Chút nữa thôi, nắng sẽ lên đầy một khoảng rộng. Phía ngoài, trên giàn bầy cá nục đã bắt đầu cong lên nhớ ngọn nắng hôm qua. Nghe tiếng loa âm vang trở đi trở lại. Loa từ chiếc xe của anh Thanh, văn hóa xã: “Dịch Covid đã trở lại. Bà con chú ý làm theo hướng dẫn, đeo khẩu trang, xịt nước sát khuẩn...”. Bà Tâm đi thoáng qua ngõ, nói vọng: “Mày nhớ làm theo lời thằng Thanh nói nghe. Mày không thực hiện thì cả thôn này cũng chẳng ai làm”. Bà chọc Loan vài câu, nán lại chút rồi đi. Còn với thêm câu nữa: “Ớt cay cay nóng má hồng. Cô vít hắn sợ chứ chồng ngán chi”. Rồi cười ha hả.
- Bà này, già rồi mà xí xọn.
Loan cau mặt, nhưng cũng vui vui với mấy câu chọc của bà già cùng xóm hay hay… Bà từng đánh tiếng ba lần để làm mối Loan cho Thanh. Nhưng Loan vẫn chưa chịu. Cô cứ nói với ba mẹ “cho con ít năm nữa”. Mấy đứa bạn còn tung tăng, mà mình đi “chống lầy” trước. Ngượng lắm!
Mẹ Loan, khi nghe chồng thuyết phục gả Loan thì cũng ừ. Mà thương con gái phải về nhà người ta sớm, còn ngọng nghịu mọi việc, nghe Loan nói vậy cũng gật. Thành ra, bà đành ở giữa hòa giải cái xung khắc của hai cha con về chuyện chồng con của Loan. Nhưng Thanh lại khác. Anh một mặt nghe lời ba mẹ thúc hối nhà Loan, một mặt lại để cho Loan tự định đoạt. Chuyện nhà người ta, con gái đôi mươi cứ để vậy đã, giục lắm lại hỏng. Anh nghĩ vậy.
Từ khi dịch xuất hiện trở lại đợt thứ hai, lúc thôn này được thông báo đã có hai người nhiễm, anh tất bật ngày đêm với mấy cán bộ trong xã. Nữ, cô ấy đã “dính” vào căn bệnh không biết xếp vào ca thứ mấy trong số hơn 19 triệu ca trên thế giới. Bản đồ dịch Covid cứ biến động hằng ngày, chẳng ai vẽ nổi. Nhưng cái ngày cùng đi với vài người theo sự phân công của chủ tịch xã, để xác nhận lại ca bệnh của Nữ đang cách ly ở bệnh viện tỉnh, anh thấy Nữ vẫn vậy, chẳng có gì là thuộc diện xếp vào số mười mấy triệu ca ấy. Trong chiếc khẩu trang, cái miệng xinh hôm nào vẫn cứ cười giòn tan, lan ra cả hành lang bệnh viện khi anh được khuyên phải đứng ngoài, không được vào.
- Vô Đà Nẵng có 2 ngày rồi ra thôi, mà bị - Giọng của cô.
- Vài phút mà bị là bị, vài năm mà không dính cũng không - Giọng một người đàn ông.
- Anh vô bao lâu?
- Mười lăm phút thôi. Vô thăm chút rồi ra, mà cũng bị.
- Vậy là có gặp ai đó, chứ khoa tim mạch bình yên mà - Nữ nói.
- Biết chết liền - Người đàn ông nói rồi cười.
Bác sĩ kể với Thanh là hai người cùng bị phát hiện mắc Covid, chút nữa phải chuyển đi nơi khác một người. Đều mắc từ Bệnh viện Đà Nẵng ra. Cô ấy vào nuôi bệnh. Còn anh ấy vào thăm bệnh. Nghe vắn tắt vậy, Thanh chỉ biết ừ à. Anh cũng nghe thông tin bà Lụa, mẹ của Nữ được chuyển ra Huế từ hôm kia, phải thở máy. Mà trời miền Trung thì cứ mưa dai dẳng.
