Con đường giúp tôi “lột xác” chính mình đó là tự chủ động tìm đến với những phong trào tình nguyện của Đoàn.
Sinh viên không giỏi tiếng Anh sẽ rất chật vật khi đi xin việc làm - Ảnh: Lê Thanh |
Tôi bắt đầu với những chương trình tình nguyện như đón tàu thanh niên Đông Nam Á, SEA Games 22 hay APEC 2006, những chuyến đi đại diện sinh viên VN đến Nhật Bản hay Hàn Quốc. Những chương trình này giúp tôi vững vàng, tích lũy kinh nghiệm, khả năng tiếng Anh và sự giao tiếp ứng xử khéo léo, đó là chưa kể cho tôi sự hài hước cần thiết.
Chính vì vậy, nếu tôi là Bí thư Đoàn, tôi sẽ nghĩ ra nhiều cách để sinh viên thực sự hứng thú với những hoạt động do Đoàn tổ chức.
Đầu tiên là những buổi thuyết trình của những nhân vật thành công trong các mảng kinh doanh, kinh tế, kỹ thuật, xã hội. Tôi gọi đó là Câu chuyện thành đạt. Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, những người hiện giờ làm quản lý cho những tập đoàn lớn hay những chủ doanh nghiệp khi còn là sinh viên từng là những người rất lăn xả trong các hoạt động Đoàn.
Những câu chuyện chia sẻ của họ thông qua vòng quanh các trường đại học góp phần truyền cảm hứng không nhỏ giúp người trẻ thấy được tấm gương và học tập. Tôi từng có dịp tham gia những chương trình CEO Talk - những buổi chia sẻ của các nhà quản lý của các tập đoàn được tổ chức thường xuyên và thấy rất đông sinh viên đăng ký tham dự. Điều đó cho thấy nhu cầu là có thật và rất lớn.
Bớt hô hào khẩu hiệu mà thay vào đó làm những hình ảnh hoặc đoạn phim thiết thực. Tôi thích những hình ảnh hoặc đoạn phim thực tế từ Mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo hay những hoạt động vì cộng đồng được làm thành những đoạn phim chỉ 3 phút và phát trên mạng xã hội. Thậm chí, tôi muốn phát những chương trình này trên những ti vi LCD ngay thang máy hoặc kế bên bảng thông báo của Đoàn khoa. Những đoạn phim thế này có tác dụng hơn hàng ngàn câu khẩu hiệu, những bài học công dân được giảng giải ra rả trên giảng đường.
Ngày còn học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tôi rất thích một hoạt động của trường là hội trại dành cho sinh viên của các khoa. Sẽ thật tuyệt vời nếu sinh viên được trải nghiệm trong những môi trường thực tế, tự nhiên và buộc họ phải thích nghe để học được những kinh nghiệm sống cần thiết.
Bắt buộc mỗi sinh viên phải tham gia ít nhất một câu lạc bộ (CLB). Ở đây không còn là tự nguyện mà bắt buộc. Tôi rất thích các trường đại học nước ngoài khi họ bắt sinh viên năm nhất phải chọn cho mình một CLB tham gia. Đó có thể là CLB tiếng Anh, CLB sức khỏe hay CLB kỹ năng. Sinh viên nào không tham gia thì sẽ không được tốt nghiệp. Sinh viên nào tham gia nhiều CLB và tích cực thì sẽ được xem xét đánh giá hoạt động ngoại khóa tốt, tiền đề gửi đến nhà tuyển dụng.
Bạn trẻ được khuyến khích tham gia bất kỳ loại hình nghệ thuật hay thể loại âm nhạc nào các bạn yêu thích, không bắt buộc chỉ là các ca khúc truyền thống cách mạng. Càng sáng tạo càng tốt, càng gần gũi với những mô típ truyền hình thực tế trên truyền hình càng hay. Quan trọng ở sân chơi này là khuyến khích sự sáng tạo của các bạn trẻ, giúp các bạn tự tin thể hiện mình.
Tất cả các sinh viên đều phải nói, nghe và hiểu được tiếng Anh. Đất nước chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng trên thế giới, vì thế tiêu chí này cần phải bắt buộc. Để giúp sinh viên trong việc này, nhà trường mỗi tuần sẽ thực hiện các buổi chiếu phim tiếng Anh hoặc học ca khúc qua tiếng Anh. Những buổi tiếp cận mang tính giải trí sẽ có ích cho những bài giảng tiếng Anh của thầy cô và tạo hứng thú cho sinh viên. Sinh viên nào không giỏi tiếng Anh sẽ rất chật vật sau này khi đi xin việc làm.
Những chia sẻ trên chỉ là những gợi ý nếu tôi là Bí thư Đoàn. Tôi biết sẽ cần thời gian và kinh phí để làm những việc này. Nhưng nếu không thay đổi thì cho dù có hiến kế thế nào thì sinh viên cũng sẽ mãi thờ ơ với hoạt động Đoàn. Vốn dĩ vấn đề muốn sinh viên tham gia thì phải tạo cho họ niềm đam mê yêu thích, sáng tạo trong cách tổ chức và những lợi ích họ sẽ thấy được khi tham gia những hoạt động này.
Hãy dọn những món ăn thật ngon trên một mâm cỗ, nó sẽ kích thích khẩu vị của thực khách. Còn việc họ ăn nhiều hay ít, họ ăn món gì là tùy họ. Chúng ta cứ làm tốt việc chế biến của mình, tôi nghĩ sẽ mời được nhiều người nếm thử.
“Nếu tôi là Bí thư Đoàn”
Năm 2016, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bước vào tuổi 85, trong khuôn khổ ấy, Báo Thanh Niên mở cuộc thi viết “Nếu tôi là Bí thư Đoàn” đồng thời tạo ra diễn đàn cùng tên với cuộc thi viết này nhằm tranh thủ các ý kiến khác nhau để bật ra những vấn đề thiết thực của người trẻ đối với Đoàn.
Báo Thanh Niên mong nhận được góp ý, hiến kế đề ra những chính sách, giải pháp để khơi bật sức mạnh của giới trẻ, cống hiến cho đất nước, hướng thanh niên nhận ra và xây dựng giá trị bản thân, lập thân lập nghiệp, chiếm lĩnh đỉnh cao của trí thức... đồng thời qua diễn đàn, Báo Thanh Niên sẽ mong nhận được ý kiến loại bỏ những biểu hiện trì trệ, già cỗi ngay chính trong tổ chức Đoàn...
Với mục tiêu đó, diễn đàn “Nếu tôi là Bí thư Đoàn” hy vọng nhận được nhiều ý kiến tham gia để xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn luôn trẻ trung, sáng tạo, xứng đáng là tổ chức tiên phong của thanh niên cả nước.
Đối tượng tham gia cuộc thi là thanh niên VN. Thời gian từ ngày 1.3 đến ngày 20.4, cụ thể như sau: Bài dự thi có số lượng khoảng 1.000 chữ, có thể đánh máy (gửi về [email protected])
Cơ cấu giải thưởng:
+ 1 giải nhất: 10 triệu đồng và giấy khen của Tổng biên tập Báo Thanh Niên.
+ 2 giải nhì: 5 triệu đồng/giải và giấy khen của Tổng biên tập Báo Thanh Niên.
+ 2 giải ba: 3 triệu đồng/giải và giấy khen của Tổng biên tập Báo Thanh Niên.
+ 5 giải khuyến khích: 1 triệu đồng/giải và giấy khen của Tổng biên tập Báo Thanh Niên.
Ngoài ra, các bài được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của Báo Thanh Niên. Dự kiến thời gian trao giải vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30.4.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)