo dục QPAN; không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện giáo dục QPAN) về xử lý vi phạm trong trường hợp cố tình trốn tránh thực hiện giáo dục QPAN.

Để tránh những vấn đề phức tạp có thể phát sinh, cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo luật nên quy định theo hướng thực hiện bồi dưỡng kiến thức QPAN đối với những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư, còn cụ thể sẽ do văn bản dưới luật quy định tùy theo tình hình thực tế.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban TVQH tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra trong vấn đề này.

Theo nghị trình, dự luật QPAN với 5 chương, 42 Điều sẽ được QH thảo luận rộng rãi tại kỳ họp thứ 4 tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.