Vụ hành xử "luật rừng" tại khu công nghiệp Tân Đức đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang gây phẫn nộ lớn cho dư luận và ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường đầu tư VN.
Đặt trường hợp những hình ảnh Công ty TNHH Tango Candy (Nhật Bản) bị khu công nghiệp (KCN) Tân Đức chặn, đổ đất sét lấp cổng ra vào, cúp nước, ngưng cấp hạ tầng giao thông, ngưng dịch vụ an ninh trật tự... đến mức đình trệ sản xuất được truyền thông Nhật Bản đưa lên, các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư nước này sẽ nghĩ sao về môi trường đầu tư VN? Liệu họ có còn mong muốn mang tiền bạc, công nghệ và tình cảm để đến VN làm ăn kinh doanh hay sẽ chọn một nơi khác? Mỗi chúng ta, thử đặt mình vào vị trí nhà đầu tư đang lựa chọn, liệu chúng ta có can đảm tiếp tục đến nơi mà đồng nghiệp của mình đang bị hành xử “giang hồ” như vậy không? Câu trả lời chắc chắn là không, khi các nước đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút đầu tư.
Cách hành xử của KCN Tân Đức là không thể chấp nhận được và cần phải nghiêm trị. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là cách giải quyết của chính quyền tỉnh Long An. Nguyên nhân của sự việc này là do bất đồng về mức phí trong KCN, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng mức phí quá cao, không phù hợp nên chưa nộp. Chưa nói đến đúng - sai, lẽ ra ngay khi tiếp nhận sự việc, chính quyền phải vào cuộc chấm dứt ngay hành động “luật rừng” của KCN Tân Đức. Nhưng câu chuyện này diễn ra kéo dài khiến dư luận bức xúc mãi đến hôm qua mới được giải quyết. Các công nhân của Tango Candy mới hết cảnh leo rào để tới văn phòng, 30 DN nước ngoài tại đây mới hết bị đe dọa “cắt nhiều thứ khác” nếu không thỏa mãn yêu cầu của KCN.
Chúng ta đều biết, Nhật là nhà đầu tư số 1 tại VN tính cả về vốn, quy mô cũng như chất lượng đầu tư. Kết quả đó là sự nỗ lực lớn lao của cả Chính phủ, các vị lãnh đạo cao cấp của VN bao năm qua. Mỗi năm, chúng ta cũng chủ động tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với DN Nhật để nghe góp ý về môi trường đầu tư, đưa ra các sáng kiến chung, tạo sự thông thoáng trong cơ chế chính sách để hỗ trợ tối đa nhà đầu tư tại thị trường VN. Đặc biệt mấy năm gần đây, cải thiện môi trường đầu tư được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ở tầm vĩ mô, chúng ta đã cho ra đời luật Đầu tư, luật DN sửa đổi với những tư tưởng thông thoáng; chúng ta quyết liệt rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, thủ tục thuế ngang bằng các nước trong khu vực; tổ chức các cuộc xúc tiến kêu gọi đầu tư ở nhiều quốc gia; cam kết đồng hành, sát cánh với các DN trong quá trình kinh doanh tại VN... nhưng tất cả những nỗ lực đó có thể bị hủy hoại bởi cách hành xử với nhà đầu tư như KCN Tân Đức.
Một du khách bị cướp, lãnh đạo TP.HCM tổ chức họp xin lỗi tới 2 lần nhưng 30 DN nước ngoài mang tiền đến Long An đầu tư kinh doanh bị chủ KCN áp dụng “luật rừng” thì dư luận chỉ trích mới giải quyết. Nếu chính quyền vô cảm, đừng nói đến DN nước ngoài, ngay cả DN trong nước cũng không dại gì bỏ tiền làm ăn ở những nơi này. Quan trọng hơn, Long An không thể đứng ngoài chương trình hành động của cả đất nước về cải thiện môi trường, thu hút vốn ngoại, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp để tạo đà cho kinh tế bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai này.
Bình luận (0)