Đại sứ Trung Quốc: Bốn 'mới' trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình

11/12/2023 08:59 GMT+7

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước sẽ đưa ra những định hướng mới cho quan hệ hai bên, được gói gọn trong 4 cụm từ: định vị mới, phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới.

Mối quan hệ hết sức đặc biệt

Trong cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 10.12, nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, mối quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc hết sức đặc biệt và có thể nói là hiếm thấy trên thế giới.

Bốn 'mới' trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba

ĐẬU TIẾN ĐẠT

"Hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa, do đảng cộng sản lãnh đạo, hai nước núi sông liền một dải, là láng giềng hữu nghị", Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo chiến lược của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước không ngừng đạt được tiến triển mới.

Ông Hùng Ba cũng nhắc lại những thành tựu mà hai nước đạt được sau chuyến thăm thành công và mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào tháng 10.2022.

"Thông qua tiếp xúc và trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến về những nội dung quan trọng; học hỏi, tham vấn lẫn nhau về kinh nghiệm xây dựng đảng và quản lý đất nước", Đại sứ Trung Quốc cho biết.

Về ý nghĩa chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Đại sứ Hùng Ba cho rằng chuyến thăm lần này có ý nghĩa lịch sử, nhằm đáp lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022.

Bốn 'mới' trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, tháng 10.2022

TTXVN

Đồng thời, trên nền tảng hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo hai nước có thể định vị mới, xác định phương hướng mới cho sự phát triển quan hệ hai nước, mở ra viễn cảnh mới cho sự hợp tác trên các lĩnh vực, và tiếp thêm động lực mới cho sự phát triển của quan hệ hai đảng, hai nước.

Theo Đại sứ Trung Quốc, tinh thần này được gói gọn trong 4 cụm từ: tình hình mới, phương hướng mới, triển vọng mới, động lực mới.

Đại sứ Hùng Ba cảm động chia sẻ câu chuyện từng được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng mỗi lần trao đổi, nói chuyện với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thì càng nói hai người càng thấy hợp nhau, càng thấy bên hai bên có nhiều nội dung có thể trao đổi với nhau.

"Đây là sự kiện mà hai tổng bí thư đều rất mong chờ, vì hai người đều rất nhớ nhau và mong được gặp nhau", ông Hùng Ba nói và chia sẻ tình hữu nghị giữa hai nhà lãnh đạo cũng là tài sản chung quý báu của hai nước. Do đó hai bên đều rất mong chờ chuyến thăm lần này.

Khi nhắc đến ấn tượng sâu sắc nhất, Đại sứ Hùng Ba nhớ lại chuyến đi cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi tháng 8 vừa qua.

Bốn 'mới' trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

TTXVN

Đại sứ kể trong chuyến đi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây "hữu nghị" và nhắc lại lịch sử tên gọi của cửa khẩu này. "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc nhiều lần là chỉ có nơi này có đặt tên là cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, là việc có một không hai trên thế giới. Mối tình hữu nghị truyền thống vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng là có một không hai trên thế giới, không gì có thể so sánh được", Đại sứ Hùng Ba chia sẻ.

Đại sứ Trung Quốc cho rằng là chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tràn đầy hữu nghị và sẽ có thành quả hết sức phong phú.

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Về nội dung trao đổi trong chuyến thăm sắp tới, Đại sứ Hùng Ba cho biết, lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ đi sâu trao đổi một loạt vấn đề quan trọng, như làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân; cũng như tăng cường phối hợp và hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Bên cạnh đó, hai bên sẽ ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực.

Bốn 'mới' trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình - Ảnh 4.

Lễ khai trương một ga tàu liên vận từ Việt Nam đi Trung Quốc

VNR

Chia sẻ về quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Trung Quốc cho rằng, cơ hội cho quan hệ giữa hai nước nhiều hơn là thách thức.

"Cơ hội chính là sự tin cậy chính trị giữa hai bên không ngừng củng cố và đi vào chiều sâu, nhu cầu hợp tác các lĩnh vực giữa hai bên cũng không ngừng mở rộng và nâng cấp", ông Hùng Ba nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Hùng Ba, hai nước cần tăng cường kết nối trên đường bộ, đường biển, trên không và trên không gian mạng. Trong đó, ưu tiên nhất là hợp tác về cơ sở hạ tầng cứng như đường sắt và đường bộ cao tốc.

Ở góc độ này, ông Hùng Ba cho biết Trung Quốc - Việt Nam đang đẩy nhanh dự án đường sắt Hà Khẩu - Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Hai bên đã bước vào giai đoạn xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi.

"Phía Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng mong muốn của phía Việt Nam, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, cũng như quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng", Đại sứ Hùng Ba cho biết.

Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã giảm

Về thương mại, Đại sứ Hùng Ba nêu lại các điểm nhấn kinh tế - thương mại mà hai nước đã đạt được trong năm qua, như Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc.

Bốn 'mới' trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình - Ảnh 5.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm đạt 1,95 tỉ USD

ĐÀO NGỌC THẠCH

Liên quan đến cán cân cân bằng thương mại, ông Hùng Ba nhấn mạnh Trung Quốc không có chủ trương xuất siêu thương mại đối với Việt Nam.

"Tôi cho rằng bố cục thương mại giữa hai nước chúng ta là một kết quả phân công, phân bổ công nghiệp quốc tế, thị trường hóa chứ không phải là chính sách của Trung Quốc", Đại sứ Hùng Ba khẳng định.

Dẫn lại số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ông Hùng Ba cho biết trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 3,7% và con số nhập siêu của Việt Nam đã giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại sứ cũng khẳng định, Trung Quốc luôn sẵn sàng mở cửa nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là nông sản.

"Trung Quốc sẵn sàng và tích cực mở rộng nhập khẩu đối với hàng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam. Trong 3 quý đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam vào Trung Quốc đã tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái", ông nói.

Đại sứ Hùng Ba cũng dẫn ví dụ về quả sầu riêng cho sự thành công của thương mại hai nước.

"Việt Nam đầu năm nay đặt ra mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ sầu riêng sang Trung Quốc vào năm 2023, lúc đó tôi đã nói là đến cuối năm 2023 sẽ vượt qua con số này, thậm chí là gấp hai lần. Hiện tại con số đã gấp 2 lần rồi, dù chưa hết năm", Đại sứ Trung Quốc cho biết và cho biết kim ngạch nhập khẩu sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm đạt 1,95 tỉ USD.

Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh các thủ tục cũng như tham vấn trình tự kiểm kiểm dịch dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đại sứ Hùng Ba cho rằng Trung Quốc cũng là một thị trường rất lớn và nhiều tiềm năng đối với dừa tươi của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.