Bối rối giữa 'ma trận' phương thức tuyển sinh: Phụ huynh vào cuộc cùng con

18/05/2022 06:03 GMT+7

Ngay từ khi Bộ GD-ĐT có dự thảo tuyển sinh đại học">quy chế tuyển sinh đại học, chị Dương Thục Trinh đã 'mất ăn mất ngủ' mấy ngày để nghiên cứu từng điểm mới rồi vào trang web của từng trường để nghiền ngẫm đề án tuyển sinh.

Chị Dương Thục Trinh, ngụ tại hẻm 38 đường Gò Dầu, Q.Tân Phú, TP.HCM có con học Trường THPT Tây Thạnh, không khỏi lo lắng khi nói về việc con trai năm nay thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (ĐH).

Chị Trinh cho biết: “Tôi làm giáo viên mà khi đọc dự thảo của Bộ và các đề án xét tuyển, có những chỗ tôi không biết phải hiểu như thế nào cho chính xác. Nhất là vấn đề kỹ thuật xét tuyển, mỗi năm một thay đổi. Với sức học của con, nếu vẫn giữ cách xét tuyển như năm trước là con tôi chắc chắn một suất vào ĐH bằng phương thức học bạ, chỉ đợi thi tốt nghiệp nữa thôi. Nhưng năm nay, trường mà con muốn xét lại chưa nhận hồ sơ học bạ vì lý do nếu bây giờ thí sinh đăng ký thì sau này cũng phải đăng ký lại, nên tạm thời trường chưa mở cổng xét tuyển”.

Lo lắng cho con, nhiều phụ huynh trực tiếp đến chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức để nghe tư vấn

MỸ QUYÊN

Chị Trinh bối rối vì cách xét tuyển mỗi trường khác nhau, cùng một tên ngành mà trường này lại xét 4 phương thức, trường kia 3 phương thức, mỗi phương thức lại có cách tính khác nhau. “Ba mẹ bắt buộc phải dành thời gian nghiên cứu, rồi hỏi thêm giáo viên và anh chị em họ từng đậu ĐH, sau đó tính toán, bàn bạc với con. Thực sự là nhọc như đi đánh trận, đánh không cẩn thận là thua đau”, chị Trinh vừa lo lắng vừa hài hước.

Anh Đỗ Hữu Tùng có con học Trường THPT Tân Phong, Q.7 cũng đang hết sức hoang mang và bày tỏ: “Tôi nghe các phụ huynh khác nói phải có chiến thuật xét tuyển mới đậu được vào đúng ngành và trường mong muốn. Đọc đề án tuyển sinh của các trường một hồi đầu óc tôi lùng bùng”.

Áp lực khi cùng lúc tham gia nhiều kỳ thi

Trong khi đó, chị Nguyễn Phương Nhung có con học Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết vì lo sợ nếu chỉ xét tuyển bằng 1, 2 phương thức sẽ có ít cơ hội trúng tuyển, nên ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm nay con chị quyết định tham gia thêm 2 kỳ thi, đó là thi lấy chứng chỉ IELTS và thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Áp lực nhất là khi đăng ký thi đánh giá năng lực. Phải chầu chực mấy ngày trời mới đăng ký thành công. Cách đây 2 tháng con phải tập trung ôn để thi IELTS. Hiện tại thì con dồn sức cho kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra vào tháng 6 và kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 7. Cùng một lúc phải lo 2 kỳ thi nên rất căng thẳng”, chị Phương Nhung chia sẻ.

Cô Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cũng cho hay toàn bộ học sinh lớp cô chủ nhiệm đều tham gia thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, có em thi thêm kỳ thi của ĐH Sư phạm TP.HCM. Bên cạnh đó, nhiều em cũng thi lấy chứng chỉ Anh ngữ quốc tế để xét tuyển ĐH.

“Với quy chế tuyển sinh hiện tại, trúng tuyển ĐH thì dễ nhưng trúng vào đúng ngành, trường mình mong muốn thì lại không đơn giản, vì vậy các em phải nỗ lực để đạt điểm cao nhất có thể”, cô Tuyền nhận định.


Tuyển sinh đại học có nhiều điểm mới, thí sinh cần lưu ý gì?

“Sai một li, đi luôn 12 năm đèn sách”

Anh Trương Hữu Tuấn, ngụ tại chung cư Hà Đô, Q.10, TP.HCM, năm trước có con đầu đậu ĐH và năm nay tiếp tục phải “vào cuộc” tính toán chiến thuật xét tuyển để con út trúng tuyển vào ngành, trường mà con mong muốn.

“Năm trước, do chưa nghiên cứu kỹ các phương án tuyển sinh của từng trường nên con trai tôi dù được 26 điểm cũng chỉ đậu nguyện vọng cuối cùng. Theo kinh nghiệm của tôi thì các phụ huynh cần tập trung nghiên cứu thật kỹ các đề án tuyển sinh của những trường mà con dự định xét tuyển. Cách tuyển sinh như hiện nay nếu không cẩn trọng thì chỉ cần sai một li là đi luôn 12 năm đèn sách. Năm nay, tất cả gần 20 phương thức đều đăng ký chung trên một hệ thống và chỉ được trúng tuyển bằng một phương thức duy nhất thì càng phải nghiên cứu thật kỹ”, anh Tuấn nêu kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang, mỗi năm quy chế tuyển sinh lại có những thay đổi nên phụ huynh rất hoang mang. Ông Hải nhìn nhận: “Thực tế phụ huynh còn lo lắng, căng thẳng hơn cả học sinh. Về phía nhà trường, hiểu được tâm trạng này của phụ huynh, chúng tôi tổ chức tư vấn cho học sinh rất kỹ, đồng thời sẵn sàng giải đáp nếu phụ huynh thắc mắc về cách chọn ngành, chọn trường cho con. Cha mẹ và các em nên vào trang web của các trường để nắm thông tin về các phương thức tuyển sinh, nếu cần thì có thể liên hệ trực tiếp với trường ĐH để có được thông tin chính xác nhất”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.