Bốn dự án giao thông trọng điểm về đích

25/12/2023 04:16 GMT+7

Sáng 24.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm gồm: sân bay Điện Biên (Điện Biên), cầu Mỹ Thuận 2 (Vĩnh Long), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Tiền Giang), và cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang (Tuyên Quang). Đây là dấu mốc lịch sử lần đầu tiên khánh thành 4 dự án giao thông lớn tại 4 điểm cầu trên cả nước.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động khi có sự tham dự của 20 chiến sĩ Điện Biên đã tham gia chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu". Sân bay Điện Biên được mở rộng, nâng cấp để tiếp nhận máy bay cỡ lớn là món quà động viên tinh thần các cựu chiến binh đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu cho chiến dịch năm xưa.

Bốn dự án giao thông trọng điểm về đích- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm

NHẬT BẮC

Các công trình đưa vào khai thác giúp tăng thêm 731 km cao tốc Bắc - Nam phía đông đưa vào sử dụng, tính chung đã có 1.900 km cao tốc cả nước đưa vào khai thác; cùng với gần 1.700 km cao tốc kết nối bắc - nam và đông - tây đang thi công. "Mọi việc suôn sẻ thì có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức Đại hội Đảng XIII đề ra là tới năm 2025 có 3.000 km cao tốc, tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng sẽ có trên 5.000 km cao tốc bắc - nam và đông - tây. Đây là việc khó nhưng chúng ta đã quyết tâm làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao 4 dự án đã vượt qua hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ từ pháp lý, nguồn vốn, vật liệu, giải phóng mặt bằng, nền đất yếu… để về đích. Nêu ví dụ dự án cầu Mỹ Thuận 2, theo Thủ tướng có "5 cái hơn" so với công trình cầu Mỹ Thuận 1. Cụ thể, cầu Mỹ Thuận 2 dài 1,9 km, đường dẫn 4,7 km; dài hơn, cao hơn và rộng hơn cầu Mỹ Thuận 1 (chiều dài 1,5 km).

Về nguồn vốn, cầu Mỹ Thuận 1 tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 hơn 5.000 tỉ và là vốn trong nước "tiền của nhân dân". Thiết kế, thi công, tư vấn trước đây hầu hết là nước ngoài; còn hiện nay tất cả mọi việc là người VN. "Điều này rất quan trọng, cho thấy ngành giao thông đã trưởng thành, lớn mạnh và tự làm được những điều rất khó khăn", theo Thủ tướng.

Mặt khác, suất đầu tư của Mỹ Thuận 1 là 5.000 USD/m2, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 chỉ còn 2.400 USD/m2, tiết kiệm được 50% do tự thiết kế, thi công và tự lo nguồn vốn; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân nhiều hơn.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các hạng mục còn lại, thanh quyết toán; các nút giao cao tốc, làn tránh, trạm dừng nghỉ; khai thác hiệu quả các tuyến kết nối… Đặc biệt, người dân đã nhường nơi sinh sống cho dự án nay còn gì khó khăn thì phải tiếp tục hỗ trợ, với tinh thần nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Hoàn nguyên các điểm khai thác, thi công, đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó, những nhà thầu, tư vấn, giám sát nào làm tốt, chứng minh được năng lực thì ủng hộ làm tiếp, mạnh dạn chỉ định thầu, miễn đừng có tham ô, lợi ích nhóm…

Cơ hội lớn từ sân bay, cao tốc

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh, chủ đầu tư dự án sân bay Điện Biên, dự án không lớn, tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng, cộng với 1.500 tỉ đồng giải phóng mặt bằng do tỉnh Điện Biên "nhịn ăn, nhịn mặc" làm chủ đầu tư, nhưng thành quả ngày hôm nay đem lại niềm vui, niềm tự hào.

Bốn dự án giao thông trọng điểm về đích- Ảnh 2.

Cầu Mỹ Thuận 2 chính thức thông xe ngày 24.12.2023

NAM LONG

Từ sân bay nhỏ, địa thế lòng chảo đặc biệt, chỉ có thể tiếp nhận máy bay nhỏ ATR72, sau nâng cấp, mở rộng, sân bay Điện Biên đã tiếp nhận được các loại máy bay thế hệ mới A320, A321 hoặc tương đương. Nhà ga hành khách được mở rộng nâng công suất thiết kế lên 500.000 khách/năm, khả năng tiếp thu 1 triệu hành khách/năm.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết đây là tiền đề giúp tỉnh này phát triển hơn nữa, nhất là các mặt mà tỉnh có thế mạnh như du lịch. Lãnh đạo Điện Biên cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục đầu tư hệ thống đường bộ, nhất là cao tốc Sơn La - Điện Biên đã được phê duyệt, giúp kết nối Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh của Lào.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức hoàn thành là dấu mốc quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của tỉnh Tuyên Quang và sắp tới là tỉnh Hà Giang; giúp giảm tải cho tuyến QL2. Đặc biệt, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Hà Nội từ 2 giờ 30 phút xuống chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ.

Rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Cần Thơ còn 2 giờ

Ngày 24.12, tại 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, Bộ GTVT tổ chức khánh thành dự án (DA) cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 có Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Dự lễ khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

DA đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 do Ban quản lý DA 7 làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 16.3.2020. Đây là DA trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước. Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi TP.Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nhấn mạnh việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên QL1, cầu Mỹ Thuận hiện hữu; kết nối đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại; tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để ĐBSCL phát triển trong thời gian tới.

DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do Ban quản lý DA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, kinh phí hơn 4.800 tỉ đồng, được khởi công ngày 4.2.2021. DA có chiều dài 23 km, đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. DA được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/giờ để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Hiện tại, giai đoạn 1 đã hoàn thành quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, dự kiến sẵn sàng lưu thông ngày 25.12.2023.

Về phương án tổ chức giao thông trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cục Đường bộ VN quy định các phương tiện được lưu thông với vận tốc tối đa 90 km/giờ, tối thiểu 60 km/giờ.

DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ dài 120 km. Hai DA đưa vào khai thác có nhiều ý nghĩa trong giảm thiểu ùn tắc, rút ngắn 50 km từ TP.HCM đi TP.Cần Thơ, tương đương thời gian đi khoảng 2 giờ, thay vì 3 giờ rưỡi như trước đây. Đóng góp quan trọng nữa của cao tốc là giúp hoàn thiện tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, khu - cụm công nghiệp phát triển tốt hơn. Trong đó, tiềm năng bậc nhất là các tỉnh, thành Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Nam Long - Thanh Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.