Bong Joon Ho: Người tạo đường biên giàu nghèo trên màn ảnh

08/06/2020 18:00 GMT+7

Ký sinh trùng (tựa Anh: Parasite ) của đạo diễn Bong Joon Ho là phim cài cắm nhiều ý đồ nghệ thuật cho thấy hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội xứ kim chi hiện đại rất lớn.

Tác phẩm Ký sinh trùng thời gian qua đã được khán giả thế giới biết đến là tác phẩm đầu tiên của châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng thắng giải Oscar Phim hay nhất năm 2019, trước đó là Cành cọ vàng 2019. Nhiều trang báo trên thế giới đã phân tích và chỉ ra cái hay, kỹ thuật làm phim điêu luyện của tác phẩm thứ 7 trong sự nghiệp chỉ đạo của Bong Joon Ho.
Trong số đó, nếu khán giả xem kỹ và để ý những cài cắm nghệ thuật (xét về mặt kỹ thuật) trong phim, người xem nhận ra ngay với những điều tưởng như có thể xem nhanh, phớt lờ trong phim cũng hóa ra quan trọng.

Những lằn ranh 'vô hình' mà 'hữu hình'

Mượn chất hài kịch đen tối của phương Tây để "nhào nặn" lại đưa vào trong phim mình, đặc biệt là Ký sinh trùng, nhà làm phim sinh năm 1969 không quên cài cắm vào nó những ẩn dụ nghệ thuật. Chia sẻ trên The Atlantic, ban đầu đạo diễn Bong Joon Ho định biến Parasite thành kịch nhưng ông nhận ra sân khấu quá giới hạn về mặt không gian nên cuối cùng ông đã chọn điện ảnh để phát triển ý tưởng về hố ngăn cách giàu nghèo đến mức khốc liệt trong xã hội Hàn.
Những ẩn dụ mà đạo diễn The Host cài cắm vào như nấc thang, yếu tố Mỹ hóa... giúp cho nội dung của phim thêm chiều sâu. Thế nhưng điều đó chưa đủ để lột tả hết ẩn ý của nhà làm phim đoạt giải Oscar. 

Cảnh ông Kim đến nhận việc tại công ty của ông Park

Ảnh: CJ Entertainment

Nếu để ý kỹ, rất nhiều lần gia đình nghèo Kim Ki Taek (Song Kang Ho đóng) xuất hiện trên hình ảnh, Bong Joon Ho đều để họ bị tách biệt so với gia đình mà họ phải sống "ký sinh" vào là ông Park Dong Ik (Lee Sun Kyun). Ngay cả bà quản gia lâu năm của nhà ông Park là Gook Moon Gwang (Lee Jung Eun) cũng không hơn.
Ở một cảnh phim, khi cậu con trai nhà Kim đến làm gia sư cho nhà Park, cả cậu này và bà quản gia đều bị tách biệt bởi một đường kính so với phu nhân của nhà Park. Hay ở một cảnh khác, khi phu nhân nhà Park dẫn cậu gia sư nhà Kim lên lầu trên, một lằn ranh trên bức tường nếu khán giả để ý kỹ sẽ thấy chia tách không gian giữa hai nhân vật này với nhau. Tiếp tục, ở một cảnh khác, khi cô con gái nhà Kim nghe lén câu chuyện của ông bà chủ Park, bức tường cô dùng để nấp hiện lên một lằn ranh rõ rệt chia tách hai tầng lớp người vốn "không thuộc về nhau" ngay từ đầu phim. 

