Bối rối với 'ma trận' các phương thức tuyển sinh

06/08/2024 05:46 GMT+7

Trong phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non vừa qua, Bộ GD-ĐT khuyến cáo trường rà soát lại các phương thức xét tuyển, loại bỏ phương thức không hiệu quả, gây nhiễu hệ thống cũng như gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh và xã hội.

CẢ NHÀ CÙNG "VẬT LỘN" VỚI CÁC PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH

Sau khi kết thúc việc đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, Nguyễn Thu Hương, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú, TP.HCM thở phào nhẹ nhõm. Thời gian dài trước đó, cả nhà của Hương "vật lộn" với hàng trăm trang đề án tuyển sinh của một số trường ĐH để tìm hiểu thông tin về các phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, tổ hợp môn, cách tính điểm của từng phương thức...

Bối rối với 'ma trận' các phương thức tuyển sinh- Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là phương thức có tỷ lệ thí sinh xét tuyển vào ĐH cao nhất

NHẬT THỊNH

"Em xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế TP.HCM. Ngay từ tháng 5, cả em và ba mẹ đã dành ra rất nhiều ngày để nghiên cứu đề án tuyển sinh của 2 trường. Cái rối và khiến cả nhà căng đầu nhất là cách tính điểm cho mỗi phương thức, từ đó tính toán để chọn ra phương thức nào phù hợp nhất", Hương nói.

Hương cho biết có những thông tin cả nhà tranh luận đến khuya vì mỗi người hiểu một cách. Chẳng hạn ĐH Kinh tế TP.HCM có phân chỉ tiêu cho từng phương thức và từng loại chương trình đào tạo theo tỷ lệ phần trăm, sau đó lại có bảng chỉ tiêu cho từng ngành học. Hương thì nói chỉ cần xem chỉ tiêu của từng ngành học, nhưng ba mẹ lại cho rằng phải tính cụ thể từng ngành, từng chương trình đào tạo, từng tổ hợp môn của mỗi phương thức có chỉ tiêu là bao nhiêu.

Trong khi đó, theo Hương, đề án tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại thương với 6 phương thức xét tuyển. "Đọc hết vài chục trang phương thức tuyển sinh với các điều kiện xét tuyển, cách tính điểm của từng phương thức..., cả nhà em hoa mắt, chóng mặt vì quá dài và rắc rối. Cuối cùng, em chỉ tập trung nghiên cứu 2 phương thức là xét điểm thi đánh giá năng lực và xét kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT", Hương chia sẻ.

Một số trường ĐH cũng sử dụng 5 - 6 phương thức với đề án tuyển sinh dài cả trăm trang như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (109 trang, 5 phương thức), Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (207 trang, 6 phương thức), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (138 trang, 5 phương thức)...

Nhiều phụ huynh than phiền, muốn đồng hành cùng con bằng cách tìm hiểu đề án tuyển sinh của các trường, nhưng rốt cuộc phải "đầu hàng". Chị Đặng Phương Lan, phụ huynh của thí sinh (TS) Nguyễn Thanh Hà (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai), cho biết do "đọc khó hiểu", "rắc rối", "không biết hiểu đúng hay chưa", nên trong đầu tháng 5 đã phải cùng con chạy xe máy quãng đường hơn 50 km để đến một số trường ĐH tại TP.HCM nhờ cán bộ tuyển sinh tư vấn về từng phương thức xét tuyển, ngành nghề…

RỐI RẮM, KHÓ HIỂU

Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, nhận định: "Tôi rất đồng ý với quan điểm của Bộ GD-ĐT. Đúng là hiện nay nhiều trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển gây rối rắm và khó hiểu, ngay cả những người làm tuyển sinh cũng rối, huống gì phụ huynh và TS. Đành rằng các trường có lý do khi sáng tạo ra nhiều phương thức như để tăng hiệu quả tuyển sinh, tăng chất lượng đầu vào, nhưng thực tế cho thấy những năm qua TS chủ yếu sử dụng kết quả thi THPT và học bạ để xét tuyển".

