Bóng đá châu Á có làm nên lịch sử tại Olympic?

21/07/2021 07:48 GMT+7

Châu Á có 4 trong tổng số 16 đội bóng tranh tài tại Olympic Tokyo, gồm U.24+3 của Nhật Bản, Hàn Quốc , Úc và Ả Rập Xê Út.

Tuy thành tích trước đó của các đội châu Á hết sức khiêm tốn, nhưng khi Thế vận hội được tổ chức tại Nhật Bản thì người hâm mộ đang kỳ vọng bóng đá khu vực này có thể làm nên lịch sử.

Lá cờ đầu Nhật Bản

Xét về mọi mặt thì Nhật Bản đang là quốc gia tiệm cận nhất với những nền bóng đá phát triển nhất thế giới. 6 lần liên tiếp từ năm 1998 - 2018 góp mặt ở World Cup, thành tích đáng kể nhất là trận đấu với tuyển Bỉ năm 2018, trận đấu mà thầy trò HLV Nishino đã có tới 2 bàn thắng dẫn trước nhưng rất tiếc là sau đó thì kinh nghiệm, bản lĩnh và tài năng của thế hệ vàng đã giúp Bỉ lội ngược dòng thắng lại 3-2. Đó là một trong những màn trình diễn thuyết phục nhất của các đội châu Á tại World Cup.
Ở Olympic Tokyo lần này, đương nhiên đội tuyển U.24+3 của Nhật Bản được kỳ vọng rất nhiều. Những thành tích như HCĐ Thế vận hội 1968 khi thắng Mexico hay chiến thắng 1-0 trước Brazil tại Atlanta 1996 đang được nhắc đến rất nhiều như những nguồn động lực về mặt tinh thần cho thầy trò HLV Akinobu Yokouchi. Ở Olympic lần này, Nhật Bản được xem là đội có quyết tâm cao nhất. Họ có trong tay nhiều ngôi sao được kỳ vọng là các cầu thủ trên 24 tuổi như trung vệ Yoshida Maya (Sampdoria), hậu vệ Hiroki Sakai (Marseille) và tiền vệ Wataru Endo (Stuttgart). Ngoài ra, các tên tuổi như Miyoshi Koji, Akefusa Kubo, Takehiro Tomiyasu, Ritsu Doan, Keita Endo… cũng được triệu tập để giúp Olympic Nhật Bản hoàn thành giấc mơ đổi màu huy chương.
Trận giao hữu gần nhất trước thềm giải đấu, Nhật Bản đã xuất sắc cầm hòa Tây Ban Nha (ứng viên vô địch Olympic Tokyo 2020) với tỷ số 1-1. Takefusa Kubo, tiền đạo thuộc biên chế Real Madrid (Tây Ban Nha) và Ritsu Doan - tiền vệ công của PSV Eindhoven (Hà Lan) đã phối hợp cùng nhau mang lại bàn thắng mở tỷ số cho đội chủ nhà. Chỉ đến khi Pedri, cầu thủ trẻ xuất sắc nhất EURO 2020, vào sân thì Tây Ban Nha mới lấy lại được thế trận và có được bàn gỡ của Soler. Trận đấu cho thấy đội Olympic Nhật Bản được chuẩn bị rất kỹ về mặt lực lượng, con người và lối chơi. Với phong cách kiểm soát bóng tấn công nhờ nền tảng thể lực sung mãn của một tập thể gắn kết cộng thêm lợi thế được thi đấu trên sân nhà và trước các đối thủ như Pháp, Nam Phi và Mexico, Nhật Bản đang được kỳ vọng sẽ lập kỳ tích lớn hơn những gì họ đã đạt được ở Olympic 1968.

