Mọi thứ dường như sụp đổ ở tuổi thanh xuân
Tại xã Cảnh Hóa (H.Quảng Trạch, Quảng Bình), xưởng mộc của ông Hoàng Văn Thắng (55 tuổi, thôn Cấp Sơn) được nhiều người biết đến bởi tay nghề khéo léo của ông chủ - một người khuyết tật gù lưng.
Trong căn nhà bừa bộn gỗ lạt, mùn cưa..., ông Khánh miệt mài đục đẽo, hoàn thành đơn hàng khách đặt. Nhớ lại những ngày vừa đổ bệnh, ông Khánh vẫn không hiểu vì sao bản thân đang từ một thanh niên khỏe mạnh lại trở nên thế này.
"Sinh ra tôi là người bình thường, mãi đến năm 1990 bỗng nhiên tôi thường xuyên đau ốm, xương khớp đặc biệt ở sống lưng có cảm giác co cứng lại. Lúc đầu nghĩ đau cột sống nên chủ quan, sau khi kết hôn, sinh con thì bệnh càng trở nặng, cơ thể bị co rút nhiều hơn và phần xương sống bị rút lại khiến tôi còng lưng khi mới là thanh niên chưa đầy 30 tuổi", ông Thắng kể lại.
Năm 1993, sau khi kết hôn rồi có con đầu lòng, bệnh của ông Thắng trở nặng. Lúc này, ông là trụ cột trong gia đình, làm đủ ngành nghề từ đan lát, sửa xe cho đến thợ mộc để nuôi vợ con. Bệnh tình khiến ông tốn kém trong một thời gian dài để điều trị, nhưng bất thành.
"Thời điểm đó điều kiện còn khó khăn, không đi điều trị được nhiều, đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị dính khớp cột sống. Mọi thứ trở nên đổ vỡ khi từ một thanh niên sức dài vai rộng bỗng trở thành một người tàn phế không làm được gì", ông tâm sự.
Xưởng mộc chờ khách... tìm đến
Không riêng xã Cảnh Hóa mà người dân ở các xã lân cận cũng không xa lạ với xưởng mộc "Thắng khòm". "Bởi tôi đã vác cái lưng khòm này đi làm khắp nơi hơn 30 năm qua nên nhiều người biết", ông Thắng dí dỏm.
Sau biến cố, ông không chịu ngồi yên một chỗ và vẫn tiếp tục tìm cách làm việc. Ông bỏ bớt nghề đan lát, sửa xe, chỉ ở nhà dồn sức cho nghề mộc dù nghề này nặng nhọc, đòi hỏi phải mang vác, di chuyển nhiều.
"Tôi dùng chính cơ thể mình để làm điểm tựa nâng các khúc gỗ đưa lên máy cưa, rồi xoay người cho hai tay về sau kéo gỗ theo đường lưỡi cưa. Ban đầu khá khó khăn, những một thời gian dài rồi cũng quen và có vợ ra phụ giúp mỗi khi xong việc nương đồng", ông Thắng nói.
Thời điểm đó, ông cũng mới là một thợ mộc "non tay", kèm căn bệnh quái ác nên ít người dám chọn ông Thắng nhận thầu đồ gỗ. Thậm chí còn có cả những lời chế giễu về thợ mộc khòm lưng, không biết liệu có kê nổi thanh gỗ hay không chứ nói gì đến việc thầu đồ gỗ cho một căn nhà...
"Nhiều lúc nghĩ thế khiến tôi cũng tủi thân. Nhưng vì gia đình, con cái, tôi cố gắng và mặc kệ những lời nói ra nói vào, quyết tâm gắn bó với nghề", ông chia sẻ.
Với nghị lực phi thường đó, suốt hơn 30 năm qua, ông Thắng miệt mài cưa xẻ, đục đẽo để chăm lo cho 4 người con khôn lớn. Ông biết bản thân có nhiều hạn chế về sức khỏe, nên không chủ động đi nhận các công trình mà chờ khách hàng đến tìm. Ấy vậy mà khách hàng ngày một thêm đông.
Anh Lê Văn Hồng (43 tuổi, xã Cảnh Hóa, H.Quảng Trạch) cho biết, dù cơ thể ông Thắng bị như vậy nhưng tay nghề rất tốt, nhiều người dân trên địa phương vẫn tìm đến đặt hàng ông làm các sản phẩm trong gia đình.
"Hiện tại ông Thắng vẫn đang làm khung ngoại, cửa sổ... cho căn nhà đang xây của tôi. Ông rất chăm chỉ và tay nghề cũng rất cao, từ làng trên xuống xóm dưới người dân đều biết đến ông bởi nghị lực phi thường", ông Hồng nói.
Bà Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa, cho biết năm 2014 ông Thắng được tặng bằng khen về thành tích vượt khó, vươn lên trong lao động do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình trao tặng.
Bình luận (0)