Bóng đá Mỹ tăng trưởng kỷ lục nhờ hiệu ứng Messi

22/02/2024 06:00 GMT+7

Cựu danh thủ David Beckham mới đây gây tranh luận khi dùng từ 'football' phổ biến và 'soccer' chỉ người Mỹ dùng, để nói chung về môn bóng đá. Điều này phản ánh rằng ngày nay bóng đá đã chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng tại nước Mỹ.

Từ David Beckham đến hiệu ứng Messi

Ông David Beckham đã mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ cho bóng đá Mỹ khi đến đây thi đấu vào năm 2007 cho CLB LA Galaxy. Cựu danh thủ 48 tuổi người Anh này hiện là đồng sở hữu CLB Inter Miami do mình thành lập và nắm giữ chức chủ tịch của đội bóng. Ông tiếp tục tạo ra sức ảnh hưởng đến sự phát triển bóng đá Mỹ khi đưa về Inter Miami danh thủ Messi, người đang ở đỉnh cao sự nghiệp với chức vô địch World Cup 2022 chỉ sau gần 7 tháng lên ngôi ở Qatar.

Bóng đá Mỹ tăng trưởng kỷ lục nhờ hiệu ứng Messi- Ảnh 1.

Ông Don Garber (phải) và Messi

AFP

Trong nửa mùa giải năm 2023 khi đến Inter Miami thi đấu, Messi đã tạo ra sự tác động cực kỳ lớn cho sự tăng trưởng của giải MLS (giải vô địch nước Mỹ). "Ai có thể sánh được với những gì Messi đã làm cho giải MLS không?", tờ AS (Tây Ban Nha) viết.

"Doanh thu bán vé tăng, tiền tài trợ tăng, số lượng đăng ký xem giải MLS trên truyền hình cũng tăng vọt. Mọi mặt, kể cả doanh thu bán hàng và sự quan tâm của công chúng. Tất cả đều theo sau sự có mặt và tầm ảnh hưởng của Messi chỉ trong một thời gian ngắn, khi anh ấy chọn tham gia giải đấu của chúng tôi", ông Don Garber, Ủy viên điều hành giải MLS, nói trong cuộc phỏng vấn trên tờ Sports & Business Journal (Mỹ) mới đây.

"Messi đã đưa MLS lên một tầm cao mới rất khó tưởng tượng. Chúng tôi đạt doanh số đăng ký và bán hàng tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số CLB ở MLS hiện đều tăng trưởng doanh thu rất mạnh so với năm trước. Cụ thể, doanh thu từ thu nhập đăng ký trên truyền hình tăng 25%, doanh thu tài trợ trong ngày thi đấu và doanh thu tài trợ của CLB tăng 15%. Doanh thu tài trợ từ khu vực Canada tăng 45%; và doanh thu từ các mặt hàng tiêu dùng liên quan giải đấu cũng tăng 45%. Nhưng Messi chỉ là khởi đầu cho công cuộc phát triển. Điều quan trọng, chúng tôi phải tiếp nối hiệu ứng của Messi, phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn giải đấu trong nhiều năm tới", ông Don Garber nhấn mạnh.

Đón làn sóng mới trong vòng 3 năm tới

Giải MLS nói riêng và bóng đá Mỹ cùng cả khu vực Bắc Mỹ đều biết rằng, họ sẽ trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu trong vòng 3 năm tới đây, từ 2024 - 2026. Sự thu hút đó, chính là các giải đấu Copa America (vô địch Nam Mỹ) được tổ chức ở nước Mỹ từ tháng 6.2024. Sang năm 2025, giải FIFA Club World Cup lần đầu được tổ chức ở Mỹ với 32 CLB tham dự. Và sự chú ý một lần nữa lại đến vào năm 2026, đó là kỳ World Cup do 3 nước Mỹ, Mexico và Canada cùng đăng cai với 48 đội góp mặt thi đấu.

Bóng đá Mỹ tăng trưởng kỷ lục nhờ hiệu ứng Messi- Ảnh 2.

Messi tạo cơn sốt tại Mỹ

"Chúng tôi đã đón đầu làn sóng này. Chúng tôi đã ký một thỏa thuận với Apple TV để phát sóng mọi trận đấu tại giải MLS trong vòng 10 năm với giá trị 250 triệu USD", ông Don Garber bày tỏ.

Theo nhà báo người Anh, Duncan Castles: "Giải MLS đang đề xuất chiến lược dài hạn, sau khi thành công với tầm ảnh hưởng của Messi. Họ đã đưa thêm nhiều gương mặt tên tuổi đến giải đấu như Luis Suarez và Hugo Lloris cho mùa giải 2024. Nhưng xa hơn, Kylian Mbappe hay Christian Pulisic (đội trưởng đội tuyển Mỹ), những cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu, có thể được chiêu mộ để nâng tầm hình ảnh của giải đấu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.