Phát hành từ ngày 28/9/2004 (theo Amazon.com), cho đến nay Room service vẫn chưa được bàn tán nhiều (phần lời vẫn chưa được nhập vào các trang web cung cấp lời) ngẫm cũng hơi lạ so với một tên tuổi như Bryan Adams. Tra lại lịch phát hành mới vỡ lẽ Room service vẫn chưa xâm nhập thị trường âm nhạc lớn nhất là nước Mỹ (mãi đến đầu năm 2005 mới chính thức tung ra tại đây), dân Mỹ muốn nghe vẫn phải mua dưới dạng "nhập khẩu" từ Canada (tung ra ngày 21/9), châu u (ngày 20/9), châu Á và Úc (cuối tháng 9). Ngày 21/10 vừa qua, Bryan bắt đầu chuyến lưu diễn ở Anh để lăng-xê đĩa nhạc này, trong đó đáng chú ý là 2 buổi diễn ngày 29 và 30/10 tại sân Wembley. Một sự nghiệp 25 năm khá tất bật của chàng rocker người Canada từng đến Việt Nam... Bài hát trùng tên với album mới này viết về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ khi đi lưu diễn: "Tôi lưu diễn gần như suốt cuộc đời, đi vòng quanh thế giới cả ngàn lần nhưng một tiếng gõ nhẹ trên cửa vẫn làm tôi hồi hộp, tôi cứ nghĩ sẽ được thấy em đứng trước cửa nhưng không, chỉ là người phục vụ phòng" (I've been on the road nearly all my life/Been around the world 'bout a thousand times/Still a knock on the door makes me nervous/I think I'll see you standing there-but no/It's only room service).
Sở dĩ mang tên Room service vì Bryan Adams đã ghi âm album ở phòng khách sạn và sau sàn diễn trong chuyến lưu diễn ở châu u trong vòng 2 năm qua, thậm chí trên bìa đĩa còn liệt kê ra tên những khách sạn Bryan đã trọ và ghi âm. Đây là album studio thứ 11 của Bryan, đã 6 năm từ album studio cuối On a day like today, 2 năm kể từ đĩa nhạc phim Spirit: Stallion of the Cimarron (LTNT có giới thiệu), một khoảng thời gian đủ để có rất nhiều biến đổi trong thị trường âm nhạc hiện nay. Sự có mặt của Bryan trong thời gian đó lại ở các dòng nhạc lạ như song ca với Mel C của Spice Girls bản When you're gone, góp giọng với Chicane trong bài Don't give up (hạng 3 Top nhạc dance đầu năm 2000), bài Heaven quen thuộc của anh được DJ Sammy mix lại cực kỳ thành công năm 2002.
Khác với các album trước đây, đồng sự lâu năm của Bryan là Robert "Mutt" Lange, ông xã của Shania Twain, chỉ đồng sáng tác và sản xuất một bài duy nhất (Flying), đây cũng là bài ballad sáng giá của album này, mở đầu với tiếng đàn thùng. Bài ballad khác là I was only dreaming có sự cộng tác của nhạc trưởng Michael Kamen vừa mới mất năm ngoái, tiếng đàn dây và kèn oboe đã nâng bài này lên rất nhiều. Nội dung album có vẻ gần gũi và hiện thực hơn, không còn All for love quá lãng mạn mà là Not Romeo not Juliet, một chuyện tình với nhiều khiếm khuyết, không phải Romeo cũng chẳng Juliet. Đĩa đơn đầu Open road nói về sự thất vọng trong cuộc sống, tương tự là This side of paradise. Một bản nhạc hay là Nowhere fast, nhẹ nhàng với giai điệu đáng nhớ, tuy rằng không thật đặc sắc. Điều đáng phàn nàn nhất, theo hầu hết các fan, là album này ngắn quá, chỉ có 37 phút, gồm 11 bài trong đó chỉ có Flying là dài hơn 4 phút. Nhưng như Darryl Sterdan của Winnipeg Sun nhận xét, những bài hát trong Room service giống như những căn phòng ở khách sạn đắt tiền: đẹp, mời gọi, thoải mái, dễ chịu, mau chóng quen thuộc; mặt khác là giống nhau, có thể thay thế cho nhau mà không hề ảnh hưởng gì, có thể đoán trước sẽ có những gì, vì vậy đâm ra hơi nhạt nhẽo. Room service đã có mặt tại thị trường Việt Nam dưới dạng đĩa Trung Quốc, được gộp chung với album On a day like today để thành đĩa đôi giá khoảng 45.000đ.
Trí Quyền
Bình luận (0)