“Hút view” từ bữa cơm siêu rẻ
Những ngày qua, tài khoản TikTok đăng tải các video kèm thuyết minh về cách cô chế biến mỗi bữa cơm chỉ với 5.000, 8.000 hay 14.000 đồng dành cho 4 - 6 người ăn. Video thể hiện những món ăn đơn giản như một ít bí hoặc rau và một ít thịt heo. Trong một đoạn video, cô gái khẳng định: “Bốn người ăn vô tư nha mọi người”.
Những bữa cơm siêu rẻ làm dậy sóng mạng xã hội |
ảnh chụp màn hình |
Trung bình mỗi video trên kênh TikTok này thu hút hàng chục ngàn lượt thích và hàng ngàn lượt bình luận. Thậm chí, có video clip thu hút đến hàng triệu lượt xem.
Làm clip cho vui nhưng ăn thật
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Phượng (35 tuổi, ngụ P.Bình Trị Đông, TP.HCM), chủ nhân kênh TikTok, cho biết chỉ làm video với mục đích giải trí, quay lại quá trình chế biến những món ăn đơn giản, siêu tiết kiệm của mình.
“Trước đây, tôi vô tình chứng kiến cảnh một gia đình của một người quen ăn uống kham khổ, chỉ cơm với nước mắm và họ chỉ cần ăn no là đủ. Lúc đó, tôi thấy rất giống hoàn cảnh gia đình mình lúc nhỏ. Từ đó, tôi làm những video chia sẻ cách làm bữa ăn với chi phí tiết kiệm tối đa cho mọi người tham khảo”, chị Phượng nói.
Video đầu tiên thể hiện cách chế biến bữa cơm với chỉ 15.000 đồng, gồm món cá kho và dưa leo ăn kèm. Phượng khẳng định chị đã ra chợ dùng đúng số tiền như nêu trong video để mua thực phẩm. Chị cùng chồng và đứa con đã dùng những bữa cơm siêu tiết kiệm này.
Một trong những cảnh đi chợ mua thịt của chị Phượng |
ảnh chụp màn hình |
Chị Phượng cho rằng đây chỉ là những bữa ăn đặc thù của những người khó khăn, đồng thời khẳng định việc làm video không nhằm mục đích “câu view”. Tuy nhiên, không ít người tranh cãi, lên tiếng chỉ trích chị Phượng trên mạng xã hội.
Nhận xét về vấn đề này, Hoa Bích Châu (25 tuổi, nhân viên kế toán làm việc tại Q.3, TP.HCM) cho rằng việc nấu hay ăn thế nào là quyền của mỗi người.
"Người ăn ít, ăn nhiều đều tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của từng cá nhân. Tuy nhiên, nếu xét về mặt vật chất thì bữa ăn trong các video rất khiêm tốn, chỉ đủ cho một người trong một bữa cơm. Nếu nhiều người ăn hơn thì phải tăng thêm số lượng thức ăn. Tôi nghĩ rằng nếu ăn như vậy về lâu dài thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe", chị Châu nhận xét.
Còn Bùi Hoàng Long, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bày tỏ: “Thực tế thì những bữa cơm như vậy không xa lạ gì với sinh viên, nhất là những sinh viên khó khăn".
"Khi nhìn những hình ảnh như vậy, tôi thật sự đồng cảm vì đôi lúc hết tiền tôi cũng ăn như vậy. Ăn ít thịt và nhiều cơm là tiêu chí của nhiều thế hệ sinh viên rồi. Khi nhìn vào tôi thấy sự đồng cảm hơn là chê trách keo kiệt vì bữa cơm với giá quá rẻ như vậy”, Hoàng Long chia sẻ.
Bình luận (0)