Mưa Huế còn phải nói. Ở Đông Hà ra đây còn hanh chút nắng. Có ngày nắng to hơn cả Sài Gòn, như một khung trời riêng vậy. Mà Covid thì chẳng có trời nào riêng cả! Anh thở dài nghĩ.
***
- Nữ bệnh nhưng tinh thần vẫn tốt bác à. Cô ấy cũng lạc quan. Nghe bác sĩ nói chỉ cách ly điều trị thôi. Con tin là cô ấy sẽ khỏi.
Ông Xuân, cha của Nữ qua nhà hỏi thăm, Thanh chỉ biết nói vậy cho ông yên tâm. Nhưng anh vẫn cứ ngờ vực, chẳng ai biết được điều gì xảy ra.
Chiều muộn lắm, Loan mới dám đến hỏi tình hình của Nữ. Cả hai là bạn thân trong một nhóm bạn cùng thôn. Bốn người con gái, nhưng Nữ hay miệng nhất. Còn Loan kín đáo hơn.
- Nữ vẫn khỏe. Cô ấy còn gửi lời thăm bà con, thăm em và cả nhóm - Thanh kể.
- Còn bác gái? - Loan hỏi thăm mẹ Nữ.
- Ra Huế rồi. Nhưng không ai gặp được. Thằng Tuấn cũng phải ở trọ bên ngoài nghe ngóng thôi - Thanh trả lời.
Tuấn là em Nữ. Ở Đà Nẵng chăm mẹ cho đến khi ra Huế. Nhưng Tuấn lại không hề hấn gì, dù hơn cả tháng di chuyển khắp nơi trong mấy bệnh viện. Xét nghiệm ba lần vẫn âm tính.
Lạ thật. Loan vừa bứt mấy lá chè trước ngõ nhà Thanh, vừa lẩm bẩm. Rồi cô quày quả về để dọn mấy nong ớt, kẻo tối sương xuống lại dịu, mất công.
Buổi sáng. Nắng lại rưng rúc những đọt chè, loang ra vài đốm sau vườn. Bụi chuối trổ buồng trìu trịu, nghe gió mơn man da diết trên từng trái bắt đầu ú nần. Đất bazan tốt đãi người. Chè tiêu mít chuối cứ lồng lộng mà lên. Nhưng nắng ấy với bao người ở thôn này giờ nghe thoáng chút lo âu. Không khí tĩnh lặng hơn cả giàn trầu thiếu gió.
Loan lại nghe ba nói:
- Giờ bà tính sao? Họ qua nhà thêm lần nữa rồi đó.
- Trời đất, dịch giã thế này mà cứ giục cưới hỏi - Mẹ Loan kêu lên.
- Họ muốn trả lời dứt khoát, xong để đó thư thả rồi làm đám. Khi nào hết dịch là hai nhà bàn bạc, xáp vô luôn.
Mẹ Loan lặng im không nói. Lúc nào cũng vậy, khi ông già tới tới là bà biết tính, để êm êm đã. Đến tối ăn cơm xong mới tỉ tê nói lui nói tới thuyết phục, sau khi đã hỏi lại ý con.
Loan lại đảo mấy nong ớt đã bắt đầu khô, da ớt kéo nhăn nheo. Chỉ vài ba nắng nữa thôi, là có thể đem giã rồi gánh ớt bột ra chợ bỏ cho bà tạp hóa ngồi đầu góc. Bà thích ớt nhà Loan lắm. Đỏ mà cay. Ớt trái vụ trái tuy nhỏ và xấu nhưng cay gấp mấy lần ớt chính vụ. Đó là chưa kể khi bón bằng phân gà trộn nhuyễn với tro. Cả thôn này chỉ có nhà Loan làm ớt tháng bảy. Rồi sau đó là lên vồng trồng khoai, thu hoạch khoai xong cho đất nghỉ một tháng. Tiếp đến vãi mè, ấy là lúc đã sang xuân.
