Đối với người Mỹ, từ khóa “Nội chiến” (Civil War) không đơn giản là tên một bộ phim, mà còn là chất xúc tác khơi dậy một nỗi ám ảnh trong tiềm thức. Từ tháng 4.1861 đến tháng 5.1865, cuộc giao tranh quân sự giữa liên bang miền Bắc và liên minh miền Nam được nhiều sử gia đánh giá là trận chiến kinh hoàng, vết nhơ nghìn năm không rửa sạch của Mỹ. Đến thời hiện tại, từ “Nội chiến” vẫn xuất hiện trong nhiều tác phẩm hư cấu: từ trò chơi, truyện tranh, cho đến phim ảnh; đủ để thấy sự tác động sâu rộng của nó đối với văn hóa đại chúng Mỹ.
Phim mới của đạo diễn Alex Garland (Ex Machina, 28 Days Later), A24 sản xuất, mô phỏng một tương lai gần nơi nước Mỹ bị xâu xé bởi cuộc Nội chiến thứ hai. Tổng thống Mỹ Nick Offerman ban hành những chính sách độc tài dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và lương thực, hệ lụy là các nhóm biểu tình, nhân danh cách mạng trỗi dậy mạnh mẽ. Khi mâu thuẫn leo thang đến đỉnh điểm, nhiều tổ chức có vũ trang hùng hậu quyết định đảo chính, tiến quân đến Nhà Trắng để “xử tử Đức vua”.
Người xem có dịp theo chân của nhóm phóng viên chiến trường, gồm Lee Smith (Kirsten Dunst), Sammy (Stephen McKinley Henderson), Joel (Wagner Moura) và Jessie (Cailee Spaeny), trên hành trình đi đến thủ đô Washington, D.C, để thực hiện buổi phỏng vấn cuối cùng với tổng thống, trước ngày tàn của chính quyền đương nhiệm.
Chiến tranh qua lăng kính vừa điên rồ, vừa diễm lệ
Chọn bối cảnh tương lai, song Alex Garland không cố gắng khắc họa một cuộc chiến mang màu sắc khoa học viễn tưởng, với những khí tài siêu thực. Ông cũng không cố khắc họa một địa đàng đổ nát, khi nhân tính đi xuống và sự man rợ lên ngôi, như nhiều phim hậu tận thế. Nhà làm phim để tuyến vai chính là những phóng viên ảnh với dụng ý khai thác một góc nhìn trung lập, công bằng nhưng lạnh nhạt, với sự phi nghĩa của chiến tranh.
Như vậy, Alex Garland bắt đầu phim bằng một tiền đề tưởng chừng xa vời, rồi nhanh chóng kéo người xem về lại thực tế với những hình tượng thực tế, gây sốc khi khắc họa rõ nét những vết nhơ về tư tưởng của xã hội đương đại. Đây có thể xem là phong cách làm phim đặc trưng của đạo diễn người Anh, từng xuất hiện trong những phim trước của ông như Ex Machina, Annihilation, hay Men.
Trong nhiều phân cảnh, trung tâm của ống kính nhóm nhà báo chiến trường bắt trọn khoảnh khắc một cơ thể bốc cháy, hay những mồ chôn tập thể phủ ngập xác người. Nhưng cũng có lúc, đó là một bức tranh nghệ thuật chết chóc, với tia đạn - khói lửa - máu thay cho màu vẽ. Qua những bức hình chụp, Alex Garland gợi ý cho người xem về tính cách của từng nhân vật: Lee Smith trải qua nhiều cuộc binh biến nên đã quá chán ghét chiến trường, Joel là kẻ thực dụng sẵn sàng phỏng vấn người sắp bị xử tử để “lấy trích dẫn”, Jessie là tân binh “máu chiến” thừa nhiệt huyết nhưng non nớt về chính trị, Sammy là bậc lão làng trong ngành, luôn đóng vai trò “mentor” cho các hậu bối trẻ tuổi.
Ở hồi kết của phim, Alex Garland chiêu đãi người xem bằng… sự ồn ào. Những màn đọ súng, cháy nổ xuất hiện dồn dập, khiến người xem phải khó thở như nhóm nhân vật chính. Nhà làm phim thể hiện khả năng chỉ đạo diễn xuất xuất sắc của mình khi cân chỉnh trong khung hình nhiều hoạt động diễn ra song song: phía phóng viên ảnh vượt bom đạn để tác nghiệp, phía các toán binh đột kích Nhà Trắng, phía phe tổng thống chống chọi để sinh tồn; tất cả được sắp đặt tạo thành một bức tranh trong hỗn loạn có trật tự, trong khói đạn có chất thơ.
