'Bom hàng' là vi phạm pháp luật, coi chừng rước họa vào thân

11/05/2023 14:10 GMT+7

Câu chuyện "bom hàng" (đặt mua nhưng khi đưa hàng đến không nhận) đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Thậm chí vì muốn "tẩy chay" một người có sức ảnh hưởng hay nhãn hàng, nhiều người cũng đua nhau vào đặt để rồi "bom" và có khi còn lên mạng kêu gọi cùng "bom hàng". Tuy nhiên, ít ai để ý "bom hàng" là vi phạm pháp luật, coi chừng rước họa vào thân.

Giao hàng gọi cả chục cuộc điện thoại nhưng khách không bắt máy

Hiện đang làm shipper (người giao hàng) tại xã Biển Bạch, H.Thới Bình (tỉnh Cà Mau), T.C.B. (23 tuổi) cho biết làm nghề này mà bị "bom hàng" là bình thường và hầu như ngày nào anh B. đi giao hàng cũng phải gặp 1, 2 vụ.

Khi ‘bom hàng” để mà… vui - Ảnh 1.

Chuyện "bom hàng" tuy cũ, nhưng lý do luôn mới

T.C.B

B. kể: "Có lần, mình nhận được đơn hàng và địa chỉ của khách. Đến đó, có bé gái đi ra nói nhà này không ai đặt hàng, cũng như không có số điện thoại này nhưng khi mình gọi điện thì lại thấy điện thoại của một người trong nhà đang reo nhưng họ bước vào trong luôn".

Lần đó, dù đơn hàng chỉ là 100.000 đồng nhưng B. phải đi 8 km để giao, không được khoản tiền nào lại còn bỏ công. "Đa số trường hợp bom hàng đều có các lý do tương tự nhau, như: không có đặt hàng, không có ở nhà, đợi lâu quá nên "bom"... Giờ muốn tránh bị "bom" cũng không được, người ta đã không nhận thì sao mình ép, nên bị "bom" thì coi như bữa đó xui thôi", B. chia sẻ.

Hiện là sinh viên một trường ĐH ở tỉnh Bình Dương, Võ Tấn Bản cũng làm shipper được 1 năm và cũng hay bị "bom hàng". Tấn Bản chia sẻ: "Lúc đó, mình đi giao hàng tầm 8 giờ tối, đơn hàng là 8 ly trà sữa hơn 200.000 đồng, tới nơi thì gọi cả chục cuộc điện thoại nhưng khách không bắt máy. Nên đành báo lại đơn vị giao hàng nhờ xử lý rồi đem 8 ly trà sữa đó chia cho các anh em chạy shipper uống chung".

Cũng đang làm nghề shipper, Tăng Thiên Quân (22 tuổi) cho biết thường mỗi ngày sẽ chọn nhận đơn theo số tiền mình có sẵn trong túi. "Chẳng hạn, hôm đó mình có 300.000 đồng thì sẽ đăng ký nhận đơn từ 100.000 - 300.000 đồng và muốn được nhận nhiều đơn thì cần phải tăng số tiền mình có lên", Thiên Quân cho biết. 

Thiên Quân chia sẻ: "Làm nghề này rất sợ bị bom hàng, giá cao hay thấp cũng sợ vì sinh viên đâu có tiền nhiều. Có lần vì không có đơn nên mình liều đặt mốc nhận là 500.000 đồng thì có liền một đơn đặt gà rán hơn 700.000 đồng, cũng may họ đặt ở chung cư gần đó nên mình cũng bớt lo", Thiên Quân chia sẻ.

Khi ‘bom hàng” để mà… vui - Ảnh 3.