"Cũng cần phải biết rằng điểm xét tuyển đầu vào chỉ là một trong nhiều yếu tố có tác động đến chất lượng đào tạo chứ không phải là yếu tố quyết định, và qua phân tích cho thấy mức độ tương quan giữa điểm trúng tuyển đầu vào và kết quả học tập của sinh viên là không cao. Vậy nên khuyến cáo của Bộ là hoàn toàn chính xác", tiến sĩ Duy chia sẻ.

Giám đốc trung tâm tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM thừa nhận, hiện nay nhiều trường đưa ra tới 5 - 6 phương thức với việc tận dụng mọi loại điểm để xét tuyển. "Có trường còn dùng phương thức kết hợp, chẳng hạn điểm đánh giá năng lực với điểm thi tốt nghiệp THPT, hay điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT... rất rối, nhưng chung quy cũng là để TS không thể nào... trượt được. Bộ chỉ có thể khuyến cáo chứ không thể bắt các trường loại bỏ một số phương thức do các trường được tự chủ tuyển sinh", vị giám đốc này nhận định.

Bối rối với 'ma trận' các phương thức tuyển sinh- Ảnh 2.

Phụ huynh tìm hiểu thông tin xét tuyển của một trường ĐH

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH


TỐN KÉM NGUỒN LỰC, KHÔNG CÔNG BẰNG TRONG ĐÁNH GIÁ

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng nhiều phương thức tuyển sinh sẽ có ưu điểm là TS có nhiều lựa chọn, tăng cơ hội trúng tuyển. Về phía các trường thì tăng cơ hội thu hút TS giỏi.

"Tuy nhiên, điều này khiến TS gặp áp lực như phải chuẩn bị nhiều loại hồ sơ, chứng minh năng lực qua nhiều kênh khác nhau, dẫn đến áp lực và căng thẳng. Bên cạnh đó, có khả năng bị đánh giá không công bằng và đồng đều vì một số phương thức có thể không phản ánh đúng năng lực thực sự của TS, đặc biệt là các yếu tố ngoài học thuật như kỹ năng mềm, thành tích bên ngoài. Bên cạnh đó, với việc tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực khác nhau có thể tốn kém về mặt tài chính và thời gian", tiến sĩ Tuấn nêu.

Về phía các trường, việc sử dụng nhiều phương thức có thể dẫn đến sự không đồng nhất trong tiêu chí đánh giá và gây ra tranh cãi về tính công bằng giữa các TS. Các trường cũng phải cần nhiều nguồn lực để thực hiện việc xét tuyển, phải thay đổi và thích ứng để hỗ trợ TS chuẩn bị tốt hơn cho nhiều phương thức xét tuyển, điều này có thể gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

"Thực tế các trường không cần phải có nhiều phương thức mà chỉ nên chọn vài phương thức chuẩn và chỉnh nhất để tuyển sinh", tiến sĩ Tuấn nêu quan điểm.

Trong khi đó, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, lo ngại việc sử dụng quá nhiều phương thức khiến TS bị nhiễu thông tin, đồng thời chưa có sự công bằng giữa các phương thức. Ví dụ như các phương thức có sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển thì những TS vùng sâu, vùng xa, nông thôn sẽ ít có cơ hội như TS ở thành phố lớn.

"Ngoài 2 phương thức xét tuyển là dùng điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ chiếm tỷ lệ TS đăng ký cao, và một số phương thức đặc thù đối với khối ngành năng khiếu, thì việc hạn chế số lượng phương thức xét tuyển là cần thiết. Điều này sẽ giúp các TS không bị nhiễu thông tin, không mất công bằng trong xét tuyển", tiến sĩ Hải nhận định.

Nhiều phương thức có rất ít TS đăng ký xét tuyển. Cụ thể, năm 2022, phương thức dựa vào kết quả thi THPT là 47,98%; dựa vào kết quả học tập THPT là 37,18%; dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy là 1,97%; và 13 phương thức còn lại chiếm tỷ lệ 12,87%.

Năm 2023, phương thức dựa vào kết quả thi THPT chiếm 49,45%, xét kết quả học tập THPT chiếm 30,24%, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy là 2,57%, và 14 phương thức còn lại chiếm tỷ lệ 17,74%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.