Bóng chuyền nữ Việt Nam trước cơ hội tái hiện kỳ tích 10 năm

27/08/2022 08:21 GMT+7

10 năm trước tại giải Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2012 tranh tại Kazakhstan, đội tuyển nữ Việt Nam đã gây chấn động khi thắng cả Nhật Bản ở vòng bảng và quật ngã Hàn Quốc ở tứ kết để lọt vào đến trận bán kết, sau đó thua Thái Lan và chủ nhà Kazakhstan để giành hạng tư.

10 năm sau tại sân chơi này đang tranh ở Philippines, những dòng máu mới của bóng chuyền nữ Việt Nam đang có cơ hội tái hiện, thậm chí biết đâu sẽ vượt hơn thành tích cũ khi đứng trước cơ hội sẽ vào bán kết nếu vượt qua Đài Loan vào 10 giờ hôm nay (27.8).

Thanh Thúy và đồng đội tại giải Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2022

AVC

Để có được thành quả bước đầu này sau 10 năm, bóng chuyền nữ Việt Nam đã có một lớp kế thừa xuất sắc với “cánh chim đầu đàn” là Trần Thị Thanh Thúy cùng một loạt các gương mặt tuổi đời còn rất trẻ nhưng luôn thi đấu ổn định và bùng nổ như Vũ Thị Như Quỳnh, Phạm Thị Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Trinh, Trần Thị Bích Thủy, Đoàn Thị Lâm Oanh, Võ Thị Kim Thoa… Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, từng là cựu danh thủ của Bưu điện Hà Nội, hiện là HLV Than Quảng Ninh, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm và có khả năng điều chỉnh sắp xếp chiến thuật thi đấu tốt, nhất là cách truyền lửa cho các học trò, tập thể chân dài này đã từng bước tiến bộ rất đáng khen tại Cúp châu Á.

Nếu trận đầu dù thắng Philippines nhưng vẫn còn chút trục trặc thì đến trận thua 2-3 trước Trung Quốc không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ về ý chí mà còn là khả năng tạo đột biến của tuyển nữ Việt Nam trong lối chơi, liên tục khiến đối thủ vất vả. 2 trận còn lại bóng chuyền nữ Việt Nam vượt qua Iran hay Hàn Quốc cũng chung kịch bản, đánh mạnh mẽ từ đầu, tập trung tốt, phát bóng hay, chắn bóng hợp lý và phát huy sự gắn kết giữa các vị trí để tạo nên sự hòa nhịp, hiệu quả để tạo bùng nổ.

Cúp bóng chuyền nữ châu Á bắt đầu xuất hiện từ năm 2008 thi đấu 2 năm/lần đến nay là lần thứ 7. Trong 6 lần trước, Trung Quốc vô địch 5 lần, Thái Lan 1 lần. Lần duy nhất đội nữ Việt Nam từng giành hạng 4 là năm 2012. Việt Nam đã từng đăng cai năm 2016 ở Vĩnh Phúc nhưng không qua được vòng bảng. Còn giải vô địch châu Á tổ chức vào năm lẻ bắt đầu từ 1975 đến nay được 20 lần. Trong đó, Trung Quốc vô địch 13 lần, Nhật Bản 5 lần và Thái Lan 2 lần. Việt Nam đã đăng cai 2 giải ở Hà Nội năm 2003 và TP.HCM năm 2009. Năm sau 2023, Đà Lạt sẽ là nơi đăng cai giải vô địch châu Á.

Qua vòng bảng, tuyển nữ Việt Nam còn cho thấy đã phát huy tốt điểm mạnh là không quá phụ thuộc vào Thanh Thúy dù cô vẫn là người ghi điểm chính. Như trận gặp Trung Quốc, Thanh Thúy nhiều lúc giữ vai trò đối chuyền chứ không phải chủ công để phát huy vai trò của Như Quỳnh và thật bất ngờ khi mang đến những bám đuổi sít sao. Một điểm mạnh khác là những quả đập tấn công sau vạch 3 m luôn được vận dụng thường xuyên, để xé chắn đối phương. Bên cạnh đó, đỡ bước 1 cũng đã cải thiện tốt, ít để xảy ra sai sót như trước đây bước đầu cho thấy sự ổn định của tuyển nữ Việt Nam. Ngoài ra, nhờ đội hình đồng đều không có khoảng cách lớn giữa các vị trí chính thức và dự bị nên việc các cô gái Việt Nam xoay tua vẫn giữ cho mình sự liền lạc đáng khen.

Nếu duy trì được những sự linh hoạt này thì cơ hội để bóng chuyền nữ Việt Nam vượt qua Đài Loan - đội đã để thua Thái Lan 0-3 và xếp thứ 3 bảng B - là rất lớn, nghĩa là sẽ tái hiện kỳ tích vào top 4 Cúp bóng chuyền nữ châu Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.