Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất thai nghén và hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhất là giai đoạn 2005 - 2009, khi nhà máy được tiến hành xây dựng, chạy thử và sản xuất ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên.
Top đầu của doanh nghiệp cả nước
Giữa năm 2008, Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (tiền thân của Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR ngày nay) được thành lập để tiếp nhận, quản lý, vận hành NMLD Dung Quất, có thể xem đây là sự đánh dấu bước chuyển mình mới đầu tiên của ngành dầu khí: Petrovietnam đã hoàn thiện chuỗi giá trị từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển đến chế biến dầu khí. BSR tự hào vì điều đó, với đủ 5 lĩnh vực của Petrovietnam: Thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Trong chặng đường phát triển không ngừng của mình, BSR đã sớm trở thành doanh nghiệp hàng đầu, trọng điểm kinh tế của miền Trung - Tây nguyên. NMLD Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn/năm và trải qua 15 năm, NMLD đã sản xuất trên 89,2 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại; tổng doanh thu hơn 1,53 triệu tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 216.000 tỉ đồng, có lợi nhuận sau thuế đạt 48,4 nghìn tỉ đồng.
BSR đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất kinh doanh năm 2023: Ước hết tháng 11.2023, công ty sản xuất hơn 6,7 triệu tấn sản phẩm, đạt 131% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt hơn 134.271 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 15.349 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt xa kế hoạch đề ra.
Sự phát triển trên của BSR đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của Petrovietnam, là doanh nghiệp trong nhóm đầu có đóng góp quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Petrovietnam và nộp ngân sách Nhà nước.
Ngày 17.11 vừa qua, Công ty CP báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo Vietnamnet công bố bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023. Theo đó, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp được công bố: Samsung Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và BSR.
Nền tảng của trung tâm lọc hóa dầu ở Dung Quất
Có thể khẳng định, BSR là doanh nghiệp chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi. Tại hội thảo "Đánh giá tác động của NMLD Dung Quất tới kinh tế tỉnh Quảng Ngãi", các chuyên gia đến từ Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ nhìn nhận, NMLD Dung Quất đã có 6 tác động lớn đến tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung như: Phát triển kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển liên kết ngành, liên kết vùng; tác động trong các lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ, logistics, vận tải hàng hóa - kinh tế biển, công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ gắn với các sản phẩm lọc hóa dầu; thu hút đầu tư trong nước; thu hút đầu tư nước ngoài.
NMLD Dung Quất có vai trò đặc biệt quan trọng trong bước phát triển mạnh mẽ của Khu kinh tế Dung Quất. Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi hiện có khoảng 350 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 380.400 tỉ đồng, trong đó có 54 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,9 tỉ USD và 296 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 337.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Ở đây, NMLD Dung Quất là doanh nghiệp hàng đầu thành cực nam châm tăng trưởng cho kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và thu hút đầu tư.
Cơ sở sẵn có của NMLD Dung Quất chính là nền tảng để Nhà nước đầu tư các dịch vụ logistic phục vụ kinh tế như cảng nước sâu, cảng hàng không. Cảng Dung Quất hiện đang là cảng có lợi thế rất lớn do có đê chắn sóng của NMLD Dung Quất dài 1,6 km chắn gió, chắn sóng tạo cho vịnh Dung Quất an toàn cho hoạt động tàu thuyền. Tương lai không xa, đây sẽ trở thành cảng hàng hóa vận tải than, thép, xăng dầu lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, khi Dung Quất được chọn là trung tâm lọc hóa dầu hàng đầu của đất nước, Chính phủ đã giao cho nhiệm vụ là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần tự chủ nguồn cung xăng dầu và nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu cho đất nước. Qua thời gian, NMLD Dung Quất đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển KT-XH của Quảng Ngãi nói riêng, cho miền Trung và cả nước nói chung.
Ngày 3.11.2022, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng cho bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, đã đặt ra nhiệm vụ "Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất". Đây thật sự là đòn bẩy mới để kinh tế Quảng Ngãi đi lên, với hạt nhân là NMLD Dung Quất.
Bình luận (0)