Anh và CLB TP.HCM đã phải nếm trái đắng ở trận đấu bù vòng 3 V-League vào tối qua trước một đối thủ từ lâu đã không còn được coi là “đại gia vùng Đông Bắc” bởi Than Quảng Ninh đến thời điểm này đang cực kỳ khó khăn về tài chính.
Dù Lee Nguyễn năng động, nỗ lực, chạy hết từ cánh này sang cánh khác. Nhưng tiếc thay, giá trị của mọi sự nỗ lực ấy gần như bằng 0. Không hẳn vì Than Quảng Ninh đã cắt cử riêng cầu thủ nhập tịch Trần Trung Hiếu bám sát anh như hình với bóng, cũng không hẳn do đội chủ nhà chơi thấp, dồn đội hình về sân nhà, tìm mọi cách “hủy diệt” sức sáng tạo của đối phương. Lý do khiến Lee Nguyễn không thể tỏa sáng do lối chơi giàu tính hoa mỹ của anh dường như lệch nhịp với lối chơi thiên về sức mạnh cơ bắp của CLB TP.HCM. Lee Nguyễn đã không thể tạo ra sự đột phá khi bị đối thủ chơi áp sát. Anh đã không thể làm cầu nối hữu hiệu với bộ ba ngoại binh Dario - Barros - Joao Paulo. Trong suốt 95 phút, Lee Nguyễn thực hiện 3 quả phạt ở các cự ly khác nhau nhưng lại quá hiền. Anh kiến tạo 5 lần nhưng hoặc đồng đội không hiểu ý, hoặc chuyền bóng với cường độ mạnh như phá bóng, không ai đỡ kịp. Nếu Lee Nguyễn bất lực trong kiến thiết thì đối phương của anh lại quá hoàn hảo cùng vai trò này. Chân chuyền sáng giá bậc nhất V-League Nghiêm Xuân Tú đã hai lần “phất bóng” vào đúng chân đồng đội thì hai lần đều được chuyển hóa thành bàn thắng.
|
Trách Lee Nguyễn, trách bộ ba ngoại binh, trách các nội binh của đội TP.HCM có lẽ sẽ là... oan cho họ. Bởi người đáng trách đầu tiên phải là HLV Polking. Ông đã không thể kết nối các tuyến, không thể kết nối vị trí nọ với vị trí kia. Mọi miếng ghép của đội rời rạc, thiếu ăn khớp. Dù nhiều thời điểm đội khách chơi lấn lướt hơn, cầm nhịp trận đấu nhưng các tình huống tấn công vẫn “nhạt nhẽo”, thiếu đột biến và cũng thiếu độ sắc sảo cần thiết. Từng cá nhân nếu nói như những mắt xích “hỏng” thì hơi quá nhưng tựa như những mắt xích ít được tra dầu. Mọi thứ cứ hời hợt, thiếu kết dính. Sai lầm khi thay người chậm đã đành, khi đội mình sức chiến đấu có vấn đề, ông cũng không nhạy bén yêu cầu học trò phải điều chỉnh lại các pha phối hợp, các tình huống phòng ngự hay phản công. Có thể nói dấu ấn chiến thuật của ông thầy ngoại này cực kỳ mờ nhạt. Công chưa làm, thủ đã phá tan tành.
CLB TP.HCM là một trong số những đội được đầu tư rất nhiều tiền của, thậm chí nhất VN lúc này. Nhưng có vẻ như thứ bóng đá mà họ đang theo đuổi là thứ “bóng đá ăn xổi”. Thiếu thực chất, chưa có chiều sâu. Mới chỉ nặng về tính phô trương, quảng bá hình ảnh là chính. V-League còn rất dài. Nếu CLB TP.HCM không kịp điều chỉnh lại lối chơi mà cứ nhạt mãi thế này, thất bại sẽ còn khó tránh khỏi.
Bình luận (0)