Hàn Quốc: ẩn số thú vị

Những ký ức đẹp đẽ nhất của bóng đá châu Á là World Cup 2002 tại Nhật Bản - Hàn Quốc, nơi các đội chủ nhà đã có những thành tích ấn tượng: Nhật Bản lần đầu vào vòng 2 còn Hàn Quốc đã tạo nên cú sốc lớn khi vào đến bán kết. Năm nay, lại một lần nữa một giải đấu lớn được tổ chức tại châu Á và các quốc gia châu lục này lọt vào VCK Thế vận hội rất muốn thể hiện khả năng của mình.
Trong đó, ngoài chủ nhà Nhật Bản thì Hàn Quốc cũng là cái tên đáng chú ý. Đội hình của Olympic Hàn Quốc có nhiều tài năng trẻ sáng giá, mà nổi bật nhất là Lee Kang-in, tiền vệ đang khoác áo CLB Valencia của Tây Ban Nha. Ở tuổi 20, anh là thành viên trẻ nhất trong danh sách dự Olympic 2020 của Hàn Quốc. Ở FIFA U.20 World Cup 2019, Lee Kang-in đã gây tiếng vang lớn khi có 2 bàn thắng và 4 pha kiến tạo, đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải và giúp U.20 Hàn Quốc giành ngôi á quân. Ngoài Lee Kang-in, đội Olympic Hàn Quốc còn 2 cầu thủ nữa đang thi đấu ở nước ngoài là Kim Min-jae của Beijing Guoan (Trung Quốc) và Hwang Ui-jo của Bordeaux (Pháp). Trước thềm Olympic Tokyo, Hàn Quốc cũng đã có đợt tổng duyệt chất lượng với Pháp, tuy thất bại 1-2 bởi sai lầm đáng tiếc của thủ thành Song Bum-keun ở những phút cuối trận, nhưng đội tuyển của xứ sở kim chi cũng đã cho thấy phần nào sức mạnh của mình và sẽ là kẻ thách thức đáng ngại cho bất cứ đối thủ nào. Nằm ở bảng B cùng New Zealand, Honduras và Romania cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để Lee Kang-in cùng với các đồng đội có cơ hội đi tiếp.
Có một thuận lợi về lịch thi đấu là nếu Hàn Quốc và Nhật Bản đứng đầu hoặc cùng đứng nhì 2 bảng A, B vào vòng 2, họ hoàn toàn có thể lọt vào đến bán kết khi Nhật Bản (bảng A) chỉ chạm trán một đội vừa tầm ở bảng B và Hàn Quốc có thể gặp đội mạnh nhất bảng A là Pháp. Hơn nữa ở Olympic từ lâu không phải cứ là ông lớn của thế giới là có thể chiếm thế thượng phong. Brazil phải nhờ đến sự xuất sắc của Neymar mới giành được danh hiệu vô địch lần đầu năm 2016, còn Argentina cũng phải chờ đến năm 2004 và đặc biệt là 2008, với sự xuất hiện của Messi. Những ông lớn khác của châu Âu như Đức, Pháp còn chưa giành được danh hiệu đáng chú ý nào. Thế nên rất có thể Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ tạo nên những bất ngờ lớn ở Olympic lần này.
Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc có chút lợi thế, 2 đội Olympic Úc và Ả Rập Xê Út, với lực lượng chưa dồi dào kinh nghiệm trận mạc và bản lĩnh thi đấu, lại cùng rơi vào bảng nặng nên khó hy vọng gây bất ngờ. Úc chung bảng C với Argentina và Tây Ban Nha, còn Ả Rập Xê Út gặp Brazil và Đức ở bảng D nên cửa đi tiếp không hề dễ dàng, đó là chưa kể những đối thủ còn lại trong bảng như Ai Cập và Bờ Biển Ngà cũng rất “xương”. Thế nên mọi hy vọng của châu Á sẽ dồn về Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Trong trận ra quân ngày mai 23.7, Hàn Quốc gặp New Zealand lúc 15 giờ và Nhật Bản gặp Nam Phi lúc 18 giờ.  T.K
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.