Bóng chuyền hơi: Trẻ già đều mê

21/09/2015 06:10 GMT+7

Hôm nọ, chồng tôi bỗng nhiên bảo: “Em có đi tập bóng chuyền hơi không, thú vị lắm. Không cần cao mà thâm thấp như em vẫn chơi được như thường, mà lại khỏe người”. Thế là hai vợ chồng dắt nhau ra công viên gần nhà, xin gia nhập CLB bóng chuyền hơi với các bác cao niên!

Hôm nọ, chồng tôi bỗng nhiên bảo: “Em có đi tập bóng chuyền hơi không, thú vị lắm. Không cần cao mà thâm thấp như em vẫn chơi được như thường, mà lại khỏe người”. Thế là hai vợ chồng dắt nhau ra công viên gần nhà, xin gia nhập CLB bóng chuyền hơi với các bác cao niên!

Già, trẻ đều hào hứng với bóng chuyền hơi - Ảnh: Lê Nam
Huyết áp ổn định, khỏi bệnh cột sống
Hoàng Quý Phước đấu bóng chuyền hơi với các bác hưu trí
Cách đây 3 tuần, nhân dịp ra Hà Nội điều trị chấn thương lưng, kình ngư Hoàng Quý Phước đã có dịp thi đấu với CLB bóng chuyền hơi Nghĩa Đô. “Đối đầu” với các bác hưu trí nhưng do không quen với quả bóng quá nhẹ nên dù rất cố gắng, Phước vẫn không đỡ được nhiều pha tấn công hiểm hóc. Buổi thi đấu diễn ra trong tiếng cười nói rổn rảng và đọng lại trong kình ngư trẻ nhiều cảm xúc.
CLB bóng chuyền hơi công viên Nghĩa Đô thuộc hàng thâm niên tại Hà Nội vì đã thành lập được hơn 10 năm và giờ có quy chế hoạt động như một CLB chuyên nghiệp, có ban chủ nhiệm, đề ra nội quy đàng hoàng. Ví dụ như muốn xin vào CLB tập “không chuyên”, vợ chồng tôi phải nộp phí sân bãi 300.000 đồng/người/năm. Còn muốn trở thành hội viên chính thức, lệ phí là 500.000 đồng. Mức phí ấy khá rẻ vì hầu như ngày nào cũng được chơi bóng, sáng từ 5 - 9 giờ, chiều từ 16 - 18 giờ.
Bác Nguyễn Đại Chính, Phó chủ nhiệm CLB, cầm quả bóng chuyền hơi đưa cho tôi rồi hồ hởi giới thiệu: “Quả bóng chuyền này khác hẳn bóng chuyền da, trọng lượng chỉ khoảng 150 - 200 gr. Vì nhẹ và kỹ thuật chơi lại khá đơn giản nên rất phù hợp với người cao tuổi. Có đánh mấy tiếng cũng không hề đau tay. Và gần đây, bóng chuyền hơi còn thu hút thêm cả các bạn trẻ. CLB của chúng tôi, ít tuổi nhất 22, cao tuổi nhất 70. Hai thế hệ già trẻ tập bóng với nhau, rất vui, rất sảng khoái”. Bác Chính còn tiết lộ thêm là từ ngày tập, phản xạ của bác tốt hơn, cơ thể trở nên dẻo dai, linh hoạt và đặc biệt môn này có tác dụng giảm cân rất tốt: “Tôi từ 80 kg mà giờ chỉ còn 73 kg thôi. Thích lắm”.
CLB bóng chuyền hơi của bác Chính là một trong hàng chục CLB tại thủ đô. Hầu như quận nào, phường nào cũng có ít nhất 2, 3 CLB bóng chuyền hơi nghiệp dư và con số này sẽ không dừng lại.
Ở P.Chương Dương, CLB bóng chuyền hơi thu hút gần 50 thành viên mà theo lời nói vui của bác Nguyễn Hà: “CLB của chúng tôi có... nick name là CLB CC (xin chú thích là CLB các cụ). Tôi trẻ nhất mà đã 62 tuổi. Hôm nào gia đình có việc bận mà không ra sân tập là thấy nhớ lắm. Tập bóng chuyền hơi khắc phục được bệnh tuổi già. Huyết áp của tôi trước đây cao chót vót, giờ ổn định. Bệnh cột sống cũng tiêu tan”.
Bác Hà bảo bác “lùa” cả mấy đứa cháu nội đi tập vì: “Bóng chuyền hơi phát triển chiều cao cho trẻ con mà tập lại đơn giản, không đau tay như bóng chuyền da nên mấy “ông tướng” nhà tôi mê lắm!”.
Giải tỏa mâu thuẫn... mẹ chồng nàng dâu !
Theo lời giới thiệu của bác Nguyễn Hà, tôi đến “thị sát” một số đội bóng ở các phường khác và đều cảm nhận rõ niềm vui, hứng khởi trong đôi mắt người tập lẫn người cổ vũ. “Tập bóng chuyền hơi dễ dàng, không gây nguy hiểm cho xung quanh vì bóng nhẹ. Điều kiện tập lại không quá cầu kỳ vì khoảng đất hẹp cũng chơi được rồi. Trong bối cảnh Hà Nội tấc đất tấc vàng thì bóng chuyền hơi quả là môn thể thao lý tưởng. Nó giúp chúng tôi ăn ngon, ngủ kỹ, tinh thần thoải mái và nhất là ngăn ngừa chứng mất trí”, bác Vạn Thị Loan (Q.Hoàng Mai) nói.
Cứ mỗi cuối giờ chiều, các sân bóng “mini” ở P.Mai Dịch (Q.Cầu Giấy) lại tràn ngập tiếng cười. Một khoảnh sân nhỏ được chia làm hai - một dành cho các cụ chơi cầu lông, một dành cho các cụ chơi bóng chuyền hơi. Có chứng kiến một buổi tập mới cảm nhận được thể dục thể thao có ý nghĩa thế nào với cuộc sống. Nói như bác Trần Thị Len, 79 tuổi: “Tôi tìm thấy niềm vui tuổi già với các thành viên khác trong đội bóng chuyền hơi. Mối quan hệ xã hội mở rộng hơn cả khi còn đi làm. Mỗi khi các đội bóng trong các phường giao lưu với nhau, tôi lại biết thêm bạn mới. Toàn tóc bạc phơ nhưng tâm hồn tươi phơi phới”.
Vui nhất là chia sẻ của bác Phạm Thị Yên: “Tôi và con dâu hơi khắc khẩu với nhau. Tôi rủ nó đi tập bóng chuyền hơi và nhờ cùng chung “chiến hào” khi đấu giao hữu với các đội khác mà giờ mẹ con thân nhau lắm. Sau khi cơm nước xong xuôi, hai mẹ con lại ra sân tập và nhờ gần nhau nhiều hơn mà hiểu và thông cảm với nhau hơn xưa”. Con dâu của bác Yên tâm sự: “Khi chơi bóng chuyền hơi với các cụ, tôi có cơ hội học hỏi nhiều điều, hiểu thêm tâm lý người già, rút kinh nghiệm về “phương pháp” làm dâu và thấy... yêu mẹ chồng mình hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.