Bóng đá Việt Nam và xu hướng nhập tịch:

Bóng đá châu Á được và mất gì với xu hướng nhập tịch?

02/10/2024 05:28 GMT+7

Các nền bóng đá châu Á đã mở cửa với xu hướng nhập tịch cầu thủ từ rất lâu, nhưng không phải đội tuyển quốc gia nào cũng thành công với "dòng máu" mới.

NHẬT BẢN LĨNH ẤN TIÊN PHONG

Một trong những đội tuyển châu Á đầu tiên mở toang cánh cửa với cầu thủ nhập tịch, rất bất ngờ lại là Nhật Bản. Nói bất ngờ bởi nhiều người lầm tưởng Nhật Bản luôn thừa tài năng bản địa. Đó là thực tế hiện tại, nhưng 30 năm trước là câu chuyện khác.

Giai đoạn 1995 - 1998, bóng đá Nhật Bản đã có những ngôi sao "khai sơn phá thạch", sang châu Âu chơi bóng để tìm cơ hội, nhưng nhìn chung cầu thủ Nhật Bản còn kém xa mặt bằng đỉnh cao thế giới về cả tầm vóc, tư duy chiến thuật lẫn sức bền. Từng huấn luyện các cấp độ đội tuyển Nhật Bản cuối thế kỷ 20, HLV Philippe Troussier khẳng định cầu thủ xứ mặt trời mọc cần mạnh dạn ra nước ngoài học hỏi để tinh quái và bản lĩnh hơn, thay vì chơi bóng tương đối đơn thuần.

Bóng đá châu Á được và mất gì với xu hướng nhập tịch?- Ảnh 1.

Elkeson (Ai Kesen) không thể giúp đội Trung Quốc chuyển mình

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Đó là lúc cánh cửa mở ra với cầu thủ nhập tịch, và đất nước được Nhật Bản "chọn" để nhập cầu thủ chính là Brazil - nơi mà xứ mặt trời mọc luôn lấy làm hình mẫu để noi theo trên phương diện bóng đá. Năm 1998, Wagner Lopes đi vào lịch sử khi trở thành cầu thủ nhập tịch đầu tiên của Nhật Bản góp mặt ở World Cup. Sau đó 4 năm, đến lượt Alessandro dos Santos (gốc Brazil) khoác lên mình màu cờ sắc áo Nhật Bản để tham dự World Cup 2002.

Giới mộ điệu ngày ấy thích thú chứng kiến một ngôi sao đậm chất Samba giữa rừng cầu thủ bản địa Nhật Bản để chinh chiến ở kỳ World Cup trên sân nhà. Với Alessandro trong đội hình, đội bóng của HLV Troussier có lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng bảng World Cup...

Nói về chính sách nhập tịch cầu thủ, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) khẳng định: "Lịch sử phát triển bóng đá Nhật Bản từ xưa đến nay ghi nhận đóng góp của cả cầu thủ bản địa lẫn những cầu thủ nhập tịch". Những ngôi sao nước ngoài đến J-League, trở thành trụ cột và khi đáp ứng điều kiện, họ có quốc tịch để khoác áo đội tuyển. Không có bất cứ sự phân biệt nào. Đội tuyển Nhật Bản từng có 17 ngôi sao nhập tịch trong 30 năm qua. Dù những huyền thoại của đội tuyển Nhật Bản đều là ngôi sao bản địa, nhưng không thể phủ nhận đóng góp của những cầu thủ nhập tịch, khi góp phần thôi thúc cầu thủ bản địa nỗ lực hơn, mang tới kinh nghiệm, tầm vóc để gia cố nền tảng cho đội tuyển 30 năm trước còn non nớt ở "biển lớn".

TẠI SAO ĐỘI TRUNG QUỐC THẤT BẠI?

Năm 2021, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đi đúng con đường Nhật Bản đã đi, đó là nhập tịch những ngôi sao sáng nhất (chủ yếu gốc Brazil) ở giải vô địch quốc gia, để tiến gần tham vọng dự World Cup.

