Bóng đá Việt Nam nhận diện chỗ yếu để tiến xa

17/01/2025 06:47 GMT+7

Đội tuyển VN dưới thời HLV Kim Sang-sik đã mang niềm vui trở lại với người hâm mộ bằng chức vô địch AFF Cup 2024. Nhưng trở về thực tại, chúng ta còn nhiều vấn đề tồn đọng như một phương trình khó giải, đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía mới mong tiến xa.

NHIỀU BÀI TOÁN CẦN LỜI GIẢI

Ở một đất nước mà tình yêu bóng đá gắn kết mọi tầng lớp xã hội thì ước mơ một ngày không xa VN trở thành "cường quốc bóng đá" cũng chẳng có gì sai. Nhưng để tiến vào châu lục, sánh ngang Nhật, Hàn, Iran..., chắc chắn VN phải nỗ lực đến tận cùng, cần sự vận hành một cách đồng bộ. Điều này lại vượt quá khả năng của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF).

Bóng đá Việt Nam nhận diện chỗ yếu để tiến xa- Ảnh 1.

Bóng đá VN từ thành công hôm nay sẽ phải vạch lộ trình để thành công trong tương lai

ẢNH: NGỌC LINH

Ngay như chuyện gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển qua trường hợp Rafaelson - Nguyễn Xuân Son thì ngoài các thủ lục pháp lý, chúng ta phải trải qua thử thách của truyền thống bản sắc dân tộc trong văn hóa Việt. Nguyễn Xuân Son đã chứng minh giá trị, giúp cải thiện sức mạnh đội tuyển. Đây là cơ sở để chúng ta cởi mở hơn với các trường hợp khác như Hendrio Araujo (đội Nam Định) hay Jason Quang Vinh (đội Công an Hà Nội). Dù vậy không thể vì thành tích mà lạm dụng việc này sẽ dẫn đến mất cân bằng, để lại lỗ hổng lớn về đào tạo trẻ.

Hà Nội và bầu Hiển thưởng ‘khủng’ cho cầu thủ CLB Hà Nội, CAHN sau chức vô địch AFF Cup

Đội bóng thành Nam cần tìm một lối chơi khác

Hendrio muốn nhập tịch VN

Trước mắt, đội tuyển VN sẽ bước vào chiến dịch vòng loại Asian Cup (từ tháng 3.2025 - 3.2026). So với đội tuyển Lào, Nepal thì đội tuyển Malaysia là đối thủ chính cạnh tranh chiếc vé nhất bảng với VN. Malaysia với phiên bản "Tây hóa" mạnh mẽ sẽ là thử thách đáng kể với thầy trò ông Kim Sang-sik, vì khả năng cao chúng ta chỉ thi đấu với "phiên bản thuần Việt" do Nguyễn Xuân Son khó hồi phục kịp sau chấn thương. Bài toán nhân sự cho giải đấu sẽ là bài toán trước mắt mà ông Kim sẽ phải giải. Còn bài toán cho hành trình phát triển lâu dài sẽ là bài toán mà chính con người VN chúng ta cần phải giải.

CẦN DÒNG TIỀN ỔN ĐỊNH

Phân tích kỹ càng mọi phương diện, bóng đá VN còn "bấp bênh" ở nhiều điểm và làm gì để cân bằng. Đội tuyển VN cần đến cầu thủ nhập tịch vì chúng ta yếu trong khâu đào tạo trẻ. Hà Nội, HAGL, SLNA đã làm tốt việc này nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đảm bảo duy trì sự liên tục của nguồn lực kế cận. Các ông chủ thay vì bỏ hàng chục tỉ đồng chuyển nhượng, lót tay thì nên cộng đồng trách nhiệm tuyển chọn, đào tạo, giúp cầu thủ trẻ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Chỉ cần kiên nhẫn vài năm, chúng ta sẽ cho ra thế hệ cầu thủ mới giúp mở rộng diện tuyển chọn cho các cấp độ đội tuyển quốc gia. Tiếc là ở V-League nhiều CLB còn chưa nghiêm túc với yêu cầu xây dựng hệ thống đào tạo U.15, U.17, U.19, U.21 của VFF. Nếu VFF kiểm soát tốt vấn đề này, bóng đá VN sẽ có nguồn lực đáng kể từ "của nhà trồng được".

Cầu thủ Việt kiều cũng đáng được tính đến. Đừng quên Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Filip đã và đang khẳng định sự hiệu quả khi lên đội tuyển. May thay HLV Kim Sang-sik có cách tiếp cận đúng đắn khi xem đội tuyển quốc gia là nơi hội tụ những nhân sự tốt nhất. Với tư duy ấy, HLV người Hàn Quốc tạo ảnh hưởng tích cực lên toàn bộ sự nghiệp chung vì cầu thủ ở độ tuổi nào, thuộc diện gì cũng đều có động lực phấn đấu tìm cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, ông Kim không thể đồng hành mãi mãi với bóng đá VN. Tự thân bóng đá VN phải nhận thấy điểm yếu cốt lõi gì để điều chỉnh khắc phục. Cơ sở vật chất phục vụ thi đấu ở VN chưa đạt chuẩn ở mức hoàn hảo. Nhiều năm qua nguồn lực tài chính đầu tư vào bóng đá VN luôn thiếu ổn định. Đó là lý do khiến nhiều đội bóng nợ lương dẫn đến giải thể. Ngoài bầu Hiển, bầu Đức, bầu Thụy thì các CLB, địa phương vẫn chưa huy động thêm được những nhà đầu tư "cá mập"! Bóng đá chuyên nghiệp mà thiếu tiền thì chẳng làm được gì. Tất cả những khúc mắc về đào tạo trẻ, cơ sở vật chất, tầm nhìn... rồi sẽ được giải quyết nhanh chóng nếu có những dòng tiền ổn định chảy vào bóng đá.

Vô địch AFF Cup 2024 một lần nữa mang lại cho chúng ta hy vọng. Nhưng bóng đá VN lúc này vẫn phải nhìn thẳng vào chỗ yếu, từng bước khắc phục trước khi mơ xa. Muốn cất cánh, chúng ta cần có đường băng đủ chắc và rộng! 

Bóng đá VN cũng đang để trống dư địa xuất khẩu cầu thủ. Những cầu thủ Việt xuất ngoại rồi trở về "hai bàn tay trắng" khiến dư luận có cái nhìn phiến diện qua trường hợp của Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu... Thực chất khi dám bước ra vùng an toàn để thử sức mình, các cầu thủ đáng được ghi nhận về thái độ chuyên nghiệp hơn là chỉ trích từ dư luận. Giống như Lê Công Vinh trước đây khi sang Leixeos (Bồ Đào Nha) dù chưa gặt hái thành công nhưng thu được nhiều bài học quý giá về sự thích nghi văn hóa, tính tự giác, kỷ luật... trong môi trường bóng đá hiện đại. Các CLB vì vậy cần mạnh dạn xúc tiến, quảng bá, hợp tác quốc tế, trang bị cho cầu thủ Việt những hành trang cần thiết ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.