“Không chết đâu mà sợ”
Chưa bao giờ trào lưu chơi bóng cười phổ biến như hiện nay. Thứ bóng tạo ảo giác cười này xuất hiện từ các bar đến quán cà phê, quán nhậu rồi tràn ra cả những quán vỉa hè.
Một buổi tối, trên đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn gần cầu Ông Lãnh (Q.1, TP.HCM), chúng tôi thấy một cô gái đi bộ nhởn nhơ, thản nhiên cầm trên tay quả bóng cười như thể cầm những quả bóng bay bình thường, sau đó tấp vào một quán nhậu gần đó.
tin liên quan
Bóng cười, nấm thức thần hoành hành người trẻTừng tốp, từng cặp ngồi với nhau, nếu không cầm trên tay ống shisa thì cũng ngậm bóng cười trong miệng. Ở đây mọi thứ đều công khai, chúng tôi vừa ngồi xuống phục vụ quán đã nhanh nhảu: “Đang có chương trình giảm giá cho cả 2 (bóng cười và shisa), anh chị muốn dùng loại nào?”. Trên bàn của chúng tôi ngồi cũng đã có sẵn bảng giá: “bigfunkyball from #130k to #89k - bóng cười loại lớn giảm giá từ 130.000 đồng còn 89.000 đồng” và shisa đồng giá 250.000 đồng.
Thấy một anh ngồi một mình bàn bên cạnh, tôi quay sang bắt chuyện: “Nghe nói ngoài Hà Nội mới có người chết vì mấy cái này...”, thì bạn đi cùng đập tay tôi như nhắc nhở cẩn trọng vì anh kia đã “phê” bóng. Nhưng ngược lại với sự lo lắng của bạn đồng hành, anh kia bĩu môi thản nhiên nói: “Tụi mày sợ à, chưa chơi cái này lần nào đúng không? Chơi thử đi rồi biết, không chết đâu mà sợ, nếu chết tụi này chết từ lâu rồi”.
|
Học sinh cũng làm dân chơi
Được đà, chúng tôi tiếp tục lân la làm quen như để học hỏi kinh nghiệm chơi bóng. Sau khi làm liên tiếp 5 quả bóng cười, anh kia cho biết tên T., chơi bóng lâu năm nên “đô” mạnh. “Từng này chưa đủ phê đâu, bóng cười lâng lâng xíu xiu là rã phê hết à. Hít xong não mình hơi ảo tí, cảm giác muốn ngả người tìm chỗ dựa, nhưng phải có nhạc để nghe thì cảm giác mới thăng được”.
|
Còn cặp đôi ngồi bàn bên phải không biết chơi bóng từ lúc nào, khi chúng tôi đến, trong khoảng gần nửa tiếng cả 2 được phục vụ bàn tiếp bóng liên tục, cứ 5 phút lại xong một quả. Cô bạn đi cùng có vẻ “đô” mạnh hơn người bạn trai, theo nhận xét của T., bởi “thần thái” cô gái này vẫn vững, còn chàng trai thì lâu lâu bật cười khoái chí, lâu lâu lại nằm gục xuống ghế nhưng miệng vẫn ngậm bóng cười. Có lúc lại ôm chặt cô bạn gái rồi sờ soạng mà mắt thì nhắm nghiền.
Đặc biệt bàn đối diện vừa hút shisa vừa chơi bóng cười, trong đó có một bạn trẻ mặc trang phục học sinh. Nghe cách nói chuyện thì các thành viên trong bàn cũng đồng trang lứa. Thấy chúng tôi cầm điện thoại bấm bấm, một người trong bàn đứng bật dậy, mặt hằm hằm gằn giọng: “Quay quay cái gì, muốn chết hả?”.
May được những thành viên khác cản lại, cậu này ngồi xuống nhưng mắt vẫn trừng trừng nhìn chúng tôi với vẻ giận dữ. Sau đó một bạn gái cùng bàn sang nói: “Bạn em nó đang phê bóng nên mất bình tĩnh. Vì nó trốn gia đình đi chơi bóng nên hay nhạy cảm, cứ thấy ai cầm điện thoại lại nghĩ là đang chụp ảnh hay quay phim...”.
Có lẽ một phần lý do như bạn gái này nói, nhưng một phần cũng vì chúng tôi lúc đó là một “hiện tượng lạ” ở cái “thiên đường cười thả phanh này”, khi duy nhất bàn chúng tôi không có shisa hay bóng cười, trong không gian quán ngồi đông kín từ trên lầu đến dưới đất..
Bình luận (0)