Bphone có xứng đáng là sản phẩm trí tuệ của người Việt ?

30/05/2015 14:14 GMT+7

(TNO) Để hiểu được việc này bạn cần nhiều kiến thức về Hardware Business (lĩnh vực phần cứng) hơn một người bình thường (thậm chí là kỹ sư phần mềm) biết.

(TNO) Để hiểu được việc này bạn cần nhiều kiến thức về Hardware Business (lĩnh vực phần cứng) hơn một người bình thường (thậm chí là kỹ sư phần mềm) biết.

CEO Nguyễn Tử Quảng khi giới thiệu chiếc Bphone vào hôm 26.5 - Ảnh: T.Luân
Có thể hiểu đơn giản, một chiếc điện thoại được làm từ rất nhiều linh kiện điện tử (component) và chip. Vấn đề là các linh kiện và chip chỉ bán số lượng lớn cho các nhà sản xuất. Lý do thì rất đơn giản, bất kỳ một anh kỹ sư phần cứng nào cũng có thể ngồi nhà vẽ ra cái mạch gồm nhiều linh kiện để làm ra một chiếc điện thoại, nếu các công ty chip hoặc linh kiện làm việc với mọi người thì sẽ khó khả thi để nhận được sự hỗ trợ tốt. Ngược lại, sau khi thiết kế xong sản phẩm thì nhóm thiết kế sẽ phải có hợp đồng với hàng nghìn nhà cung cấp của hàng nghìn linh kiện khác nhau nhưng cũng khó khả thi để làm được điều này. Do đó, để có được linh kiện, bạn phải là “qualified manufacturer” (nhà sản xuất có uy tín).

Nhiệm vụ của các nhà sản xuất này là làm việc với các công ty về sản phẩm, thống kê số lượng linh kiện và ký hợp đồng với các nhà cung cấp. Ngoài ra, mỗi con chip làm ra đều phải có “reference design” (thiết kế tham khảo), nghĩa là một hướng dẫn về bản mạch cụ thể sẽ đảm bảo chạy được con chip đó. Cách phân phối chip trong lĩnh vực phần cứng cũng giống như linh kiện, chỉ phân phối qua các nhà sản xuất đã được chứng nhận.

Để trở thành các “qualified manufacturer”, bạn cần phải có rất nhiều thứ như đội ngũ kỹ sư giỏi, ít nhất 10 năm trong ngành với cơ sở hạ tầng đủ tiêu chuẩn, sản lượng phải cao đủ... Chẳng hạn một bộ vi xử lý (có thể coi là chip đắt nhất trong chiếc điện thoại) có giá từ 10-12 USD, các linh kiện thì tính bằng cent, thì một công ty thiết kế chip phải bán bao nhiêu cái để có doanh thu hàng tỉ USD? Chính vì vậy không phải nhà sản xuất nào cũng đủ khả năng để được phân phối các linh kiện.

Quá trình 15 năm qua là quá trình xuống dốc của các công ty công nghệ, khi tỷ lệ lợi nhuận trong chip và linh kiện ngày càng giảm đi, do giá thành giảm và công nghệ tăng với tốc độ chóng mặt. Việc này dẫn đến lợi nhuận của các công ty sản xuất cũng giảm đi liên tục và còn lại rất ít, rất nhiều công ty phần cứng hàng đầu thế giới đã biến mất chỉ trong 5-10 năm.

Điều đó đã bắt buộc các công ty phần cứng và các nhà sản xuất phải tối đa hóa cách làm việc, không thể hỗ trợ từng sản phẩm được nữa. Do vậy, các nhà sản xuất bắt buộc phải nhảy vào làm thiết kế, đặc biệt là cho các sản phẩm phổ biến (smartphone, đồng hồ, smartwatch...). Họ phải làm thế để tối thiểu các loại linh kiện đồng thời tối đa hóa số lượng của mỗi loại linh kiện để có giá rẻ nhất còn cạnh tranh.

Hiện tại, các công ty làm thương hiệu cho các sản phẩm phổ biến đều phải chọn một nhà sản xuất và chọn một trong những sản phẩm họ đã thiết kế sẵn. Sau đó thì chọn vật liệu trong danh mục nhà sản xuất đó có. Thường thì cũng không nhiều lựa chọn lắm vì một khi đã chọn bảng mạch chính, bạn chỉ có một danh sách ngắn của các nhà sản xuất dùng chip đó. Đến khi đưa số lượng vào nữa thì đôi lúc sự lựa chọn chỉ là một hoặc hai nhà sản xuất. Sau khi lựa chọn phần công nghệ xong, thì bạn phải chọn hình dáng của sản phẩm ra sao.

