Bông hoa thủy tinh - Truyện ngắn dự thi của Vương Đình Khang (An Giang)

18/06/2023 08:30 GMT+7

"De ùm!". Đám nhỏ tranh nhau rút tay khỏi lòng bàn tay bé quản trò. Chỉ riêng một mình Trang chậm rì còn dính lại.

 Tiếng "Tách!" khô khốc vang lên. Cả đám hò hét chọc quê con nhỏ lêu lêu chậm quá xá. Trang ngơ ngác, người nóng lạnh lên từng cơn, mồ hôi rịn ra khắp tấm lưng còng queo như chữ C. Cơn đau bất ngờ kéo tới xé tan thân hình nhỏ xíu. Ủa? Chuyện gì vầy nè? Về nhà bận đó Trang mới biết năm ngón tay em vừa gãy vụn. Ba má chở em thẳng lên Sài Gòn, đó là lần đầu tiên em nghe tới tên căn bệnh kỳ lạ "Xương thủy tinh".

Bông hoa thủy tinh -  Truyện ngắn dự thi Vương Đình Khang  - Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Hồi mới sanh, Trang cũng là đứa nhỏ bình thường. Vài tháng tuổi, hôm đó mẹ ẵm lên thấy chân con mềm nhũn. Mẹ hoảng hồn, cả hai chân đều gãy lìa. Y học hồi đó chưa phát triển, bác sĩ ở tỉnh nhìn đứa bé xương sống xiêu vẹo, cặp mắt lồ lộ, xương hàm nhô ra, tay chân lỏng khỏng, chẩn đoán là em bị chất độc da cam, dặn phải theo dõi kỹ. Em lớn lên, đầu óc non dại chỉ nghĩ mình bệnh, đi đứng không được mà thôi. Em chưa chưa cảm nhận được rõ ràng bất hạnh là gì, hồn nhiên như bao bé gái khác. Sau lần biết tên bệnh, sáu tuổi đầu, Trang mới biết cuộc đời cay nghiệt cỡ nào.

Cái tên bệnh "Xương thủy tinh" nghe hoa mỹ, nhưng nó là căn bệnh đột biến nhiễm sắc thể vô cùng khủng khiếp. Nhẹ thì tay chân yếu xìu, vừa thì xương khớp dễ gãy khó lành, chứ nặng thì cả người teo tóp, ngoại hình biến dạng, thể chất mỏng manh như cọng tóc. Trang là dạng nặng nhất. Mất khả năng đi lại, xương sống xiêu vẹo, không thể ngồi lâu, không thể cử động bình thường. Trang không nhớ nổi mình gãy xương bao nhiêu lần trong đời, gần như xương chỗ nào cũng từng gãy nứt. Những cơn đau chết đi sống lại, như bầy trâu hoang giẫm qua người vậy. Những lần gãy xương đùi là khủng khiếp nhất, nỗi đau giày vò em năm sáu tháng liền. Tới nỗi, hắt xì mạnh có khi xương sườn cũng gãy. Những cơn đau nối tiếp nhau vùi dập thân thể bé nhỏ của em, nhiều tới nỗi Trang dần thấy gãy xương cũng bình thường như việc hít thở, ăn uống. Nhưng cái đau thể xác sá gì với nỗi đau tinh thần? Người ta ở đâu không biết, kéo tới xầm xì coi mặt đứa con gái bệnh lạ, như coi con khỉ trong sở thú. Có người còn độc mồm độc miệng chỉ trỏ nói chắc ba má nó ăn ở ác nhân thất đức nên đẻ con thế này. Ủa, Trang có tội gì mà phải chịu như vậy? Trong khi con nít trong xóm rủ nhau cắp sách tới trường, em nằm ở nhà ôm cái tay gãy lìa sau khi cái chân vừa liền lại. Em thấy mình thật vô dụng, làm khổ gia đình phải chăm sóc, làm lụng cực khổ để nuôi đứa tật nguyền như em.

Trời cướp hết của em quyền được làm con người bình thường, nhưng trời đền cho em đầu óc thông minh và sự lạc quan sáng rực. Trang đọc sách nhiều lắm, nhất là sách truyền cảm hứng, rồi dần thấu suốt hết căn nguyên của sự đau khổ. Người ta nói bậc chân như muốn đắc đạo phải đi qua hết hỷ nộ ái ố, tham sân si, có lẽ em đã lê tấm thân nhỏ nhắn bất toại qua gần hết hố sâu tối đen của cuộc đời rồi. Kiến thức và chữ nghĩa từ sách báo đã giúp em vượt qua trận bão tiêu cực. Mười tuổi, em thấy mình hết tự ti và mặc cảm. Em bỏ ngoài tai tiếng xầm xì, bỏ ngoài mắt những cái nhìn khinh miệt. Em vượt qua nỗi đau thể xác mỗi lần gãy xương như chiếc thuyền con leo qua những cơn sóng lớn. Em cũng nuôi lòng sáng muốn sống như người bình thường, muốn mình có giá trị trên đời chứ không phải là một cục nợ, trong khi những đứa trẻ bằng trang lứa em còn vô lo vô nghĩ, chưa hề màng gì tới ý nghĩa đời mình...

