Dù Brazil 2014 mang lại 171 bàn thắng, bằng kỷ lục của France’98, nhưng tôi vẫn cho rằng đây là một kỳ World Cup chỉ hay ở vòng ngoài, càng vào sâu càng kém hấp dẫn.
|
Thật ra, con số 171 bàn của lần này là con số biết... nói dối. “Nói dối” là vì nếu chỉ tính trong 90 phút, trong khi từ vòng knock-out cho đến trận chung kết ở France’98 có đến 44 bàn và Nam Phi 2010 có 42 bàn thắng thì Brazil 2014 chỉ có... 28 bàn, và tổng cộng chỉ có 35 bàn nếu tính luôn 7 trận có hai hiệp phụ (thêm 210 phút - tương đương gần 2 trận rưỡi)! Điều đó chứng minh rằng, một khi vòng knock-out ít bàn thắng thì khó có kịch tính và tạo ra được sự hấp dẫn. Chẳng ai muốn kịch tính kiểu hòa nhau 0-0 trong 90 phút để rồi bàn thắng quyết định đến ở những phút cuối cùng ở hai hiệp phụ như trận chung kết Đức - Argentina hoặc Argentina - Thụy Sĩ (vòng 1/8), thậm chí 120 phút rồi đưa nhau ra chấm 11 m (Hà Lan 2 trận gặp Costa Rica và Argentina), hoặc có bàn thắng thật sớm rồi... nghỉ, giữ tỷ số như Đức - Pháp và Argentina - Bỉ (đều 1-0 ở tứ kết).
Hơn nữa, trong 16 trận đá knock-out, chẳng có trận nào tạo ra kịch tính từ những cuộc lội ngược dòng, thậm chí còn không có rượt đuổi về tỷ số. Các trận kết thúc với tỷ số 2-1 như Brazil - Colombia (tứ kết), Đức - Algeria, Bỉ - Mỹ (vòng 1/8) đều có diễn biến đội thắng dẫn 2-0 và đội thua gỡ lại ở những giây phút cuối cùng. Tôi tưởng tượng, nếu Đức chỉ thắng Brazil bằng tỷ số của một trận bóng đá bình thường thì đây sẽ là một vòng knock-out thảm họa về mặt làm thỏa mãn niềm hạnh phúc được chứng kiến bàn thắng của người hâm mộ bóng đá toàn cầu.
Để lý giải cho những con số “nói dối” này, người xem bóng đá bình thường cũng có thể thấy được nhịp độ các trận đấu tại giải lần này diễn ra rất chậm. Có thể một phần vì thời tiết quá nóng khiến cầu thủ lừ đừ, thi đấu với tâm trạng dành sức. Phần khác, chiến thuật phản công lên ngôi, được ngay cả những đội mạnh nhất giải như Đức, Argentina, Hà Lan, Bỉ áp dụng thì chẳng thể trông mong vào những trận đấu... điên cuồng! Lúc đó, người hâm mộ chỉ còn chờ bàn thắng và những trận đấu có tính giải trí cao ở vài trận đấu “mở” với sự góp mặt của các đội bóng châu Phi như Ghana gặp Đức (2-2), Nigeria gặp Argentina (2-3), Algeria gặp Hàn Quốc (4-2).
Brazil 2014 không thể thành “hoa hậu” là vậy, bởi chỉ nổi bật phần nào ở vòng ngoài và không thật thuyết phục ở vòng knock-out.
Lý Chánh
>> Cựu danh thủ Cafu: World Cup khó nhất của tuyển Brazil
>> Tuyển Brazil và nỗi lo hàng thủ
Bình luận (0)