Cái này cũng rất hạn chế do các nhà sản xuất đã thiết lập sẵn dây chuyền của họ theo cách phải làm sao bớt thao tác thủ công nhất, nếu thay đổi nhiều họ sẽ phải thay đổi cài đặt, đặc biệt là phải thay đổi khuôn và có thể dẫn đến giá thành đội lên kinh khủng.

Sau khi chọn xong, bạn có thể trả một số tiền cho nhà sản xuất để sở hữu thiết đó độc quyền. Đây chính là cách các nhà sản xuất lấy lại tiền đầu tư thiết kế sản phẩm trước. Số tiền này có thể lên đến cả 100.000 USD cho toàn bộ thiết kế hoặc chỉ 10.000 USD nếu chỉ sở hữu kiểu dáng thiết kế.

Đối với trường hợp của Bkav, đây là lần đầu tiên hãng tham gia vào lĩnh vực phần cứng đầy mới mẻ này, vì thế cái duy nhất họ có thể làm là đến một “qualified manufacturer” và chọn một trong những sản phẩm đã được thiết kế sẵn. Cái này đã bao gồm việc sử dụng công nghệ gì, từ máy ảnh đến xạc pin, hệ điều hành... và việc làm này cũng là cách duy nhất để sản phẩm không bị giá thành gấp đôi gấp ba so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, với thiết kế trên Bphone thì PCB (bảng mạch in) phải ít nhất 10 lớp, nhưng tại Việt Nam các nhà sản xuất PCB chỉ mới làm 4 lớp còn chưa được, tấm chắn và dộ dày cũng như vật liệu không chuẩn nên chất lượng PCB rất thấp. Một số nhà sản xuất lớn có giá trị hàng tỉ USD như Anam Electronics Hàn Quốc (sản xuất 100% dàn máy cho Yamaha, Denon... tại Việt Nam) vẫn phải làm PCB ở nước ngoài rồi mới nhập vào nhà máy ở Việt Nam lắp ráp linh kiện.
Giao diện nền tảng BOS đang được dùng trên Bphone - Ảnh: T.Luân
Việc Bkav đang làm hiện nay không khác gì so với việc FPT và Viettel đã làm trước đây khi hai công ty này đưa ra thị trường những dòng điện thoại mang thương hiệu Việt. Lúc đó tôi không thấy ai nói đến “tự hào sản phẩm trí tuệ Việt” trong khi thực chất FPT với Viettel mới là người đi đầu trong các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt. Cái khác duy nhất là hồi cách đây 10 năm, các “qualified manufacturer” chưa có nhà máy ở Việt Nam, tất cả đều đặt ở Trung Quốc.

Bây giờ thì đã khác nhiều vì 10 năm vừa qua, Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ và rất nhiều các “qualified manufacturer” đã mở nhà máy ở Việt Nam. Chính vì vậy, nếu bây giờ FPT và Viettel có làm điện thoại thương hiệu Việt thì nó cũng sẽ là “made in Vietnam” y như Bkav thôi. Cái việc “made in ở đâu” không quan trọng mà cái việc “design bởi ai” mới là cái chính.

Tôi cũng vẫn ủng hộ việc Bkav tung ra điện thoại thương hiệu Việt nhưng các bạn "yêu nước mù quáng" chửi những người "ném đá" là "ghen ăn tức ở, dìm hàng tập thể" cần phải hiểu những người làm công nghệ chân chính như chúng tôi không đồng tình cái gì. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ việc chúng ta tạo ra các thương hiệu Việt, tận dụng sự thay đổi của Hardware Business thời nay để tạo ra các sản phẩm mang đúng nghĩa thương hiệu Việt. Việc này rất tốt cho dù chúng “made in ở đâu” và bất kể thế nào, chúng ta cũng nên mua các sản phẩm như thế này nếu phù hợp. Thế nhưng đừng đánh lừa công chúng là các bạn tự làm ra sản phẩm đó và đưa nó lên là đại diện cho ngành công nghệ Việt Nam làm được.

Chúng tôi, những người làm công nghệ chân chính có thể chưa làm được nhiều nhưng không đồng tình với việc nhận chất xám của người khác là chất xám của mình. Người Việt Nam hãy tự trọng không ăn cắp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.