'Chúng mày là kiểu người Mỹ nào?'
Không chỉ xoay quanh sự tàn khốc của thời chiến, Civil War còn vạch ra những định kiến âm ỉ trong xã hội Mỹ, như sâu mọt chỉ chờ chực ra khỏi hang sâu khi trời chạng vạng. Đó là khi niềm tự tôn quốc gia bị biến chất và trở thành sự phân biệt chủng tộc, vùng miền. Trong một phân cảnh ngắn nhưng đắt giá, tài tử Jesse Plemons vào vai tay lính thuộc nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Với vũ khí trên tay, hắn tự cho mình quyền chất vấn, xử tử những ai bén mảng đến địa bàn của mình. Cùng chất giọng lạnh sống lưng, hắn hỏi những phóng viên một cách bỡn cợt: “Chúng mày là kiểu người Mỹ nào?”.
Chi tiết này như mỉa mai một bộ phận người Mỹ cực đoan, với lòng tự hào dân tộc cao ngút trời cùng hiểu biết hạn hẹp. Lịch sử nước Mỹ không ít lần chứng minh sự bạo động không đến từ ngoại xâm, mà bùng lên từ chính những ngọn lửa được người Mỹ này dùng để thiêu rụi nhà của một người Mỹ khác. Nước Mỹ không cần một “kẻ phản diện” ngoại xâm nào, bởi đau thương triền miên luôn là ngọn giáo của giai cấp cao chĩa thẳng vào trái tim của giai cấp thấp hơn.
Vai phản diện của Jesse Plemons dù chỉ có thời lượng “khách mời”, song đóng vai trò biến đổi toàn bộ mạch truyện về sau. Nhóm phóng viên vượt qua những cuộc bắn tỉa, chứng kiến sự mục ruỗng khi những kẻ lâm vào đường cùng sát hại nhau để sinh tồn; nhưng chỉ thực sự tỉnh ngộ trước họng súng chĩa thẳng đỉnh đầu mình. Tâm trí của họ có sự thay đổi sau khi thoát khỏi cửa tử, theo chiều hướng tệ đi rất nhiều. Sau hồi hai của tác phẩm, nhà làm phim còn quyết định “kết liễu” một nhân vật quan trọng, đẩy kịch tính lên đến cao trào.
Để diễn tả chuỗi tâm lý phức tạp của nhóm nhà báo chiến trường, các diễn viên trong phim phải có sự liên kết, hòa hợp chuẩn chỉnh về diễn xuất. Các tuyến thứ chính như Stephen McKinley Henderson, Wagner Moura, Cailee Spaeny đều thể hiện tròn trịa vai của mình. Trong khi đó, Kirsten Dunst nhiều lần tỏa sáng với lối diễn đầy thâm trầm, nặng tính chiêm nghiệm. Nhân vật Lee Smith được khắc họa vẻ ngoài lãnh đạm, song tất cả nội tâm xáo trộn, sự cắn rứt, hối tiếc được nữ diễn viên thể hiện trọn vẹn qua biểu cảm của đôi mắt. Kirsten Dunst trong Civil War là minh chứng cho quan điểm diễn xuất thực lực thì không đồng nghĩa vai diễn phải ồn ào, hay các biểu cảm hình thể phải làm “lố”.
Với mạch phim vững, kịch bản sâu sắc, Civil War có khá ít sạn. Tuy nhiên, việc xây dựng một cuộc chiến giả tưởng lấy cảm hứng từ cuộc Nội chiến cũng khiến phim mới của A24 trở nên dễ cảm, nhưng “khó xem”. Với thị trường nội địa, phim khơi dậy tiềm thức đau thương, cũng như nhắc nhở thế hệ mới rằng chiến tranh chỉ thi vị trong những sản phẩm giải trí. Ngược lại, khán giả quốc tế nếu không có sự tập trung cần thiết, hay niềm đam mê nhất định về lịch sử hiện đại, sẽ không chiêm nghiệm hết những thông điệp cài cắm xuyên suốt.
Bộ phim chiến tranh viễn tưởng của A24 thu về 10,7 triệu USD trong ngày đầu công chiếu cộng với vé bán sớm các buổi chiếu trước nâng tổng doanh thu toàn cầu lên khoảng 26 triệu USD. Civil War được dự báo sẽ tăng doanh thu nhờ trình chiếu ở các rạp định dạng lớn cao cấp như Imax, bao gồm thị trường Việt Nam.
Bình luận (0)