Bồi trong 'bồi bếp' có gốc Tây, không phải gốc Hán

03/12/2017 07:45 GMT+7

Không có lý do gì để phủ nhận gốc Pháp của từ “bồi” trong tiếng Việt. Danh từ bồi của tiếng Việt chỉ ra đời trong thời kỳ VN thuộc Pháp để gọi kẻ ăn người ở trong nhà là “boy”.

Trong bài Tiêu chí nghiên cứu từ nguyên học tiếng Việt (Tạp chí Nghiên cứu Khoa học, Trường đại học Cần Thơ, 2005), tác giả Trần Thanh Ái đã viết: “Mặc dù bồi trong chữ cao bồi là do cách phát âm Việt hóa của boy trong từ cowboy (Anh - Mỹ), một số nước boy cũng được dùng (theo nghĩa xấu) để chỉ người phục vụ (Từ điển Anh - Việt, NXB TP.HCM, 1998), nhưng không thể vì thế mà kết luận rằng tất cả những trường hợp có âm tiết bồi đều có nguồn gốc từ boy của tiếng Anh”.
Tuy nhiên, Trần Thanh Ái cũng không đúng khi xác định “bồi trong chữ cao bồi là do cách phát âm Việt hóa của boy trong từ cowboy (Anh - Mỹ)”. Hai tiếng “cao bồi” đã xuất hiện trong tiếng Việt từ thời thực dân Pháp cai trị VN. Cao bồi là hình thức phiên âm từ cow-boy của tiếng Pháp, còn chính danh từ này của tiếng Pháp mới bắt nguồn từ tiếng Anh. Dĩ nhiên là cow-boy đã được ghi nhận một cách bình thường trong nhiều quyển từ điển tiếng Pháp, đặc biệt là Le Grand Robert Le Grand Larousse Illustré, Edition Prestige 2015. Khán giả VN đã biết đến hai tiếng cow-boy với những phim cao bồi miền Viễn Tây (Far West) của Mỹ qua những tờ chương trình bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt. Đâu cần đợi đến khi Mỹ qua. Tiếng Việt đã tiếp xúc với cow-boy Pháp trước chứ đâu phải với cow-boy Mỹ.
Trần Thanh Ái còn sai lầm hơn khi viết: “Từ bồi (Hán - Việt) có nghĩa là theo cho có bạn; giúp thêm; làm tôi (tớ); ở hai bên người khác (Đào Duy Anh, 1957). Thế mà tiếng Hán - Việt đã được sử dụng ở VN từ rất lâu trước khi tiếng Anh du nhập vào nước ta. Do đó, khả năng vay mượn từ tiếng Anh ít hơn rất nhiều so với nguồn gốc Hán - Việt của nó”. Chữ bồi của Đào Duy Anh mà Trần Thanh Ái đã viện dẫn để biện luận, Hán tự là [陪]. Trong những nghĩa của chữ này, nghĩa gần nhất với quan điểm của Trần Thanh Ái chính là “làm tôi”. Nhưng Đào Duy Anh chỉ ghi vỏn vẹn hai chữ “làm tôi” còn Trần Thanh Ái thì tùy tiện thêm vào chữ “tớ” trong ngoặc đơn thành “làm tôi (tớ)”, mà chính sự tùy tiện này mới chứng tỏ rằng Trần Thanh Ái đã vi phạm một số tiêu chí do chính mình đề ra. Khái niệm “tôi tớ” của Trần Thanh Ái chỉ là thành phần làm thuê thuộc hàng thấp nhất cho những gia đình giàu có, ít nhất cũng là đủ sống. Còn khái niệm “tôi” của Đào Duy Anh thì thuộc hàng “cao cấp” vì nó liên quan đến cả các quan đại thần trong triều đình, chứ đâu phải là những người “tôi tớ”. Tiếng Việt chưa bao giờ dùng hình vị “bồi” với cái nghĩa “tôi tớ” cả.
Bồi với nghĩa “tôi tớ”, tức danh từ bồi mà ta có thể thấy trong bồi bàn, bồi bếp, bồi bút, tiếng Tây bồi, là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở danh từ boy, mà Le Grand Robert giảng là: “jeune domestique indigène, en Extrême-Orient, dans les colonies…”, nghĩa là: “đày tớ trẻ người bản xứ ở Viễn Đông, tại các thuộc địa”. Còn Dictionnaire étymologique et historique du français (Larousse 2011) thì giảng là: “jeune domestique chinois ou annamite”, nghĩa là: “đày tớ trẻ người Tàu hoặc An Nam”.
Tóm lại, từ bồi do Trần Thanh Ái đưa ra làm thí dụ để biện luận không phải là một từ Việt gốc Hán vì đó là một từ Việt gốc Pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.