Từng là giải đấu hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á, quy tụ những ngoại binh và ngôi sao Thái Lan sáng giá nhất, nhưng dư chấn của các cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến V-League.
Suốt nhiều năm, chúng ta đã phải chấp nhận một thực tế là đi ngược lại mô hình phát triển “kim tự tháp” của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) khi V-League (được xem là giải ở đỉnh tháp) lại có số lượng nhiều hơn các giải ở chân đế gồm hạng Nhất và hạng Nhì.
Mô hình “kim tự tháp chổng ngược” kéo dài suốt nhiều năm. Số lượng đội V-League là 14 lại nhiều hơn hạng Nhất chỉ có từ 8 đến 10 đội. Trên thực tế, có nhiều đội ở bậc dưới nhưng lại có thực lực dồi dào cả về chuyên môn lẫn tài chính.
|
Có thể liệt kê những cái tên giàu tham vọng lên hạng như Công an nhân dân, Phù Đổng, Trẻ Hà Nội… ở hạng Nhì hay Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), Phố Hiến, Khánh Hòa, Đồng Nai… của hạng Nhất.
Rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị muốn đi theo con đường của Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh… vươn lên chơi ở V-League, khiến qua từng năm cuộc đua thăng hạng ở mỗi hạng đấu càng thêm gay cấn.
Trên cơ sở này, Ban chấp hành (BCH) VFF đã thông qua quyết sách quan trọng là nâng số lượng các giải đấu chân đế. Sau đó VFF đã ban hành quyết định điều chỉnh số lượng đội bóng tham dự giải các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, gồm V-League, giải hạng Nhất và hạng Nhì giai đoạn từ năm 2021-2023.
|
Cụ thể theo quyết định được Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao - Du lịch, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải ký hôm 8.4, từ năm 2021 giải hạng Nhất từ 12 sẽ nâng lên 14 đội.
Theo đó, kết thúc mùa giải 2020, đội xếp thứ 12 giải hạng Nhất quốc gia sẽ xuống thi đấu ở giải hạng Nhì mùa giải 2021. Đồng thời, 3 đội đứng đầu giải hạng Nhì sẽ giành quyền lên thi đấu ở giải hạng Nhất năm 2021.
V-League và giải hạng Nhì vẫn giữ nguyên số đội tham dự là 14. Phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF, ông Cao Văn Chóng cho biết: “BCH VFF nhận thấy từ năm 2021 là thời điểm thích hợp để tăng số lượng dự giải hạng Nhất.
Điều chỉnh này sẽ giúp 3 giải đấu cao nhất Việt Nam là V-League, hạng Nhất và hạng Nhì cùng đều có 14 đội. Phương án này được các CLB đồng thuận cao, được BCH thông qua để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển phong trào”.
|
Câu hỏi đặt ra là phương án lên xuống hạng ở mùa giải 2020 vốn rất phức tạp vì dịch bệnh Covid-19? Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú cho rằng cần xem xét kỹ.
“Theo dự kiến đội xếp chót V-League sẽ xuống hạng, đội thứ 13 sẽ đá trận play-off với đội thứ nhì giải hạng Nhất để tranh suất còn lại. Tuy nhiên do V-League liên tục hoãn vì dịch Covid-19 nên chúng tôi đang tiếp tục cân nhắc ý kiến của các đội để có điều chỉnh thích hợp.
Phương án nào cũng có ưu, nhược điểm khác nhau. Vào thời điểm hiện tại không thể có phương án hoàn hảo đáp ứng 100% nguyện vọng các CLB. Sắp tới tuỳ diễn biến dịch chúng tôi sẽ làm việc với các CLB để thống nhất kế hoạch trước khi quyết định”, ông Trần Anh Tú bày tỏ.
|
Cho đến lúc này, hầu hết đội bóng V-League đều đã cho quân xả trại, không thể duy trì tập luyện đúng cường độ. Với diễn tiến phòng chống dịch Covid-19 hiện tại, không loại trừ phải đến tuần thứ 3 tháng 5 tới trái bóng V-League mới có thể lăn trở lại.
Một số đội V-League đang phải giảm lương cầu thủ để duy trì hoạt động. Còn đối với các đội hạng Nhất đều không có ngoại binh nên áp lực này giảm đi rất nhiều.
Hy vọng mùa giải 2021 sẽ là cột mốc để từ đó VFF tiến thêm một bước mở rộng chân đế bóng đá, với số lượng các đội từ V-League xuống hạng càng dưới sẽ càng nhiều và đông đảo theo mô hình phát triển kim tự tháp chuẩn của AFC.
Bình luận (0)