Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ignat đã mô tả bom dẫn đường hay còn gọi là bom lượn, là một "mối đe dọa mới", đồng thời cho biết Nga sử dụng loại bom này gần như hàng ngày.
Ông Ignat cho biết vào tháng trước có 20 quả bom dẫn đường được phóng qua chiến tuyến mỗi ngày và đã gây ra "tác động rõ rệt" ở các khu vực, bao gồm khu vực Donetsk.
Ông Ignat nói các quả bom được thả bằng máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 của Nga từ ngoài tầm tấn công của các hệ thống phòng không Ukraine.
Để ngăn các máy bay này đến được vị trí thả bom thì Ukraine sẽ cần năng lực phòng không mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như hệ thống phòng không Patriot.
Ông Ignat khẳng định không thể bắn hạ bom lượn, nhưng có thể bắn hạ máy bay mang bom.
Mỹ đã hứa sẽ đẩy nhanh thời gian cần thiết để đưa hệ thống phòng không Patriot vào hoạt động ở Ukraine.
Hồi tháng 3, Ukraine cho biết Nga đã sử dụng các loại bom cải tiến như KAB-500 để tấn công một số nơi ở Ukraine, như khu vực Sumy.
Truyền thông Ukraine trước đó cũng đưa tin Nga đã sử dụng loại bom dẫn đường UPAB-1500B nặng 1.500 kg, mới được phát triển và được công bố vào năm 2019.
Tiêm kích Su-34 Nga làm rơi bom gây nổ lớn khu dân cư sát biên giới Ukraine
Trang tin quân sự Ukraine Defense Express cho biết bom UPAB-1500B có tầm tấn công lên tới 40km và đã được sử dụng vào đầu năm nay ở vùng Chernihiv phía bắc Ukraine.
Theo truyền thông Nga, quả bom mang lượng nổ nặng hơn 1.000 kg, và sử dụng dẫn đường quán tính và vệ tinh để tiếp cận mục tiêu.
Một báo Nga nói UPAB-1500B có thể được trang bị trên nhiều loại máy bay Nga, bao gồm cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom.
Trang Defense Express nhận định bom lượn có thể đánh trúng các mục tiêu được bảo vệ tốt, và cách ngăn chặn duy nhất là diệt các máy bay mang vũ khí.
Ukraine cũng đã nhận được bom dẫn đường trong các gói viện trợ từ Mỹ, bao gồm JDAM và JDAM-ER tầm xa hơn.
Bình luận (0)