Vượt quá giới hạn

Nếu ở yếu tố hình ảnh của phim, Bong Joon Ho cũng có thể tạo ra khoảng cách giàu, nghèo rõ rệt thì đồng thời ông cũng "phá vỡ" khoảng cách này cũng bởi sức mạnh của hình ảnh hoặc thần tình hơn, đó là góc quay. Và không gian trên ô tô là đắt giá hơn cả để nói về ý đồ của đạo diễn. Theo phân tích của Insider, việc thay đổi góc quay, tốc độ khung hình hay kỹ thuật quay những cú máy dài là một trong những thứ vũ khí lợi hại trong phim góp phần làm nổi bật ý đồ đạo diễn. "Vượt quá giới hạn" là cụm từ mà Park Dong Ik dùng để nói về những người có địa vị xã hội thấp hơn mình, ở một vài trường đoạn trên xe hơi, việc "vượt quá giới hạn" mà ông Park đề cập đã được nhà quay phim Kyung Pyo Hong đặc tả rõ nét.
Trong đoạn sau khi Kim Ki Taek được nhận vào làm tài xế riêng của Park Dong Ik, hai người huyên thuyên về đủ thứ trên trời dưới đất. Để làm nổi bật địa vị xã hội giữa hai nhân vật này, máy quay không tập trung quay chính diện phía trước ô tô mà đến lượt nhân vật nào, ống kính chĩa về phía nhân vật đó, cố tình tạo nên một đường ngăn cách xéo 180 độ làm tách biệt hai nhân vật này. Cảnh phim thay đổi liên tục dựa trên lằn ranh vô hình đã tạo ra đó. 

Máy quay màu đỏ hướng vào ông Kim, còn máy màu xanh hướng vào ông Park với hai hướng khác nhau

Ảnh: Chụp màn hình YouTube

Góc quay trong phim Driving Miss Daisy

Ảnh: Chụp màn hình YouTube 

Góc quay trong phim Green book

Ảnh: Chụp màn hình YouTube

Lằn ranh giữa hai nhân vật chỉ thực sự bị phá vỡ khi thay đổi cách quay

Ảnh: Chụp màn hình YouTube

Khoảng cách giữa Kim Ki Taek và Park Dong Ik chỉ thực sự bị phá vỡ khi máy quay quay từ phía sau nhân vật của tài tử Song Kang Ho, sau đó rẽ một cú 90 độ sang nhân vật của Lee Sun Kyun. "Vượt quá giới hạn" không chỉ có ở cảnh quay này mà còn rất nhiều lần khác nữa, đơn cử như trước đó bà quản gia đã đánh thức giấc ngủ của bà chủ Park vì có chàng gia sư nhà Kim đến. 
Có nhiều bộ phim cho thấy rõ sự đặc biệt trong góc quay của Parasite nếu đem chúng so sánh với nhau. Chẳng hạn tác phẩm Driving Miss Daisy của đạo diễn Bruce Beresford phát hành năm 1989, máy quay được đặt bên ngoài xe theo hướng cả hai nhân vật nên khán giả nhìn thấy rõ diễn viên. Ở bộ phim phiêu lưu đường trường Green book (2018), máy quay được đặt phía trước xe cũng theo hướng thấy cả hai nhân vật trong xe. Hoặc như tác phẩm kinh dị, tội phạm Psycho của bậc thầy phim kinh dị Alfred Hitchcock, nhà quay phim John L. Russell để diễn tả tâm trạng lo lắng của nhân vật nữ chính khi ăn cắp tiền và chạy trốn, đã sử dụng máy quay liên tục chĩa cận mặt nữ diễn viên Vera Miles từ phía trước ô tô.
Để có được những khung hình ăn ý, nhà quay phim Kyung Pyo Hong đã phải thử máy nhiều lần với đạo diễn Bong Joon Ho, theo Korea Times. Là một trong những nhà quay phim thuộc thế hệ điện ảnh "làn sóng mới" của Hàn Quốc, Kyung Pyo Hong không chỉ hợp tác với Bong Joon Ho ở tác phẩm lần này mà còn ở nhiều dự án trước đó như Snowpiercer (2013) và Mother (2009). Bên cạnh hợp tác với đạo diễn Bong Joon Ho, ông còn quay phim cho nhiều đạo diễn khác như Na Hong Jin trong phim kinh dị The Wailing (2016) hay nhà làm phim Lee Chang Dong trong phim Burning (2018).
Chia sẻ trên IndieWire, Kyung Pyo Hong tiết lộ sở dĩ ông có những thủ pháp quay phim như vậy vì cũng giống như Bong Joon Ho, cả hai muốn nói lên sự phân chia giai cấp khốc liệt trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, qua đó truyền tải đến khán giả nhiều vấn đề cuộc sống đáng suy ngẫm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.