Một gia đình nghèo ở xã Thanh Hóa (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) chăm chỉ khai khẩn, trồng rừng nuôi 5 người con ăn học, bỗng dưng một ngày bị cán bộ xã đến đo đất, lấy chia cho những người giàu.
Một ngày cuối tháng 4, chị Nguyễn Thị Hương lặn lội vượt gần 200 cây số vào TP.Đồng Hới tìm gặp chúng tôi cầu cứu với hy vọng giữ lại số diện tích đất rừng mà vợ chồng chị bỏ công sức, mồ hôi nước mắt ra khai hoang, trồng cây mấy năm nay. Theo trình bày của chị, từ đầu năm 2004, thấy có nhiều diện tích đất đồi bỏ không, vợ chồng chị đã lên khai khẩn, trồng cây keo tại khu vực Đồng Pheo, từ lúc đó trở về sau này chẳng ai nói gì cả. Đến năm 2011, có cán bộ về đi đo đạc đất để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chồng chị là anh Nguyễn Văn Ngọ đã đưa cán bộ địa chính đi hết các điểm ranh giới thực địa đất khai hoang và hiện đang có cây trồng trên đó. Một thời gian sau, giấy chứng nhận được đưa về cho anh chị, hai người không am hiểu nhiều nên cũng không xem mà cất đi với tâm lý yên chí làm ăn. Cả hai bỏ sức ra mở một con đường lớn vào rẫy, dựng lán trại để ở và chăn nuôi gia súc.
|
Đến đầu tháng 4 vừa qua, khi họ vừa khai thác lứa keo đầu tiên thì cán bộ xã về đo đạc, vạch sơn đỏ lên gốc cây phân chia ranh giới đất cho 12 hộ khác ngay trên phần đất của vợ chồng anh chị. Anh Ngọc cầm giấy chứng nhận sử dụng đất ra bức xúc hỏi cán bộ xã thì được biết phần đất đó không nằm trong diện tích được cấp trong sổ (chỉ 23.000 m2). Thấy quá vô lý, anh Ngọ tức giận cầm dao dọa rượt đoàn cán bộ xã. Sau đó, anh Ngọ làm đơn mang đến trực tiếp kêu cứu tại xã, huyện nhưng không hề có hồi âm.
Được biết, năm 2011, huyện Tuyên Hóa tiến hành xác minh, đo đạc đất rừng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã khai khẩn, sử dụng trước thời điểm 1.7.2004. Nhưng diện tích được cấp trong sổ lại ít hơn diện tích thực tế vợ chồng anh Ngọ khai khẩn, cũng như ranh giới khi cán bộ địa chính Sở TN-MT về đo. Để tìm hiểu việc sai sót trên nằm ở khâu nào, chúng tôi đã nhờ bác Bùi Thức Đức - cán bộ UBND xã Thanh Hóa, người cùng với cán bộ địa chính đi đo đạc thực địa trước đây, đi chỉ những điểm đã đo tại hiện trường. Và đúng như lời anh Ngọ nói, trước đây, cán bộ địa chính đã đo hết phần đất thực tế của anh, nghĩa là cả phần bây giờ bị lấy chia cho người khác.
Làm việc với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Thanh Hóa cho rằng đó là phần đất anh Ngọ lấn chiếm sau này; ngoài ra, mới đây HĐND xã đã có nghị quyết là mỗi hộ dân chỉ được cấp 2,3 ha. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi là các lãnh đạo xã đã ra kiểm tra hiện trạng đất rừng của anh Ngọ không thì Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Tiếp trả lời không. Thực tế, trên phần đất bị lấy đó vẫn còn nguyên các gốc keo mà vợ chồng anh Ngọ mới khai thác, gốc nào cũng lớn, nhiều gốc đường kính hơn 25 cm, chứng tỏ tuổi thọ số cây keo này phải đến trên dưới 8 năm. Anh chị còn trồng một số cây lim đã lớn bằng bắp chân người, số còn lại là keo đang đà chuẩn bị khai thác. Nhiều hộ dân cũng xác nhận thời điểm trồng rừng của vợ chồng anh Ngọ. Như vậy, rõ ràng phần đất đó anh Ngọ đã khai khẩn, trồng rừng nhiều năm nay và lẽ ra phải được cấp, đưa vào trong sổ đỏ đúng như khi tiến hành đo đạc; trường hợp này cũng không hề bị ràng buộc bởi nghị quyết chỉ cấp 2,3 ha/hộ của HĐND xã. Dư luận đặt câu hỏi liệu có sự mờ ám khi cấp sổ để lấy đất của anh Ngọ hay không?
Thành quả bao nhiêu năm lăn lộn của vợ chồng anh giờ rơi vào tay người khác sẽ khiến anh uất hận và không chịu khoanh tay đứng nhìn.
Trương Quang Nam
>> Để mất rừng, cán bộ quản lý bị bắt giam
>> Yêu cầu 2 doanh nghiệp bồi thường do để mất rừng
>> Nguy cơ mất rừng nghiêm trọng
>> Không chỉ là chuyện mất rừng thông
Bình luận (0)