Lần lượt 6 cầu thủ được cấp quốc tịch Trung Quốc gồm Elkeson, Fernando Henrique, Ricardo Goulart, Alan Carvalho cùng trung vệ từng khoác áo Everton - Tyias Browning, và Nico Yennaris, cựu tiền vệ có thời gian khoác áo Arsenal. Đây là thời điểm bóng đá Trung Quốc khủng hoảng hướng đi, khi dù bổ nhiệm nhiều HLV tầm cỡ như Marcello Lippi, Guus Hiddink hay cựu Quả bóng vàng Fabio Cannavaro, các cấp độ đội tuyển Trung Quốc vẫn chơi bết bát. Không thể chờ đợi ở lực lượng cầu thủ bản địa, bóng đá Trung Quốc quyết đi đường tắt.

Tuy nhiên, đội tuyển Trung Quốc vẫn dừng bước ở vòng loại World Cup 2022 với vị trí áp chót, thua đau ở Asian Cup 2019 và 2023. Thất bại 0-7 trước Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2026 cho thấy, dù nhập tịch ồ ạt, bóng đá xứ tỉ dân vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí đi lùi.

Tại sao cùng nhập tịch, đội tuyển Nhật Bản thì thành công, còn Trung Quốc hay Philippines, Malaysia… lại thất bại?

Vấn đề ở chỗ, Nhật Bản sử dụng cầu thủ nhập tịch bài bản, có chiến lược rõ ràng. Những ngôi sao như Alessandro hay Lopes chỉ như xúc tác thúc đẩy "phần ngọn". Còn về gốc rễ, người Nhật nỗ lực xây dựng hệ thống bóng đá bài bản từ đào tạo trẻ đến đỉnh cao, từ phong trào, học đường đến chuyên nghiệp, tạo dựng nền móng vững vàng với hàng trăm CLB rải khắp đất nước. Dù sử dụng cầu thủ nhập tịch, nhưng Nhật Bản không quên gieo mầm cho những tài năng bản địa. Để đến hôm nay, Nhật Bản tự đứng được trên đôi chân của mình, không còn vay mượn năng lực cầu thủ nhập tịch.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc hay Philippines nhập tịch ồ ạt để đổi lấy thành tích ngắn hạn. Các ngôi sao quốc tế có thể giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn. Nhưng nếu nhập tịch không có chiến lược, đó chỉ là liều thuốc tê, giúp quên đi cơn đau hiện tại mà không giải quyết triệt để vấn đề. Một nền bóng đá chỉ phụ thuộc vào cầu thủ nhập tịch mà không xây dựng nền móng bài bản, sẽ không có thành công lâu dài. Đội Philippines và Malaysia đã trở lại chỗ đứng vốn có, còn Trung Quốc đã thua cả hai trận đầu vòng loại thứ ba, đồng nghĩa cửa dự World Cup hẹp dần.

"Các cầu thủ nhập tịch có thể là phương thuốc nhanh chóng của bóng đá Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng chúng không phải là giải pháp hoàn hảo để giải quyết căn bệnh mãn tính. Việc theo đuổi mù quáng những chiến thắng ngắn hạn đã đóng lại cánh cửa phát triển nền tảng bóng đá mà đáng ra chúng ta phải củng cố", tờ Global Times của Trung Quốc đánh giá.

Nhìn chung, không thể phủ nhận xu hướng nhập tịch, đặc biệt với những nền bóng đá hạn chế về tài nguyên con người như sức bền, thể trạng, tốc độ… Tuy nhiên, nhập tịch cũng cần chiến lược, như mang về ngôi sao ở vị trí nào, phục vụ giải đấu nào, cầu thủ ấy cần đáp ứng yêu cầu gì. Bên cạnh đó, nếu nền móng bóng đá như chất lượng giải quốc nội, đào tạo trẻ không được cải thiện, bài học thất bại của bóng đá Trung Quốc sẽ là lời cảnh báo đến phần còn lại. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.