"ĐI BỘ THÔI CŨNG… CHẤN THƯƠNG"
Đó là lời than thở của HLV Velizar Popov về mặt sân Thanh Hóa - một trong những sân vận động xấu nhất V-League hiện tại. Nền đất mấp mô, gồ ghề, mặt cỏ cháy loang lổ, những vệt vàng úa kéo dài thành từng mảng, hay có những khoảnh cỏ bị xới tung lên, chỉ còn nhìn thấy rễ với cát. Khó tin rằng, đây là mặt sân thi đấu của đội bóng vừa vô địch Cúp quốc gia và Siêu cúp quốc gia 2023.
"Để thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, mặt sân rất quan trọng. CLB Thanh Hóa cần cải thiện vấn đề này ngay lập tức. Trong khoảng 3 tháng vừa qua, tôi chưa cho các học trò tập chiến thuật hoàn chỉnh một buổi nào tại đây vì sợ chấn thương. Các cầu thủ Thanh Hóa là chiến binh thực sự. Họ luôn nỗ lực hết mình mỗi khi ra sân. Vì thế ở một khía cạnh nào đó, tôi lo nếu không cẩn thận, cầu thủ sẽ bị chấn thương. Mặt sân Thanh Hóa tệ đến mức, bạn đi bộ thôi cũng có thể dính chấn thương", HLV Velizar Popov cảm thán.
Mặt sân xấu ở V-League và giải hạng nhất là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Khi còn nắm quyền ở HAGL mùa 2015, HLV Guillaume Graechen từng cấm học trò không được chạy quá sức trên sân Lạch Tray bởi dễ dính chấn thương. Nay mặt cỏ sân Lạch Tray đã được cải tạo rất mượt, rất đẹp nhưng không phải sân nào ở V-League cũng may mắn như thế. Đến thời điểm này, nhiều nhà cầm quân vẫn than phiền về những mặt cỏ kém chất lượng khiến cầu thủ không thể kiểm soát bóng, tiềm ẩn nguy cơ đứt dây chằng, hỏng gối nếu bứt tốc.
ĐỐI PHÓ
Trong giai đoạn đội tuyển VN thăng hoa cùng HLV Park Hang-seo, vươn tới tiệm cận nhóm đầu khi lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, mặt sân V-League hầu như không thay đổi để bắt kịp với tầm vóc chuyên nghiệp mà cả nền bóng đá đang mơ về. Để khi chu kỳ thành công kết thúc, bóng đá VN cần một cú bật nhằm tái tạo năng lượng, những vấn đề rất cũ mới lộ ra. Đó là trên mặt sân xấu, chẳng thể nào mơ về bóng đá đẹp.
Đáng buồn với V-League là dù vấn đề hiển hiện trong nhiều năm, nhưng nhiều CLB chỉ đối phó kiểu tạm bợ. Đội Khánh Hòa từng bị chỉ trích vì… xịt sơn xanh lên mảng cỏ úa trên sân 19 Tháng 8 ở trận gặp SLNA (vòng 8 V-League 2023 - 2024), với mục đích rất… hài hước - giúp mặt sân trông đẹp hơn khi lên hình. Hay sân Hàng Đẫy trước đây xanh mướt khi được CLB Hà Nội chăm bẵm với giống cỏ Bermuda (cỏ lá kim), giờ có dấu hiệu xuống cấp với tần suất sử dụng quá dày. Mặt sân phải gánh tới 6 - 8 trận đấu mỗi tháng, chưa kể các buổi tập, hầu như không thể tránh khỏi tình trạng bị cày xới. Cực chẳng đã, sân phải kẻ lại vạch, kéo lùi tới 2 m. 3 đội bóng có thứ hạng cao nhất V-League mùa trước phải chia nhau sử dụng sân bóng đã xuống cấp ở rất nhiều hạng mục (không chỉ có mặt cỏ) là tình cảnh khiến nhiều người ngán ngẩm. Đây là khác biệt giữa V-League với Thai League, khi ở Thái Lan, có những sân bóng dù sức chứa chỉ khoảng 25.000 - 30.000 chỗ ngồi (như sân Thammasat), nhưng luôn có mặt cỏ đẹp như nhung, cực mượt và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Do nguyên nhân khách quan như điều kiện thời tiết, mặt cỏ các sân ở miền Bắc và Bắc Trung bộ khó chăm sóc. "Rét đậm, mưa gió và sương muối khiến cỏ chết rụi", lãnh đạo một đội bóng khẳng định. Trong khi đó, các đội bóng ở Duyên hải Nam Trung bộ lại cho rằng mưa gió, bão lũ khiến mặt sân bị quăng quật, cày xới.
