BOT Xa lộ Hà Nội sắp thu phí, giá vé bao nhiêu?

19/03/2021 09:39 GMT+7

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có kết luận về phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1.

Giảm 10% giá vé do Covid-19

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất thời điểm dự kiến thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ Ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) là ngày 1.4, tối thiểu sau 10 ngày UBND TP ban hành mức giá tối đa.
Sau một năm thực hiện, UBND TP sẽ chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) và doanh nghiệp dự án (Công ty CP đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội) chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật số liệu phương tiện thực tế, so sánh phương án giá được duyệt. Từ đó, đề xuất UBND TP xem xét, điều chỉnh mức giá tối đa phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và nhà đầu tư, tính khả thi trong việc hoàn vốn cho toàn dự án.
Theo Quyết định mới nhất của UBND TP, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện lưu thông qua trạm BOT Xa lộ Hà Nội như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn giá vé là 28.000 đồng/vé/lượt; Xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 - dưới 4 tấn: 42.000 đồng/vé/lượt; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 - dưới 10 tấn: 55.000 đồng/vé/lượt; Xe tải có tải trọng từ 10 - dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 ft: giá vé 110.000 đồng/vé/lượt; Đối với xe tải có tải trọng trên 18 tấn, xe chở hàng bằng container 40 ft: giá vé là 155.000 đồng/vé/lượt.
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá vé đã được UBND TP.HCM điều chỉnh giảm 10% trong năm đầu tiên (từ 0 giờ ngày 1.4.2021 - 24 giờ ngày 31.3.2022), tức từ 25.000 đồng - 140.000 đồng tương ứng với từng loại phương tiện.

Công ty bắt đầu bán vé tháng, vé quý từ ngày 25.3.

Ngoài 11 đối tượng được miễn thu vé sử dụng dịch vụ đường bộ tương tự quy định của Thông tư số 35 ban hành ngày 15.11.2016 của Bộ GTVT, TP.HCM còn chấp thuận giảm 100% giá vé đối với các loại xe buýt có tuyến cố định lưu thông qua trạm Xa lộ Hà Nội để khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng và giảm 50% giá vé cho ô tô dưới 12 ghế không sử dụng để kinh doanh của các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú (hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng trước ngày trạm thu phí Xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động) trên mặt đường 2 tuyến đường song hành của trục Xa lộ Hà Nội, bao gồm cả các hộ dân sống trên các chung cư trên mặt đường song hành.
Hiện nay, UBND 11 phường của TP. Thủ Đức đang thống kê danh sách các chủ phương tiện thuộc diện được giảm 50% mức thu và sẽ phối hợp với doanh nghiệp dự án dán thẻ ETC cho các chủ phương tiện này trong 3 ngày 20, 21 và 22.3 tại các UBND Phường và tại các chung cư.

Hơn 1 thập kỷ lận đận

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7 km, từ chân cầu Sài Gòn (quận 2 cũ) đến nút giao thông Tân Vạn (tiếp giáp dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới) khởi công vào năm 2010. Theo quy hoạch, mặt cắt ngang của tuyến được UBND TP quy hoạch rộng 113,5 m và 153,51 m; quy mô từ 14 - 20 làn xe. Dự án gồm 3 đoạn: Từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km); Từ nút Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (dài 5,3 km) và từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn (dài 4,2 km).
Các hạng mục xây dựng chính gồm nâng cấp, mở rộng trục đường chính từ 23 m lên thành 48 m, 41 m, 34 m (theo từng đoạn đường); Xây dựng mới 2 đường song hành hai bên đường chính, mỗi đường rộng trung bình 12 m; Xây dựng mới hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè 2 bên đường và các hạng mục khác như hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh trên dải phân cách và duy tu cầu đường trong thời gian chờ thu phí.
Theo quy định trong Phụ lục Hợp đồng BOT, dự án bắt đầu thu phí từ ngày 1.10.2008. Thế nhưng đã 14 năm trôi qua, đến nay doanh nghiệp mới chính thức được thu phí hoàn vốn dù đã hoàn thành 100% trục đường chính, nâng cấp, rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương) cho xe lưu thông, hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái, tạo ra một tuyến đường rộng, đẹp, có dải phân cách và cây xanh dọc tuyến.
Phía chủ đầu tư cho biết nguyên nhân hai đường song hành chưa hoàn thành 100% do TP chưa bàn giao mặt bằng và bị chồng ranh với một số dự án khác như tuyến metro số 1, dự án vệ sinh môi trường TP, giai đoạn 2 và dự án tuyến ống truyền dẫn nước sạch D2400mm từ ngã tư Bình Thái - cầu Điện Biên Phủ. Do vậy, đường song hành 2 bên phải ngưng thi công để nhường cho 3 dự án này hoàn thành mới được làm để tránh bị đào xới nhiều lần, trùng lặp.

Công ty rửa mặt đường và dải phân cách tối 18.3

Với việc đã thi công trên tất cả mặt bằng được nhận bàn giao, toàn bộ trục chính từ cầu Sài Gòn đến nút Đại học Quốc Gia đã được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, UBND TP khẳng định nhà Đầu tư đã đáp ứng đủ điều kiện thu phí theo yêu cầu tại Khoản 5.2.2 của Điều 5 của Phụ lục Hợp đồng BOT và Khoản 1 Điều 65 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64 của Quốc hội.
 
Theo báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà Nước, tính đến 31.12.2018, tổng chi phí đã đầu tư cho dự án được xác định là 3.016 tỉ đồng. Theo báo cáo của Nhà đầu tư, tính đến 31.12.2020, do phát sinh thêm chi phí xây dựng cơ bản, chi phí duy tu, và chi phi vốn trong 2 năm 2019 - 2020, nên tổng chi phí thực tế đã đầu tư lên đến 4.085 tỉ đồng. Đồng thời, Nhà đầu tư đã lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị thu phí tự động cho 8/16 làn thu phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.