Bóng đè có thực sự đáng sợ?

09/12/2022 00:08 GMT+7

Cảm giác tê cứng khi ngủ còn được gọi là bóng đè. Đây là trạng thái mà người mắc không thể cử động hoặc nói khi chuẩn bị ngủ hay vừa thức dậy. Với nhiều người, đây là trải nghiệm đáng sợ.

Trong lúc bị bóng đè, người mắc hoàn toàn có ý thức. Mắt họ có thể mở hoặc không. Điểm chung là hoàn toàn không thể cử động được, theo tạp chí khoa học Livescience.

Giấc ngủ bị gián đoạn hay căng thẳng sẽ làm tăng nguy cơ bị bóng đè

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Bóng đè có thể ảnh hưởng ở mọi lứa tuổi. Thông thường, những lần bị bóng đè đầu tiên sẽ xuất hiện trong giai đoạn từ 14 đến 17 tuổi. Thống kê của Đại học Pennsylvania State (Mỹ) ước tính khoảng 8% dân số từng bị bóng đè.

Một số người trong lúc bị bóng đè có thể xuất hiện ảo giác hay cảm giác như có một thứ gì đó xuất hiện trong phòng mình. Số khác có cảm giác nặng nề ở ngực như thế có gì đó đè lên.

Cũng như nhiều hiện tượng sức khỏe khác, bóng đè cũng có nguyên nhân. Cơ thể con người sẽ tự động rơi vào trạng thái tê liệt trong giai đoạn REM của chu kỳ giấc ngủ. REM sẽ bắt đầu trong khoảng 70 đến 90 phút sau khi ngủ. Lúc này, người ngủ sẽ dễ mơ hơn.

Cơ thể tạm thời bị tê liệt là để ngăn chúng ta cử động như những gì thấy trong giấc mơ. Nếu mọi người thức dậy trong giai đoạn này mà cơ thể chưa thoát khỏi trạng thái tê liệt thì hiện tượng bóng đè sẽ xuất hiện.

Các nghiên cứu cho thấy bóng đè phổ biến hơn ở sinh viên, người có các vấn đề về rối loạn tâm lý, đặc biệt là rối loạn hoảng sợ, căng thẳng, sử dụng chất kích thích, có giấc ngủ gián đoạn, thời gian ngủ không đều hoặc chất lượng giấc ngủ kém, theo Livescience.

Một nguyên nhân khác gây bóng đè là chứng ngủ rũ. Loại rối loạn giấc ngủ này sẽ gây buồn ngủ cực độ vào ban ngày, khiến người mắc đột ngột ngủ thiếp đi. Khi thức dậy, họ có thể gặp những cơn bóng đè ngắn kéo dài khoảng vài phút. Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ bóng đè.

Để ngăn ngừa hiện tượng này, các chuyên gia khuyến cáo cần ngủ đủ giấc và đều đặn. Với những người mắc bệnh, họ cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn bác sĩ để kiểm soát bệnh, nhờ đó giảm nguy cơ xuất hiện bóng đè, theo Livescience.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.