Trong loạt bài này, hồ sơ liên quan đến vụ việc ông Đ.V.H mua căn nhà tại đường Bà Hom (P.13, Q.6, TP.HCM) nhưng không được ở vì bị người khác... chiếm, đặc biệt thu hút sự quan tâm của bạn đọc và nhiều chuyên gia pháp luật. Vụ việc có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng sau 2 năm, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thống nhất được cách giải quyết.
Đây không phải là trường hợp duy nhất phản ánh thực trạng chủ sở hữu nhà đất bị người khác (có thể đã từng xảy ra tranh chấp - PV) ngang nhiên xâm phạm chỗ ở.
Cũng tại TP.HCM, gần đây nhất đã có 2 vụ án đã được cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nhanh, kịp thời, dứt khoát, gồm: vụ nguyên phó chánh án Q.4 Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng, nguyên giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, ngang nhiên đuổi người khác ra khỏi nhà để lấy nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1); hay vụ bị cáo Nguyễn Hồng Ngân dù đã bán nhà ở Q.7 nhưng vẫn gọi thợ khóa, bẻ khóa để vào lại nhà cũ.
Ngoài những vụ việc được xử lý hình sự này, vẫn có những trường hợp tuy có tính chất tương tự, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng; nhiều vụ trong số đó, cơ quan chức năng đề nghị người dân muốn đòi lại tài sản thì khởi kiện dân sự.
Song, với những vụ việc mà người phạm tội thực hiện một trong các hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác theo điều 158 bộ luật Hình sự, như: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác, thì cơ quan tiến hành tố tụng cần thu thập chứng cứ, tài liệu... xử lý triệt để nhằm bảo vệ tài sản hợp pháp, quyền lợi chính đáng của người dân. Ngại hoặc sợ trách nhiệm để rồi bỏ lọt tội phạm là tạo tiền lệ xấu, gây bức xúc trong dư luận; có thể dẫn đến nguyên nhân của tội phạm khác.
Bình luận (0)