'Bonsai' khổng lồ nằm cạnh QL 1 'hút hồn' lữ khách

01/08/2022 07:40 GMT+7

Cây đa nằm sát ngay QL 1 đoạn qua khu vực Đá Bạc (H.Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) mọc trên 6 khối đá hoa cương với cành, rễ như được người chơi uốn, tỉa đẹp tựa cây cảnh trong nghệ thuật bonsai Nhật Bản.

Nếu đi trên QL 1, ngang qua khu vực Đá Bạc, nhiều người sẽ dễ dàng bắt gặp cây đa khổng lồ uy nghiêm mọc bên một ngôi miếu. Vì thế đứng cây đa chênh vênh trên đá, lại có rễ trườn xuống đất, cành uốn lượn trông rất đẹp mắt nên nhiều người không tiếc lời khen cây đa tựa cây cảnh bonsai.

Năm 2016, khi công nhận cây đa Đá Bạc là Cây Di sản, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cho hay cây đa có tuổi đời từ 200 - 300 năm. Thân cây to với chu vi khoảng 18 m, cao trên 20 m, tán lá rộng khoảng 35 m.

Khung cảnh dưới tán cây đa khổng lồ ở khu vực Đá Bạc không khác gì cảnh trong phim về những khu rừng nguyên sinh

hữu tú

Rễ chính và rễ phụ cây đa ôm vào 6 hòn đá kết thành khối có chu vi khoảng 27 m, chiều cao tảng đá chừng 3 m. Đây là cây đa đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế được công nhận là Cây Di sản.

Nhiều tài liệu của tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo sử sách, làng Đá Bạc được thành lập khoảng thế kỷ 15 theo bước chân nam tiến của vua Lê Thánh Tông (1470). Ban đầu, làng có tên là Bạch Thạch, có nghĩa là “đá bạc" bởi phía ngoài đầm phá Cầu Hai có hòn đảo nhỏ vẫn còn nguyên 5 hòn đá trắng.

Những khối đá hoa cương là nơi cây đa khổng lồ mọc lên từ hàng trăm năm qua

hoàng sơn

Khoảng thế kỷ 17-18, để cắm mốc ranh giới giữa làng với nhau, người dân Đá Bạc đã chọn cách trồng 3 cây lớn: đầu làng trồng cây thụ, giữa làng cây gõ và cuối làng trồng cây đa. Nếu đi trên QL 1 từ nam ra bắc, qua tổ dân phố Mũi Né (TT.Phú Lộc, H.Phú Lộc), người dân sẽ dễ dàng bắt gặp cây đa cổ thụ nằm phía bên phải.

Cùng với ngôi miếu linh thiêng được người dân địa phương thường xuyên nhang khói, cây đa cùng với bến đò Đá Bạc nằm cạnh đó đã tạo nên một bức tranh làng quê mộc mạc, yên ả… Chính bởi bối cảnh này mà trên đường thiên lý bắc – nam, nhiều người dân đã dừng chân để vừa nghỉ ngơi vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có của cây đa.

Cây đa Đá Bạc được công nhận là Cây Di sản từ nhiều năm qua

hữu tú

PV Thanh Niên đã khảo sát một vòng quanh gốc đa và ghi nhận, cây đa mọc trên khối đá lớn, rêu phong phủ đầy. Từ khối đá này, những chùm rễ lớn với gân, u khỏe khoắn trườn thẳng xuống đất. Tán cây được hình thành bởi những cành lớn. Từ những cành cây này lại có thêm những rễ phụ như những cây cột lớn nâng cành.

Từ một thân cây lớn cùng với tán rộng, đứng dưới gốc đa nhìn lên cứ ngỡ như đang đứng trong một cánh rừng nguyên sinh với khung cảnh thâm u, huyền bí… Dù ngày hè nóng nực nhưng khí hậu dưới gốc đa rất mát mẻ, tạo cảm giác sảng khoái cho người dừng chân.

thời tiết nóng bức cỡ nào, khi ngồi dưới tán đa, nhiều người sẽ có cảm giác thư thái, thoải mái khác lạ

hữu tú

Ngoài việc được công nhận là Cây Di sản, năm 1991, cây đa Đá Bạc cùng với Ngã ba Ràng Bò (thuộc xã Lộc Điền, H.Phú Lộc) là điểm nối QL 1 với đường 74 qua con đường 10C (một nhánh của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại) đã được Bộ VH-TT công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp Quốc gia.

Nhiều tài liệu cho biết, trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng với Ngã ba Ràng Bò, bến đò cùng cây đa Đá Bạc chứng kiến cuộc đấu tranh hào hùng của lực lượng cách mạng. Do khu vực Đá Bạc nằm trên 2 tuyến đường giao thông huyết mạch là đường sắt và đường bộ nên tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch.

Bến cây đa Đá Bạc là một điểm di tích lịch sử quan trọng của địa phương

hữu tú

Thanh Niên xin giới thiệu những hình ảnh về cây đa "bonsai" khổng lồ, kỳ thú nằm sát ngay QL 1 qua tỉnh Thừa Thiên – Huế:

Thân cây đa có đường kính 27 m. Từ thân cây, rất nhiều nhánh lớn tỏa ra các hướng giúp cây cân bằng

hoàng sơn

Những rễ phụ từ các cành cây đâm thẳng xuống đất. Lại gần có cảm giác toàn bộ cây đa như một cánh rừng với những thân cây là do cũng rễ phụ tạo nên

hoàng sơn

Đá hoa cương bị những rễ chính với hình dạng lạ mắt bao phủ

hoàng sơn

Cây đa Đá Bạc có tán cây rất lớn, ước hàng trăm mét vuông. Cành cây tỏa đều ra các phía, trong đó chủ yếu các cành phát triển mạnh về hướng đầm Cầu Hai

hoàng sơn

Bên cạnh gốc đa còn có miếu bà Thủy có tuổi đời trên 120 năm rất linh thiêng. Ban đầu, miếu được lập để cầu an cho những người mưu sinh trên sóng nước. Về sau, người dân địa phương không ai bảo ai xem đó là điểm thờ tự hết sức đặc biệt

hoàng sơn

Bà Nguyễn Thị Thạo (65 tuổi, nhà sát gốc đa) cho biết, không riêng gì người dân địa phương mà những người biết đến sự linh thiêng của ngôi miếu đều tìm đến chiêm bái. Nhang trong miếu hiếm khi nào tắt

hữu tú

Những búi rễ lớn gắn với hàng trăm năm sinh trưởng của cây đã phủ đầy rêu tạo nên sự kỳ vĩ cho cây đa Đá Bạc

hoàng sơn

Du khách thích thú lưu lại những hình ảnh đẹp về cây cảnh "bonsai" khổng lồ

hoàng sơn

Từ thân cây chính, những mầm non tiếp tục mọc trên khối đá hoa cương. Người dân thấy những hình ảnh này lại mong đợi trong tương lai, thêm những "bonsai" độc đáo nữa lại lớn lên

hoàng sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.