Trước đó, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đã gây sốc khi quyết định gửi hơn 50 cầu thủ lứa tuổi U.25 trong tháng 10 đến trại quân đội để huấn luyện quân sự chuyên sâu trong vài tuần. Động thái đã khiến các tài năng trẻ không thể đóng góp cho CLB ở giai đoạn cuối giải hàng đầu Trung Quốc là Chinese Super League (CSL) và làm dậy sóng dư luận trong nước trước một "kế hoạch khác thường".
|
Theo AFP, những người hâm mộ Trung Quốc vốn quan tâm theo dõi việc “quân sự hóa bóng đá” đã bày tỏ sự tức giận và phản đổi kịch liệt sau khi thấy những hình ảnh các cầu thủ trẻ bị cạo đầu và phải ngực trần huấn luyện trong tuyết. Họ cho rằng động thái quân sự hóa đối với thể thao đã thể hiện sự tuyệt vọng khi quốc gia đầu tư mạnh cho tham vọng trở thành siêu cường bóng đá thế giới. Minh chứng là dù Chính phủ Trung Quốc đã chi mạnh cho việc phát triển bóng đá nhưng sự thiếu căn cơ và quản lý yếu kém đã mang lại sự thất vọng thay vì những tín hiệu tích cực.
|
Giữa lúc CFA trở thành tâm điểm chỉ trích, thì một loạt các cầu thủ trẻ thứ hai tiếp tục được gửi đến trại quân sự hồi đầu tháng 11 và tuần này một tuyển trẻ được cho là có hầu hết thành phần của tuyển U.19 quốc gia vừa được thiết lập để gia nhập doanh trại quân đội. Theo AFP, các tuyển thủ trẻ sẽ được kết hợp đào tạo bóng đá với các bài huấn luyện quân sự khá khắc khổ. Họ phải tuân thủ cuộc sống của quân đội như phải cạo tóc ngắn, xem truyền hình quốc gia vào buổi tối…. Bên cạnh đó, tuyển U.19 của CLB Shanghai Shenhua cũng vừa bắt đầu khóa đào tạo bóng đá kết hợp huấn luyện quân sự cơ bản.
tin liên quan
Trung Quốc lại dậy sóng với hình ảnh cầu thủ trẻ ở trại huấn luyện quân sựDư luận Trung Quốc tiếp tục dậy sóng sau khi chứng kiến những hình ảnh đầu tiên về hoạt động ở trại huấn luyện quân sự đặc biệt đối với hơn 50 cầu thủ tài năng trẻ của bóng đá quốc gia.
AFP dẫn một bài viết của tờ Beijing Evening News cho biết CFA đứng đằng sau chính sách kỳ lạ nói trên với mục tiêu “củng cố ý thức thế hệ trẻ” vì: “Trong một số trận đấu trước đó, một số đội tuyển quốc gia bị chỉ trích vì không thi đấu hết mình và không cảm thấy vinh dự khi khoác áo tuyển quốc gia”. Tuy nhiên, chính sách này đã dư luận trong nước chỉ trích kịch liệt.
|
Theo tờ Beijing Youth Daily, nhiều người hâm mộ bóng đá Trung Quốc thất vọng cáo buộc CFA đưa chính trị trước bóng đá vì các CLB thuộc CSL mất hàng chục cầu thủ bản địa ở các trận đấu quan trọng cuối mùa giải. Không những vậy, thành tích của các tuyển quốc gia chưa cho thấy có dấu hiệu tiến triển đáng kể dù chi ra số tiền “khủng” để mời về những HLV danh tiếng như Marcelo Lippi và mới đây là Guus Hiddink.
|
Mới đây, HLV Lippi của tuyển quốc gia tuyên bố sẽ rút lui sau Asian Cup 2019 vào tháng 1 tới. Dù nhà cầm quân từng đưa Ý đăng quang World Cup 2006 đưa ra lý do cá nhân để thôi nhiệm vụ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng ông Lippi dường như cảm thấy bất lực trong việc vực dậy tuyển Trung Quốc kể từ nắm quyền vào năm 2016.
HLV Lippi được xem là một phần trong kế hoạch giúp Trung Quốc hiện thực hóa trở thành siêu cường bóng đá trong lương lai khi nhà cầm quân 70 tuổi người Ý được trả mức lương cao nhất thế giới dành cho một HLV bóng đá. Tuy nhiên, thành tích của tuyển Trung Quốc lại không tỉ lệ thuận với sự đầu tư “khủng” của chính phủ khi không giành được vé dự vòng chung kết World Cup 2018 và rớt xuống hạng 76 thế giới trên bảng xếp hạng FIFA mới nhất.
Bình luận (0)