Bom tấn 'A Wrinkle in Time' của Disney bị chê mờ nhạt

10/03/2018 20:00 GMT+7

Mặc dù có cốt truyện rất triển vọng nhưng A Wrinkle in Time (tựa Việt: Nếp gấp thời gian ) lại không nổi bật về mặt diễn xuất hay dựng phim.

A Wrinkle in Time bắt đầu với vụ mất tích của tiến sĩ Alex Murry (Chris Pine) khi ông khám phá ra cách thức du hành sang thế giới khác. Bộ phim theo bước hành trình giải cứu người cha mất tích của cô bé Meg Murry (Storm Reid) cùng em trai Charles (Deric McCabe) và cậu bạn Calvin (Levi Miller). Họ đi qua ba thế giới và gặp gỡ những loài kỳ hoa dị thảo, những nhân vật thần tiên nhưng đồng thời phải đối mặt với thế lực đen tối và vượt qua những thử thách khó khăn.
Bộ truyện A Wrinkle in Time của Madeleine L’Engle tuy nổi khắp năm châu nhưng luôn bị gắn mác “không thể đưa lên phim”. Được biết, đài BBC từng làm loạt phim truyền hình vào năm 2003 và tác giả L’Engle chỉ phũ phàng nhận xét: “Tôi đoán trước rằng phim sẽ dở, và nó thực sự dở”. Phiên bản điện ảnh lần này do nữ đạo diễn da màu Ava DuVernay đảm nhận. Đây là người phụ nữ thứ ba sau Katheryn Bigelow và Patty Jenkins được chỉ đạo một sản phẩm điện ảnh có kinh phí trên 100 triệu USD.
Thế nên Ava DuVernay đã mang sự đa dạng sắc tộc vào trong phim, nữ chính là cô bé da màu Storm Reid từng góp mặt trong bộ phim đoạt giải Oscar 12 Years A Slave, bên cạnh đó còn có sự tham gia của "nữ hoàng truyền hình" Oprah Winfrey.
Tạo hình có phần diêm dúa của Oprah Winfrey
Nhiều chuyên gia điện ảnh nhận định đây là Black Panther thứ hai trong năm nay, một tác phẩm cất lên tiếng nói cho cộng đồng người da màu và sự đa sắc tộc. Thế nhưng, không như Black Panther sở hữu dàn diễn viên nội lực với kinh nghiệm diễn xuất đầy mình, sự hiện diện của cô bé Storm Reid hay Oprah Winfrey trong phim dường như chỉ mang tính chất đại diện. Hai nhân vật độc đáo, ngỡ sẽ gây ấn tượng nhất phim hóa ra lại khá nhạt nhòa. Những nhân vật thần tiên thì diễn cường điệu quá mức cần thiết. Thay vào đó, “gương mặt thân quen” Chris Pine lại tỏa sáng bất ngờ dù có đất diễn rất hạn chế. Cậu nhóc Deric McCabe cũng tạo được ấn tượng nhất định.
Không những gây hụt hẫng về diễn xuất, A Wrinkle in Time cũng không ổn về phần dựng phim. Nếu Ava DuVernay từng gây tiếng vang với hai phim độc lập đậm màu sắc chính trị là Middle of Nowhere (2012) và Selma (2014) thì lần này cô thể hiện sự vụng về thấy rõ khi chỉ đạo một sản phẩm điện ảnh dành cho trẻ em.
Phần hình ảnh đẹp vẫn là thế mạnh của phim
Khá nhiều ý tưởng thú vị từ tác phẩm gốc bị lược bỏ, như kẻ phản diện của cả bộ phim là một bộ não điện tử có khả năng điều khiển tâm trí người khác, đem đến cho họ những cảm giác đen tối như căm thù, thống khổ, tuyệt vọng. Trong nguyên tác, bộ não không đơn thuần là một thế lực tà ác mà còn mưu toan “cào bằng” mọi người trên thế giới thành những kẻ giống hệt nhau, thiếu cá tính, thiếu sáng tạo. Và những ai tuân theo nó sẽ sống một cuộc sống dễ dàng, thoải mái hơn bởi không cần phải nghĩ suy những điều phức tạp nữa. Đối với L’Engle, cơn ác mộng thực sự là một thế giới thiếu tính nguyên bản khi con người ngủ vùi trong sự thỏa mãn và biếng nhác.
Những đứa trẻ đứng trước ngưỡng trưởng thành bị buộc phải lựa chọn, hoặc là trở thành một người lớn kiểu mẫu, hoặc sống sao cho phát huy hết khả năng của bản thân. Ta có thể thấy ý tưởng của L’Engle thoạt nghe không hề “đao to búa lớn” nhưng lại sâu sắc hơn, còn những gì bộ phim đưa ra lại quá chung chung, rập khuôn. Cho nên A Wrinkle in Time xem như chỉ lấy được cái vỏ ngoài của văn bản chứ không chạm đến cái lõi cốt yếu. Thay vì đầu tư về mặt nội dung, đội ngũ sản xuất chỉ phơi bày ra đó chuỗi hình ảnh đẹp mắt đầy màu sắc với tiết tấu nhanh. Khán giả xem phim sẽ không có lấy một giây dừng lại để thở khi dõi theo hành trình như lốc cuốn của bộ ba nhân vật chính đi từ thế giới này đến thế giới khác.
Bù lại, bộ phim thỏa mãn phần nhìn với tông màu tươi sáng, đẹp mắt, tuy đôi lúc còn lạm dụng phông nền xanh quá đà khiến một số cảnh quay trông hơi giả. Trang phục của ba bà tiên cũng gây phản cảm vì quá... rườm rà, diêm dúa. Dù thất bại trong việc truyền tải tư tưởng của tác phẩm gốc thì ít nhất A Wrinkle in Time vẫn giữ lại thông điệp đề cao việc yêu thương bản thân chứ không chỉ dừng ở tình cảm gia đình, tình bạn bè. Và cũng chính điều này làm nên ý nghĩa nhân văn cho bộ phim.
A Wrinkle in Time hiện bị "vùi dập" với mức điểm 3,5/10 trên IMDb và 42% trên Rotten Tomatoes.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.