Rồi, em gặp "đôi chân".

Dì Hai, một người dưng hổng ruột rà. Ba mẹ Trang đi làm vất vả để nuôi con bệnh, không có thì giờ theo sát em, nên cậy nhờ gởi em cho dì Hai. Dì có nghề làm nhang, nhà tuốt trong miệt quê, đồng ý cho em tịnh dưỡng. Dì Hai hổng có gia đình, hiền như cục đất, nhận đứa nhỏ ốm yếu về mà ôm như cục vàng. Dì xuất gia, nên lòng thương của dì mênh mông như trời biển. Dì mua cái ghế mủ, lọ mọ buộc vào yên sau xe đạp, chở em đi khắp nơi. Dì chỉ cho em dòng sông con đò, bầu trời đám mây, đồng ruộng vườn cây, chỉ cho em cái đẹp của đời sống con người, chớ không phải cuộc đời này chỉ có khổ đau tủi nhục. Trang sống trong tình thương của bà mẹ quê, nuôi thêm trong lòng một khối tình yêu nóng ấm.

Bữa đó, có người chị tới thăm. Chị kể về việc đang làm từ thiện, quyên góp giúp trẻ mồ côi, người già neo đơn và các bệnh nhân nan y nghèo. Chị lo nhiều chuyện bận rộn xung quanh việc cứu trợ đang khẩn cấp… Bé Trang khi ấy mới mười tuổi, nói gọn hơ, mắt sáng lên tự tin: "Em đi với!".

Sau bao nhiêu cản ngăn, lo lắng, dằn vặt của người nhà, đứa con nít ốm yếu, bệnh đầy mình, lọt thỏm ở yên sau xe máy len lỏi theo dì Hai vào các miệt để cứu trợ, giúp thêm cho người chị. Dì Hai không biết lái xe nên nhờ người chở dì và em. Dì sợ em ngã, ẵm em suốt trên đường, tay mỏi nhừ mà vẫn ráng. Người ta thất thần không hiểu sao đứa bé thế này tham gia được các cuộc từ thiện? Đứa bé mà chỉ một cái ổ gà trên đường cũng có thể làm tay chân nó gãy lìa. Em ngồi co ro như con gấu bông ở khu vực đại biểu, thăm hỏi và tặng quà cho các hoàn cảnh. Nhiều người nghĩ thoáng qua trong đầu, con bé nó còn đáng thương hơn mình mà lại đi cứu trợ mình? Phần quà do gia đình và người quen quyên góp cũng nhỏ, thường thì một số tiền, vài ký gạo, thùng mì gói, nhưng hình ảnh con bé mong manh như sợi tóc đi cứu trợ mới chính là liều thuốc thần kỳ nhất chảy vào trái tim những người lớn. Lá lành đùm lá rách, vậy mà cái lá nhỏ xíu, nhàu nhĩ này vẫn xanh mướt như ngọc. Màu xanh lan sang những cái lá vàng úa khác.

Trang rong ruổi đi từ thiện cùng dì Hai suốt mười năm ròng. Có lúc tai nạn, em té xuống xe, nghe xương đùi kêu "rắc" thảng thốt. Xương vừa liền lại, em lại ngồi vắt vẻo trên xe mà đi tiếp. Hai dì cháu đi khắp từ vùng này sang vùng nọ, thấm trong lòng nỗi khổ của những mảnh đời khác nhau. Tự nhiên, em thấy đời mình vẫn còn đẹp quá. Hình như em vừa giúp người khác, vừa giúp bản thân chữa lành vết thương lòng.

Khi Trang tròn hai mươi, căn bệnh trở nặng. Dù rất muốn nhưng em không thể đi nổi. Bây giờ em làm từ thiện từ xa, và bắt đầu tìm thứ khác để khẳng định sự tồn tại bình thường của mình trên đời. Ai lớn cũng phải đi làm nuôi thân, em cũng đã lớn, phải làm gì đây? Người bình thường mơ ước cao xa, em thì chỉ mơ được làm người bình thường. Em xem trên mạng, thấy người ta làm hoa bằng giấy đẹp quá! Vật liệu rẻ tiền, cách làm đơn giản, ngồi một chỗ là làm được. Trang giấu ba mẹ, tự để dành tiền mua giấy màu, kéo, keo dán về làm thử.

Tới khi bắt tay vào em mới hiểu là khó kinh khủng. Cầm kéo lên, là nỗi sợ gãy ngón khi cắt giấy. Việc đơn giản ai cũng làm được trong vài giây là cắt một tờ giấy, em phải mất mười lăm phút. Những ngón tay run rẩy, những đốt xương nhói đau, nước mắt trào ra, tới khi chịu không nổi em phải buông kéo, thấy tờ giấy còn nguyên mà tim em như rách tan ra hàng vạn mảnh nhỏ. Em không thể làm được việc đơn giản như trò chơi con nít này sao?

