GS Trần Lâm Biền cho rằng đã có chuyện bịa đặt truyền thuyết, sáng tác tục lệ, xuyên tạc lịch sử để kiếm lợi tại di tích.
Sân đền Bảo Lộc biến thành khu chợ với hàng quán nhộn nhịp, sầm uất - Ảnh: Hoàng Long
|
Chùa Keo Thái Bình từ lâu đã trở thành một mẫu hình trùng tu mà nhiều người làm công tác di sản luôn nhắc đến. Trung tâm tu bổ di tích của GS Hoàng Đạo Kính đã thực hiện đợt trùng tu kéo dài tới 5 năm, giữ cho ngôi chùa trọn vẹn tất cả những yếu tố văn hóa gốc.
Đồng thời, chùa cũng có cả quy hoạch tổng thể chờ những đợt trùng tu sau. Ngoài mặt kiến trúc, cả những yếu tố phi vật thể cũng được giữ gìn. “Chúng tôi không có ấn nhưng cũng có vật thiêng cầu may. Nhiều lúc cũng nghĩ đến chuyện nhân bản để phát cho người dân, thu hút nhiều khách tham quan hơn. Nhưng rồi lại thôi, để giữ nghiêm ngắn cho không gian chùa”, ông Bùi Văn Thương, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo chia sẻ.
Không phải ai cũng có thể nói “không” như vậy trước cơ hội kéo người hành hương tới di tích. Bởi đi kèm với nó là những món lợi khổng lồ. Tại đền Trần Nam Định, con số không chính thức cho thấy nguồn thu từ lễ hội tại đây khoảng 14 - 15 tỉ đồng mỗi năm. “Khoản thu này phụ thuộc vào số người đến di tích. Số người đến lại phụ thuộc vào việc người dân thấy di tích đó thiêng đến đâu. Nên nhiều nơi người ta sẵn sàng bóp méo lịch sử di tích để hút khách”, một nhà nghiên cứu cho biết.
Thêm bớt lịch sử, sáng tác nghi thức
Đầu năm 2014, trước khi được nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt, Ban Quản lý di tích đền Trần Thái Bình đã tự tiện đặt 6 tấm bia tại di tích này. Những tấm bia này định danh rõ 3 gò đất trong khu di tích này là lăng mộ của các vị vua đầu triều Trần: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông. Đáng nói là chưa từng có nghiên cứu khoa học, khảo cổ hay tư liệu lịch sử nào xác định vị trí này đúng là như vậy. Chưa kể, một bùa thiêng để thăng quan tiến chức cũng được phát tại đền, bất chấp tư liệu lịch sử chưa từng nói tại đền Trần Thái Bình có phát “bùa thiêng” của các vua Trần.
Ban Quản lý di tích đền Trần Thái Bình tùy tiện dựng bia, định danh lăng mộ các vị vua Trần - Ảnh: Hoàng Long
|
Ngày 7.5, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên đã yêu cầu phải di dời khỏi khuôn viên di tích 6 tấm bia định danh này. Tuy nhiên, đến hết ngày 17.5, tấm bia định danh mộ vua Trần vẫn để nguyên mà không có lời giải thích.
Một kiểu thêm bớt lịch sử khác là việc tại di tích quốc gia đền Bảo Lộc, Nam Định có tổ chức cướp cờ vào 24 tháng giêng. Lễ cướp cờ này được nhà đền giải thích “lấy nguồn gốc từ điển tích Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản ra quân”.
“Nhà đền cũng không thể cãi là mình tôn kính Hoài Văn hầu mà đặt ra lệ đó”, GS Trần Lâm Biền nói, “Nếu thực ngưỡng mộ thì đến đền Trần Quốc Toản mà làm, đừng làm ở đền của cụ Trần Hưng Đạo. Đền nào thần ấy”.
Cũng tại đền Bảo Lộc, nhà đền còn sáng tác ra một nghi thức khác rất phản cảm là tục “ra luồn, vào cúi”, xin ấn để cầu quan. Nhà đền khoét một ô trên cửa vào bên phải, giải thích với khách đến xin ấn phải chui qua ô cửa này, sau đó bò 3 vòng quanh gầm ban thờ rồi mới xin ấn thì cầu thăng quan, tiến chức mới linh nghiệm.
Chiếc ấn được đem ra “hút khách”, theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, là ấn “Trần triều Quốc Bảo” do vua Trần ban thưởng cho Trần Quốc Tuấn vì công dẹp giặc ngoại xâm của ông. Ấn chưa bao giờ mang ý nghĩa thăng quan, phát tài. “Tự ý dựng bia định danh vua Trần, phát bùa có lẽ không ngoài mục đích hấp dẫn người dân, du khách tìm đến và cạnh tranh với các đền Trần trong khu vực”, một cán bộ văn hóa địa phương cho biết.
Một lãnh đạo UBND H.Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định thẳng thắn: “Việc thủ từ đền Bảo Lộc phản đối thành lập Ban Quản lý di tích cũng như tại đây xuất hiện các tục lệ xuyên tạc, sai lệch với lịch sử, thậm chí phản cảm cũng đều vì lợi ích kinh tế hết”.
Theo GS Trần Lâm Biền, văn hóa dân gian luôn có sự thêm bớt, thay đổi trong dòng chảy của mình. Tuy nhiên, việc thêm bớt này chỉ không sai khi đi theo chiều hướng liên tưởng của tâm hồn, của trí tuệ. Đây cũng chính là lúc các nhà quản lý phải lên tiếng. “Nếu mở ra với mục đích để lấy tiền thì điều đó sai lè”, GS Biền nói, giọng lo lắng về những vụ việc kinh doanh di tích bóp méo lịch sử.
Phủ vừa là nhà vừa là chợ
Phủ Dầy, Nam Định phần nào đã trở thành nơi sinh hoạt hằng ngày của gia đình các thủ nhang, thủ từ với đầy đủ nhà vệ sinh, sân phơi, bếp núc... Tại phủ Tiên Hương, thủ nhà xây nhà ăn, phòng nghỉ, bếp đối diện với Cung cấp là khu vực tôn nghiêm nhất của di tích này.
Vào giờ ăn, du khách, người đi lễ vừa thắp hương khấn vái vừa phải ngửi mùi thức ăn từ nhà bếp bay ra, nghe được tiếng cười nói, chúc tụng từ nhà ăn vọng đến... Tại khu vực 1 của cả gần 20 di tích tại Phủ Dầy đều thành nơi sinh hoạt như vậy. Trong khi theo luật Di sản, nó “phải bảo vệ nghiêm ngặt nguyên trạng”.
Chợ cũng được kéo thẳng vào trong lòng các di tích. Ở hầu hết các di tích lớn trên địa bàn Nam Định, Thái Bình, di tích càng quý thì quy mô chợ càng lớn, càng đông vui. Tại di tích quốc gia đền Bảo Lộc (Mỹ Lộc, Nam Định), lãnh đạo UBND H.Mỹ Lộc cho biết đã xây dựng 21 ki ốt bán hàng ở bên ngoài đền và vận động các chủ ki ốt ra ngoài. Tuy nhiên họ đều quyết bám trụ để được bán hàng trong đền.
|
Bình luận (0)