Cơ thể chúng ta cần tối thiểu 500 miligam/ngày. Với người từ 14 tuổi trở lên, lượng muối cần nạp để tối ưu hóa sức khỏe là 1.500 miligam/ngày, theo chuyên trang sức khỏe Healtline (Mỹ).
Mất nước, mất cân bằng điện giải hay hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) đều có thể gây cảm giác thèm muối |
SHUTTERSTOCK |
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều tiêu thụ lượng muối vượt quá mức khuyến cáo này. Tại Mỹ, các khảo sát cho thấy trung bình một người tiêu thụ muối đến 3.400 miligam/ngày. Nạp lượng muối nhiều như vậy trong thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ và khiến xương bị mất canxi.
Ăn quá nhiều muối không tốt nhưng ăn quá ít cũng gây hại. Muối cần thiết cho hoạt động của xung thần kinh, co giãn cơ bắp, giúp cân bằng giữa nước và khoáng chất. Nếu bỗng dưng thèm muối thì có thể là do bạn đang thiếu muối.
Có một số nguyên nhân gây thèm muối, dẫn đến kích thích chúng ta ăn mặn. Thông thường, điều này có liên quan đến vấn đề sức khỏe nào đó. Nguyên nhân phổ biến nhất là mất nước. Các biểu hiện thường thấy của mất nước là chóng mặt, nhức đầu và tim đập nhanh.
Khi lượng nước trong cơ thể xuống quá thấp, chúng ta thường thèm muối. Muối không chỉ kích thích uống nước mà có giúp cơ thể giữ nước.
Một nguyên nhân khác khiến bạn bị thèm muối là mất cân bằng điện giải. Vì chất lỏng trong cơ thể chúng ta mang các khoáng chất quan trọng, chẳng hạn như natri. Do đó, nếu lượng chất lỏng trong cơ thể giảm thì dễ gây mất cân bằng điện giải. Hậu quả là gây đau đầu, mất tập trung và mệt mỏi.
Một nguyên nhân hiếm gặp khác là bệnh Addison. Bệnh ảnh hưởng đến tuyến thượng thận và tác động tiêu cức đến nồng độ hoóc môn của cơ thể. Ngoài ra, người bệnh Addison còn thường thèm muối, giảm huyết áp, sụt cân và tiêu chảy.
Căng thẳng kéo dài hoặc có vấn đề về sức khỏe sinh sản cũng có thể làm thèm muối. Chẳng hạn, người mang thai hoặc xuất hiện hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) cũng gây ra cảm giác thèm muối.
Bình luận (0)