Câu hỏi đặt ra là: cần bao nhiêu tiền để có mặt sân đẹp? Được biết ở V-League hiện nay, các sân bóng chủ yếu được phủ bằng hai loại cỏ phổ biến. Cỏ lá gừng yêu cầu chi phí phủ sân khoảng 800 triệu đồng, duy tu bảo dưỡng khoảng 25 - 30 triệu đồng/tháng, nhưng tuổi thọ ngắn, chỉ khoảng 3 - 5 năm. Trong khi đó, cỏ Bermuda (cỏ lá kim) dù yêu cầu chi phí cao hơn (phủ sân khoảng 2 tỉ đồng, bảo dưỡng 50 triệu đồng/tháng), nhưng lại có tuổi thọ dài hơn, dễ kẻ vạch. Chi phí lu phẳng mặt sân, tôn tạo nền đất, trồng cỏ và bảo dưỡng hằng tháng để cho ra một mặt sân đẹp thực tế tốn khoảng 3 - 4 tỉ đồng, vốn chiếm tỷ trọng không quá lớn ngân sách các đội dự V-League. Nhưng tại sao nhiều đội vẫn không thể sửa sân?
Nguyên nhân chính là một số sân hiện nay do địa phương quản lý, không thuộc quyền sở hữu của CLB. Điều này khiến việc các đội muốn duy tu, bảo dưỡng sân phải thông qua nhiều bước xin cấp phép, làm thủ tục. Không ít sân cũng được tỉnh trưng dụng cho các mục đích khác nhau, nằm ngoài tầm quản lý của CLB nên các đội không mặn mà làm cỏ đẹp. Ba năm trước, CLB Hà Tĩnh từng phải ra ngoài tự thuê sân tập, trong khi sân vận động Hà Tĩnh trưng dụng thành sân… tập golf khiến HLV Nguyễn Thành Công và cầu thủ bức xúc.
Thông thường, những mặt cỏ xanh mướt thường chỉ thuộc về những sân bóng được giao riêng cho CLB quản lý để toàn quyền xây dựng như sân Gò Đậu của CLB Bình Dương, sân Pleiku của CLB LPBank HAGL hay sân Hàng Đẫy của CLB Hà Nội (trước đây). Bên cạnh đó, phần lớn các đội V-League hiện nay không có sân tập riêng, mà phải tập trên sân thi đấu trên dưới 5 buổi mỗi tuần, dẫn đến các mặt cỏ hầu như không có thời gian bảo dưỡng, phục hồi. Sau cùng, có lẽ không ít đội V-League vẫn chưa xem việc đầu tư mặt cỏ hay cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu là điều kiện cần để phát triển bền vững, mà chỉ đầu tư vào phần ngọn, ăn xổi để lấy thành tích. Ngày bóng đá VN có những mặt sân thực sự đẹp để phục vụ bóng đá đẹp, có lẽ không biết đến bao giờ. (còn tiếp)
KHÁN GIẢ MUỐN THẤY MẶT SÂN ĐẸP, KHÁN ĐÀI SẠCH SẼ
Chuyên gia Steve Darby, cựu HLV đội tuyển nữ VN, đánh giá: "Muốn bóng đá VN phát triển bền vững, các đội V-League cần nhìn nhận người hâm mộ như những khách hàng cần chăm sóc. CĐV không chỉ đến sân rồi về, mà đội bóng cần bán các trận đấu như sản phẩm giải trí để người hâm mộ thụ hưởng. Sản phẩm ấy không chỉ có bóng đá thuần túy, mà còn cần đính kèm mặt sân đẹp, khán đài sạch sẽ, dịch vụ tốt. Đó mới là con đường để các CLB thực sự kiếm tiền từ bóng đá, xây dựng cộng đồng CĐV".
Bình luận (0)