Bóng đá Trung Quốc chơi ngông mua cựu ngôi sao Chelsea

17/02/2016 08:10 GMT+7

Để thực hiện giấc mơ tham dự VCK World Cup và sánh ngang tầm với 2 nền bóng đá mạnh nhất khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, giới chức bóng đá Trung Quốc đang khuyến khích các CLB ở giải VĐQG (Super League) vung tiền mua sắm các ngôi sao quốc tế về thi đấu mùa bóng 2016 sắp khởi tranh.

Để thực hiện giấc mơ tham dự VCK World Cup và sánh ngang tầm với 2 nền bóng đá mạnh nhất khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, giới chức bóng đá Trung Quốc đang khuyến khích các CLB ở giải VĐQG (Super League) vung tiền mua sắm các ngôi sao quốc tế về thi đấu mùa bóng 2016 sắp khởi tranh.
Tiền vệ Ramires được CLB Jiangsu Suning chiêu mộ - Ảnh: AFP
Đây có thể nói là lần chơi ngông tiếp theo của bóng đá Trung Quốc (TQ), bởi trước đây nước này đã không ít lần làm các cuộc cách mạng để nâng tầm nền bóng đá, nhưng đều thất bại thảm hại bởi nạn tham nhũng, dàn xếp tỷ số, cá độ.
Cũng khác với cách làm trước đây là LĐBĐ TQ chọn vài chục đến cả trăm cầu thủ trẻ có triển vọng rồi gửi sang các nước có nền bóng đá phát triển như Brazil, Đức... đào tạo dài hạn; lần này họ dùng giải VĐQG của mình để “kích cầu”.
Sau vài mùa chiêu mộ các HLV danh tiếng như Marcello Lippi hay Sven-Goran Eriksson, Luiz Felipe Scolari... và một số cầu thủ có tên tuổi trung bình để làm nền móng, từ mùa 2016 các CLB Trung Quốc đã khiến nhiều đội bóng ở châu Âu phải giật mình khi liên tiếp chen ngang giật lấy các cầu thủ ngôi sao. Đầu tiên là tiền vệ Ramires của Chelsea đến CLB Jiangsu Suning với giá chuyển nhượng 36,1 triệu USD.
Jiangsu Suning cũng hớt tay trên CLB Liverpool để chiếm lấy tiền vệ Alex Teixeira từ Shakhtar Donetsk với giá kỷ lục 56,1 triệu USD. Ngoài ra, giới bóng đá châu Âu cũng phải ngã ngửa khi trung phong đầy hứa hẹn Jackson Martinez bất ngờ chia tay Atletico Madrid để đến CLB Guangzhou Evergrande với giá 47,1 triệu USD.
Số cầu thủ ngôi sao này cùng với những cầu thủ tên tuổi khác như Jo, Alan Carvalho, Paulinho, Diego Tardelli hay Gervinho, Demba Ba, Tim Cahill từng chơi ở giải Ngoại hạng Anh, đã giúp cho giải C-Super League sắp diễn ra hứa hẹn rất sôi động và có phần lấn lướt luôn giải nhà nghề MLS của Mỹ, còn 2 giải nhà nghề của Hàn Quốc và Nhật Bản thì không thể so bì.
Tuy nhiên, các bình luận viên trên kênh ESPN tỏ ra nghi ngờ cú chơi ngông mới của bóng đá Trung Quốc vì phụ thuộc quá nhiều vào hầu bao háo thắng của vài ông chủ mới nổi. Bởi tính chuyên nghiệp của làng bóng nước này chưa cao và một khi đã chán hoặc hết tiền thì các ông chủ này dễ bỏ của chạy lấy người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.