Boris vượt Trường Sơn - Kỳ II

26/05/2009 13:22 GMT+7

(TNTT>) Chúng tôi bàn với Boris có lẽ trước khi làm phim, Boris nên thử vượt một vài đoạn Trường Sơn, như kiểu chúng tôi đã vượt hồi xưa, xem sao. Nghĩa là phải đeo một ba-lô khoảng 30kg gồm tăng võng chăn màn, quần áo, lương thực... Và cố gắng “ngày đi đêm nghỉ”, mỗi ngày vượt chừng 20km đường dốc núi, ban đêm mắc võng ở một khoảng rừng và ngủ cho biết thế nào là “đêm Trường Sơn”.

Được chứ, anh bạn? Boris lại cười: “Mang những 30kg mà leo dốc thì mệt lắm nhỉ. Nhưng tôi sẽ cố. Biết đâu, sau chuyến đi này, tôi trở thành một vận động viên leo núi có hạng ở... Pháp" (?) Chúng tôi cùng cười, và nâng ly lần thứ hai, chúc chàng trai Paris sẽ leo núi và làm được một phim cỡ... “ông già leo núi”. Boris ngớ ra: “Phim “ông già leo núi” là thế nào?” Thụy Kha và Trung Trung Đỉnh, hai người đã từng làm phim, giải thích: “Trong giới làm phim ở VN chúng tôi có câu hát: “Còn phim nước ta – Như ông già leo núi”, cũng là một cách tự trào ấy mà!” Bây giờ, khi đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa đang được xây dựng thành đại lộ Hồ Chí Minh, thì chỉ vài ba năm nữa, đi qua Trường Sơn không còn gì là khó khăn. Xe máy lạnh sẽ chạy tơi bời, và nước khoáng Thạch Bích, bia Heineken có thể “cùng anh suốt chặng đường dài”. Đi như thế thì sướng rồi, nhưng sướng quá có khi lại khó làm phim về Trường Sơn, hoặc phim làm xong lại “cất vô rương, mang đi gửi chùa Hương” thì cũng... gay. Ấy là chúng tôi tự nhủ mình, bởi cả tôi và Thụy Kha, Trung Trung Đỉnh đều đau đáu về những dự định Trường Sơn của mình. Một chàng trai Paris, tiến sĩ triết học như Boris mà còn quyết làm một phim về Trường Sơn, nữa là những người từng vượt Trường Sơn như chúng tôi.

Boris nói, điều anh muốn thể hiện nhất trong phim của mình không chỉ là một Trường Sơn hoành tráng, hùng vĩ, mà anh muốn đưa được những gương mặt những cảnh đời của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vào phim, những người mà theo anh, họ có một đời sống rất mạnh mẽ, một ý chí rất kiên cường để có thể vượt tiếp những “Trường Sơn của số phận” sau chiến tranh.

Tôi kể cho Boris nghe chuyện tôi và đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao vừa thực hiện một phim ngắn về số phận của 9 cô gái giao liên năm xưa ở “Trạm 9 cô” nổi tiếng trên Trường Sơn Đông. Với 9 cô giao liên ấy, Trường Sơn luôn đứng phía sau họ, sống trong họ qua suốt 25 năm hòa bình không ít khắc nghiệt, và cho tới bây giờ, vẫn là khoảng trời, cánh rừng và phần đời đáng nhớ nhất, nhiều xúc cảm nhất của họ. Dù đời họ chưa hề may mắn, và những gì họ đã vượt qua sau 25 năm hòa bình có thể khiến một người nhạy cảm như Boris phải lặng người khi nghe.

“em chờ gì mùa xuân
trong giấc mơ thấy lại ngày khổ sở
một Trường Sơn lần nữa
dựng trước em”( thơ tôi)

Tôi nói với Boris là những người đã vượt Trường Sơn, bây giờ thỉnh thoảng vẫn thấy lại cảnh núi rừng ngày xưa qua những giấc mơ. Thật khó tả cảm xúc sau những giấc mơ ấy.

Boris hỏi tôi, những ngày vượt Trường Sơn chúng tôi hay nói với nhau những gì, và chàng trai Pháp gốc Nga đã ngớ ra khi tôi kể anh nghe là dạo đó, nhất là sau khi bị sốt rét, đề tài mà chúng tôi, những chú lính Trường Sơn, hay nói nhất, nói say sưa nhất là những kỷ niệm về những món ăn ngon mà mình từng được ăn hồi ở nhà, ở quê. Mà chẳng phải những tiệc tùng gì, bởi chúng tôi có bao giờ được ăn tiệc, chỉ là những bữa cơm thường với những món rau dưa thường mà lúc bấy giờ, chợt hiện một cách cồn cào, da diết, khiến ta nhớ hơn cả nhớ... người yêu. Nói tới những món ăn, chúng tôi mới chợt nhớ mình đang ngồi ở quán NƯỚNG, và tất cả lại nâng ly lần thứ ba, chúc Boris sẽ yêu hơn Trường Sơn, yêu và hiểu hơn Việt Nam sau khi hoàn thành bộ phim đầu tay của mình về Trường Sơn. Chiều đầu đông ở Hà Nội mà cứ như chiều giữa thu. Một vạt nắng chợt sáng lên trong vườn cây, sao giống như màu nắng chúng tôi từng thấy giữa rừng già thuở nào...

9 năm sau

Boris đã có một phim ngắn nổi tiếng cả ở Việt Nam và Pháp, phim “ Những linh hồn phiêu dạt” về những người vợ liệt sĩ ở một vùng quê miền Bắc đi tìm mộ chồng tận Quảng Trị. Khi được công chiếu trên VTV1, bộ phim ngắn này đã gây xúc động ghê gớm cho hàng triệu người Việt Nam, và cũng gây cảm xúc không ít cho những người Pháp bình thường vì nó chạm tới phần nhân loại của những nỗi đau, phần không thể thoái thác của trách nhiệm và tình thương nơi con người.

Sau thành công của bộ phim này, Boris lại tiếp tục những “dự án Trường Sơn” của mình, và hiện anh đang cùng một đồng nghiệp Việt Nam thực hiện một bộ phim về cuộc sống đương đại của người Cà Dong( một nhánh của dân tộc Sê-Đăng) ở Nam Trà My (Quảng Nam). Đó cũng là một điểm của đường Trường Sơn Đông trong chiến tranh. Anh sẽ sống trong một gia đình người Cà Dong khoảng 2 tới 3 năm để thực hiện bộ phim này. Một cách làm phim vừa cẩn thận vừa đầy dâng hiến của một nghệ sĩ thứ thiệt. Như thế, suốt 9 năm nay, Trường Sơn luôn ở phía trước chàng thanh niên người Pháp như một kêu gọi một thôi thúc, Trường Sơn luôn sống trong tâm hồn và tư duy nghệ thuật của Boris như nỗi day dứt, như tình yêu và khúc nguyện cầu. Điều đó minh chứng cho sức sống và độ lan tỏa mãnh liệt của Trường Sơn, của đường mòn Hồ Chí Minh ở thế kỷ 21 này. Chúc Boris “vượt Trường Sơn” thành công!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.