Thanh lại đi qua. Xe gắn loa ra rả gọi phòng chống dịch Covid. Chậm rãi, buồn tẻ. Bỗng nghe vang lên tiếng bà Tâm chói gắt: “Mả cha mày, đi lại với thằng Tuấn đó rồi có ngày cũng dính. Đem của nợ về cho cả nhà con ơi là con ơi”. Tiếng ông Toản bênh con: “Bà biết gì mà la với lối. Hắn xét nghiệm ba lần âm tính rồi. Tui coi giấy rõ ràng. Ngăn với cấm rồi con cuồng chân đi bậy. Chơi với thằng Tuấn là yên nhất. Còn đòi với hỏi…”. Lúc nào cũng vậy, ông Toản cứ thêm chữ “với” giữa mấy câu khi cãi với bà Tâm. Nhưng bà không vừa: “Con cầu tự, rồi đẻ cháu cầu phúc của tui đó. Ông ở đó mà bênh rồi coi. Cha đời, cơm gà cá gỏi không ở nhà mà ăn. Lo mà đàn đúm rồi chết có ngày con ơi…”. Tiếng bà lại to lanh lảnh, dường như bà không chịu nổi cái im ắng của thinh không làng xóm, nên phải la lên bài bải. Có vậy mới náo nhiệt, ồn ào, là thứ không khí bà vẫn thích hơn cả. Ở đâu có bà là có chuyện, rộn lên như nhà có đám.
Tuấn về đêm qua. Sau khi đi dò la tin chị Nữ ở khu cách ly bệnh viện. Còn bà Lụa thì khỏi cần, vì có bác sĩ lo. Ở đó cũng chẳng việc gì, ông Toản nói với chòm xóm.
|
***
Mười ngày sau, tin từ bệnh viện ở Huế đưa ra, bà Lụa đã qua đời. Chạy thận gần 5 năm, cứ một tháng ít nhất chục lần, nhưng giờ đây bà Lụa lại bị Covid đưa đi về cõi khác.
- Mẹ con phải hỏa táng chú à. Không đem về được. Xong con sẽ đưa linh mẹ về gửi chùa Thiên Vọng - Tuấn nói rồi khóc qua điện thoại với ông Toản.
- Ừ, vậy để đây chú qua nhà lo với ba con. Phải rước thầy về cúng - Ông Toản cũng thổn thức.
Một chiếc rạp nhỏ dựng lên ở nhà ông Xuân. Bàn thờ thượng hạ có đủ y như một đám tang. Duy có hai điều rất khác với bình thường. Một là bà con chòm xóm được ông trưởng thôn ghi danh sách đến viếng nhang, có phân công giờ giấc người nào đến vào lúc nào hẳn hoi. Hai là khi Tuấn đưa mẹ về thì ai chưa đến được sẽ lên thẳng chùa. Ở đó có sư cụ chỉ chỗ viếng thăm.
Thanh vẫn liên tục đi từ đầu xóm đến cuối thôn, với chiếc xe máy độ lại có gắn loa. Có một điều chỉ anh với bà Lụa và Nữ biết, là bà rất quý anh và vẫn muốn Thanh làm con rể mình. Cái sự thương quý của bà kín đáo lắm, đến ông Xuân cũng không hề hay biết. Có khi là lọ dầu nóng gửi cho Nữ đem đến cho bà Tùng, mẹ Thanh vào mỗi mùa đông khi có bấc về. Tết nhất giỗ chạp gì bà cũng nhẹ nhàng nhắc Nữ đem quà đến cho nhà Thanh, nhưng dặn bà Tùng giấu. Hai bà vốn là đôi bạn đẹp nhất của làng ngày xưa, đã từng hẹn ước sẽ làm sui một mai khi có con, dù biết rằng “đũa có đôi nhiều khi cũng khó”. Biết đâu chúng có thể sẽ phải lòng nhau. Và bà hy vọng!
Nhưng dù có biết điều thương quý ấy, và mộng ước của mẹ và bà Lụa, Thanh cũng chẳng vượt qua được tiếng thổn thức trái tim, khi đã hướng về Loan. Anh cũng biết Nữ rất có cảm tình với mình, một tình yêu đơn phương. Thanh vẫn đối xử tốt như anh trai với em gái trong quan hệ với Nữ, nhưng không thể bước qua rào cản tình cảm đã sâu nặng với Loan.
