Bồi thường hay hỗ trợ ?

Tin Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất chi 305 tỉ đồng hỗ trợ các hộ dân rơi vào tình cảnh nhà thấp hơn đường quả thật là tin vui.

Những hộ dân này, ở những mức độ khác nhau, đều đã chịu tác động tiêu cực do thi công các dự án nâng đường chống ngập của thành phố. Nhiều trường hợp trong số đó là hộ nghèo - đối tượng dễ tổn thương trong bất cứ một quá trình thay đổi xã hội nào.
Nhưng động thái tích cực này của chính quyền lại làm dấy lên câu hỏi: đó là “bồi thường” hay “hỗ trợ”?
Đòi “bồi thường” là tỏ rõ ý quy lỗi, quy trách nhiệm cụ thể, với ai đó đã tạo ra cái thực tế trớ trêu đường cao hơn nhà. Rốt lại thì cũng phải có ai đó chịu trách nhiệm trong chuyện đẩy một số hộ dân vào tình cảnh nhà thấp đường cao chứ?
Còn nói “hỗ trợ” thì coi như đã bộc lộ rõ quan điểm xem chuyện này là chuyện khó chung, lỗi chăng là ở ông trời làm mưa gió, làm nước dâng gây ngập nên phải nâng đường chống ngập khiến nhà dân thấp hơn mặt đường. Giờ thì chính quyền phải chi thêm tiền để giúp dân khắc phục.
Có gì đó vừa thỏa đáng vừa không thỏa đáng trong thực tế này. E rằng, vì vậy, cuộc tranh luận sẽ chẳng dễ dàng gì để có câu trả lời rốt ráo. Và e rằng, kể cả khi cuộc tranh luận đó ngã ngũ thì kết quả cũng chẳng khác nhau là bao. Cũng chỉ có thể là dùng một số tiền ngân sách chi cho dân để bù lại những sai sót trước đó. Mà tiền ngân sách xét cho cùng cũng là tiền thuế của dân. Cũng chỉ là móc túi trái bỏ túi phải mà thôi.
Quy trách nhiệm cho đến tận cùng, sẽ là những lý do như quy hoạch sai, lỗi thiết kế hệ thống thoát nước đô thị... Và đôi khi, những chuyện mà giờ ta gọi là sai lỗi, biết đâu trong điều kiện của quá khứ, nó chỉ là một chuyện đương nhiên không thể tránh khỏi. Cốt đường đã như thế, cốt nền nhà đã như thế tự lâu rồi, trong cái bối cảnh mà chúng ta chưa từng chịu áp lực của biến đổi khí hậu, của nước biển dâng và của quá trình đô thị hóa chóng mặt.
Có những chuyện đúng là sai lỗi, vì hoàn toàn có thể tránh được ở thời điểm này, như chuyện đào vỉa hè lên xong dăm bữa lấp rồi cơ quan khác lại đào lên tiếp tục, chậm tiến độ thi công đường, hay lô cốt quá hạn làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của dân… Chúng ta sẽ không cho phép mình dễ dãi với những sai lỗi đó.
Nhưng có những cái bây giờ gọi là “sai lỗi” thật ra đã bắt đầu từ đâu đó rất lâu trong quá khứ. Giờ đến lúc chúng bộc ra thành hậu quả, thành hệ lụy. Thế là chúng ta buộc phải lựa chọn cách thức giải quyết vấn đề chung.
Chúng ta sẽ chọn cách lao vào những cuộc tranh cãi, đổ lỗi bất tận như một quán tính văn hóa? Hay chúng ta nên có cách nào đó khác hơn, bản lĩnh hơn để vượt lên trên những tranh cãi, đổ lỗi mà xét cho cùng nó giúp làm trầm trọng thêm các vấn đề.
Liệu chúng ta có nên đơn giản hơn một chút trong cách thức hợp tác để giải quyết những vấn đề chung không? Chính quyền thì quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người dân để mà sẵn lòng chấp nhận bồi thường nếu mình gây chuyện sai với dân, hoặc sẵn lòng hỗ trợ nếu dân gặp khó. Còn người dân nên chia sẻ khó khăn với chính quyền trong việc tháo gỡ những sai lỗi từ quá khứ.
Nếu được như thế, thì cả chính quyền và người dân, đều sẽ được “bồi thường” bằng một giá trị xứng đáng hơn: đó là sự phát triển của quê hương mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.