Theo CNET, động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn cản thương vụ mua lại Qualcomm trị giá 117 tỉ USD từ Broadcom. Qualcomm hiện là nhà sản xuất chip cho smartphone lớn nhất thế giới.
Với việc mở trụ sở mới tại Mỹ, Broadcom muốn tạo nền tảng để hoàn tất dễ dàng hơn các thương vụ mua lại công ty tại đây. Trong thực tế, gã khổng lồ sản xuất chip này có hoạt động ở Mỹ trước đây, tuy nhiên hãng đã dời “nơi cư trú” sang Singapore vào năm 2016 sau khi Broadcom sáp nhập với Avago.
Kế hoạch di dời trụ sở được Broadcom công bố vào tháng 11 năm ngoái, và công ty dự kiến hoàn tất việc trở lại Mỹ vào ngày 4.4. Nó sẽ mở đường cho Broadcom mua các công ty Mỹ vì thoát khỏi ảnh hưởng đến từ Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS) - vốn có trách nhiệm xem xét giao dịch giữa các công ty nước ngoài và Mỹ.
Sự can thiệp của CIFIUS đã dẫn đến việc ông Trump chặn hợp đồng Broadcom-Qualcomm do các mối quan ngại về an ninh. Trong thương vụ này, CFIUS giải thích rằng điều này sẽ giảm sự cạnh tranh công nghệ lâu dài của Qualcomm và ảnh hưởng trong việc thiết lập tiêu chuẩn, dẫn đến ảnh hưởng đáng kể đến an ninh quốc gia Mỹ.
Broadcom đã chính thức rút lại đề nghị của mình hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ ký lệnh cấm. Nếu thương vụ được thông qua, việc tiếp quản của Broadcom sẽ trở thành một trong những thương vụ mua lại công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Bình luận (0)