… Mưa sụt sùi đổ xuống. Bão vào vùng nào ở ngoài Bắc. Chiếc rạp dựng lên có nguy cơ bị giật đổ, ông Toản phải lấy cây chằng chống để bà con đến viếng không bị tạt. Xong việc, ông ngồi nhìn ra một vầng trời xám xịt mây. Và mưa.
Bà Tâm lúi húi pha nước chè rồi têm trầu. Nhìn dáng bà ngồi bên cái ông bình vôi to sụ, loay hoay têm đủ cả trăm miếng trầu đặt lên chiếc mẹt, đều tăm tắp cánh phượng, ông Toản lại nhớ thuở mẹ bà têm trầu cưới cho bà và ông. Cũng cái dáng ngồi y hệt, lúc ông đến làm rể. Chỉ khác bây giờ là bà Tâm têm trầu mời họ hàng viếng tang người bạn!
- Xe đến Mỹ Chánh rồi - Ông Xuân đến bên nhắc nhỏ.
- Chắc khoảng 2 tiếng nữa đến, bác à - Ông Toản sực tỉnh.
- Thằng Tuấn nói đưa mẹ nó thẳng lên chùa - Ông Xuân khóc nghẹn không thành tiếng.
- Vậy khoảng 10 giờ mình lên đó là vừa - Ông Toản mơ màng như nói với riêng mình.
Thanh và Loan đến. Mấy hôm nay đường làng ngõ xóm bị phong tỏa nên cô phải hẹn Thanh đi cùng. Cả nhóm người đi xe máy lên chùa. Nhưng phải vào rải rác. Mỗi người chỉ vài phút rồi ra.
Lo việc cho bà Lụa xong, Thanh lại tất bật với công tác tuyên truyền dịch bệnh. Gió tháng chín nghe cũng đã hanh hao. Mấy bao ớt giã xong lâu rồi nhưng Loan vẫn chưa đi chợ được. Cô lại ra đồng lên vồng xuống dây khoai. Tất tả ngược xuôi không ngơi tay.
Nữ đã về được một tuần. Cô bình yên vô sự và ngày ngày lên chùa cúng mẹ. Mấy cây xoan trước ngõ đã bắt đầu rụng lá, dần trơ ra mấy nhánh, lá lơ thơ. Nữ nghe loáng thoáng nhà Loan đã chấp thuận ngỏ lời của gia đình Thanh.
Rồi mùa khoai sẽ qua đi, Loan sẽ lên xe hoa. Không biết lúc ấy dịch bệnh vãn chưa. Nữ cứ lăn tăn nghĩ, thương bạn.
***
Mùa xuân đến. Mấy sào khoai lang cũng đã dỡ, củ ê hề. Năm nay nắng xuân đến sớm, ba Loan đã cày xong đất để vãi mè. Để cho đất nghỉ khoảng một tháng, ông sẽ lục cái chum mè giống đi gieo.
Khi vạt mè trổ bông, Loan sẽ về nhà chồng. Cũng như mọi năm, bông mè sẽ trắng dần trong nách lá, như những chiếc loa kèn nhỏ xinh lung linh tỏa nắng một vùng. Lúc ấy, Loan tính sẽ ra đám mè ấy chụp hình cưới. Chẳng có bông gì đẹp và thanh khiết như màu trắng ấy trên đám ruộng nhà. Cô nói ý định ấy với Thanh, anh đồng ý ngay. Còn tỉ tê thêm trước khi ra trụ sở xã:
- Chiều qua có tin trong tỉnh đưa ra đã hoàn toàn khống chế được dịch. Chỉ nay mai thôi em, màu trắng bông mè sẽ làm nổi chiếc váy hồng của cô dâu. Anh thèm được đến lúc ấy, nhìn em bước trên cánh đồng.
Ngày vui ấy chắc chắn sẽ đến, Loan nghĩ vậy, một chút mơ màng khi nghe lời Thanh nói trong yêu thương ấm áp.
Bình luận (0)