Bài chia sẻ kêu gọi... "bom hàng"

CHỤP MÀN HÌNH

Dạo gần đây, một số người có sức ảnh hưởng trên mạng hoặc phát ngôn không tốt nên khi hợp tác với nhiều nhãn hàng đã bị nhiều người "tẩy chay" bằng cách đặt thật nhiều đơn rồi "bom hàng". Nhiều người cho rằng họ sẽ trả lại tiền ship cho shipper nên việc "bom hàng" này là văn minh và nhằm giúp "thanh lọc" những người có sức ảnh hưởng.

"Mình không đồng tình với chuyện này vì vừa tốn thời gian của shipper, nhất là sinh viên, vừa thiệt hại cho các shop. Nếu mọi người đều "bom" hàng đồng loạt như vậy thì sau này nhiều khách họ nghĩ nếu muốn "bom" hàng chỉ cần trả tiền cho shipper là được mà chưa nghĩ đến việc lấy hàng, di chuyển còn các shop bán hàng sẽ bị thất thoát doanh thu", Tấn Bản cho hay.

"Bom hàng" là vi phạm các quy định về gian lận, lừa đảo?

Nhận xét về vấn đề "bom hàng", luật sư Trương Quốc Hưng, Giám đốc Công ty Luật Bi Law, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Bình Dương, chia sẻ tình trạng "bom hàng" không chỉ ảnh hưởng đến người bán mà cả shipper khi đã đến nơi giao hàng nhưng khách không nhận và phải trả tiền cho những món hàng bị "bom".

"Xét về bản chất, khi khách đặt hàng qua mạng với chủ shop thì lúc này cả hai đã thiết lập một hợp đồng dân sự, cụ thể là hợp đồng mua bán và hai bên sẽ có các quyền và nghĩa vụ riêng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Điều 119, Bộ luật Dân sự 2015 có qui định: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Việc khách không nhận hàng chính là hành vi vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng. Và đây là hành vi vi phạm, nói cách khác, "bom hàng" là vi phạm pháp luật", luật sư Hưng cho hay.

Nói về vấn đề "bom hàng" vì muốn bày tỏ quan điểm "tẩy chay", ông Hưng chỉ ra: "Đây là hành vi có thể gây hậu quả pháp lý và đạo đức. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi này, cần phải xem xét các yếu tố cụ thể trong từng trường hợp cụ thể".

Về pháp lý, việc "bom hàng" có thể vi phạm các quy định về gian lận, lừa đảo hoặc mạo danh trong lĩnh vực kinh doanh. Điều này có thể bị coi là hành vi không trung thực và lừa dối, gây thiệt hại cho các bên tham gia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hành vi "bom hàng" có thể được coi là một hình thức biểu đạt quyền tự do ngôn luận, khi người thực hiện muốn đưa ra lời phê phán, chỉ trích hay "tẩy chay" đối tượng mà họ cho là không đáng tin cậy hoặc đáng phê phán. 

Khi ‘bom hàng” để mà… vui - Ảnh 5.

Dù bất cứ lý do nào thì việc "bom hàng" có chủ đích vẫn không nên

THƯỢNG HẢI

"Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận cũng có giới hạn và không được sử dụng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc gây thiệt hại đối với họ. Cần xem xét các quy định pháp lý và nguyên tắc đạo đức trước khi đưa ra một đánh giá cụ thể về hành vi "bom hàng" trong từng trường hợp cụ thể", ông Hưng cho hay.

Để hạn chế hậu quả của việc "bom hàng", luật sư Hưng cho biết các chủ cửa hàng cần kiểm tra kỹ thông tin khách hàng, chụp lại những đoạn tin nhắn đặt hàng để làm bằng chứng và yêu cầu khách hàng đặt cọc trước những đơn hàng có giá trị để có thể yêu cầu bồi thường hoặc làm đơn khởi kiện để tòa án giải quyết. 

"Với những đơn hàng có giá trị lớn, tốt nhất nên có thêm thỏa thuận về việc đặt cọc làm biện pháp đảm bảo. Người bán nên hết sức thận trọng để lựa chọn phương án an toàn, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng", ông Hưng bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.