Em nhớ tới ba mẹ, nhớ tới dì Hai, nhớ tới mấy đứa bé chạy thận đau giật đùng đùng trên giường bệnh, nhớ tới những ông bà lão ung thư teo tóp như bộ xương khô. Em nhớ tới nhiều đôi mắt, từ tròn to sáng trong tới đục ngầu trắng dã. Và rồi, Trang cầm kéo lên làm tiếp. Sau gần bốn tháng, em đã làm được chậu hoa hồng giấy hoàn chỉnh, bán cho người quen được năm chục ngàn. Đồng tiền đầu tiên trong đời em kiếm được hoàn toàn bằng sức lực của một mình em!

Những bông hoa giấy lần lượt nảy mầm, bằng mồ hôi và nước mắt, bằng những đốt xương gãy và bằng sự kiên cường của cô gái miền Tây tí hon. Hoa hồng, hoa cúc, hướng dương, hoa sen, hoa lan, em làm được hết! Em tỉ mẩn, trau chuốt, những đóa hoa để trong chậu rung rinh theo gió mà nhìn cứ tưởng hoa thật, tới khi chạm vào người ta mới ồ lên: bằng giấy! Em có sự tinh tế trời sinh, nhìn hoa thấy rõ ràng trong đó mạch sống, tâm hồn của hoa. Em cảm nhận được luồng diệp lục trong gân lá, những cái lông tơ trên cánh, những nét nhạt phai chuyển sắc, em thổi hồn vào từng tác phẩm. Hoa Trang làm càng lúc càng phức tạp, em vẽ gân, cắt tỉa, uốn cánh, tô màu. Hoa có nhụy, có đài, có cành, có gân li ti như thật. Tiếng lành đồn xa, người ta đặt hoa quá chừng. Có bữa đơn về nhiều, em mừng rớt nước mắt. Gia đình sửa sang lại nhà trước làm tiệm cho em bán hàng. Và cửa hàng hoa giấy ra đời.

Một thời gian, tự nhiên người ta thấy em như lột xác. Dù vẫn bệnh nan y, nhưng em đẹp lên hẳn. Trang ăn mặc có gu, trang điểm khi gặp khách, cắt tóc mang kính gọn gàng. Em chơi mạng xã hội, kể chuyện bệnh tình, có làm cả vlog nữa. Trang nói em là con gái, em cũng có quyền đẹp, quyền có bạn bè khắp nơi. Em tham gia các hội nhóm người khuyết tật, khuyến khích bà con mua đồ thủ công của các bạn để giúp mọi người có kế sinh nhai.

Nhưng đường đi đẹp mà không bằng phẳng. Bữa đó Trang thấy trên mũi dì Hai có vết thương hở miệng, mãi không lành. Em chột dạ, kêu dì đi khám. Sợ ba mẹ lo, em giấu nhẹm. Dì Hai kiểu người nhà quê có biết gì đâu, nghe lời cháu, dì một mình lên thành phố khám. Bác sĩ gọi về nói dì ung thư da. Trang nghe cả bầu trời như sụp xuống. Bây giờ phải làm sao? Khóc lóc, thao thức cả đêm, Trang đọc các bài viết về ung thư da. Em nói với chính mình, dì Hai là đôi chân của em suốt bao nhiêu năm, bây giờ tới lượt em phải lo cho dì. Cái chân bệnh, thì cái tay lo. Em với dì tuy hai mà như một. Em phải giúp dì. Nhưng giúp kiểu nào bây giờ? Ai đưa dì đi lấy sinh thiết, ghép da, nằm viện? Ai động viên dì qua cơn đau, ai báo hiếu dì giúp em bây giờ?...

Rồi như tự nhiên, bỗng chợt hiện ra những người tốt. Bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở viện truyền tai nhau chuyện con bé bệnh xương thủy tinh nuôi người dì bệnh ung thư. Những tình nguyện viên không biết là ai tới lo liệu cho dì từ đầu tới cuối, nhiệt tình như là ruột thịt. Người lo ăn, người lo chỗ ở, người lo giấy tờ, thủ tục. Phẫu thuật thành công, tới lúc dì Hai về nhà gặp Trang, dì mới được biết là mình vừa được chữa khỏi ung thư.

Có lần, người bạn hỏi Trang, qua bao nhiêu chuyện khổ đau, có thể làm gục ngã bất cứ ai mạnh mẽ, em có bao giờ nghĩ tới cái chết chưa? Cô gái nhỏ cười trong vắt như bông hoa thủy tinh: "Không anh! Chưa hề có!".

Thể lệ:

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng;

5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Bông hoa thủy tinh -  Truyện ngắn dự thi Vương Đình Khang  - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.