'Bùa' nước muối thành... nước mắm cá cơm: Quản lý lỏng lẻo hay ‘bảo kê’?

17/06/2016 09:02 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi như vậy sau khi đọc bài “Bùa” nước muối thành... nước mắm cá cơm đăng trên Thanh Niên ngày 16.6.

Làm ăn thất đức!
Tôi không hiểu sao lại có những kẻ đang tâm hại đồng loại mình như vậy. Trộn nước với hóa chất thành ra nước mắm bán cho người lao động nghèo thì thật là một kiểu làm ăn thất đức. Trong suốt 3 năm ông Hùng bán loại nước mắm này, có biết bao gia đình đã sử dụng mà họ không biết rằng đang ăn hóa chất vào người. Những kiểu kinh doanh của các cơ sở như vậy cần phải bị xử lý hình sự, không thể dung thứ.
Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Sao không đóng cửa?
Cần làm rõ chính quyền và các cơ quan y tế, công an kiểm tra và xử phạt cơ sở của ông Hùng về vấn đề gì. Nếu là làm nước mắm kiểu pha trộn như vậy bị phát hiện tại sao các cơ quan trên không đóng cửa? Tại sao một cơ sở làm ăn bao nhiêu năm như vậy mà không đăng ký, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm? Có phải là cơ sở này được “bảo kê” hay không?
Trần Thường (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Câu hỏi về trách nhiệm
Như bài báo phản ánh, cơ sở nước mắm của vợ chồng ông Hùng đã từng bị Phòng Y tế, Công an Q.Thủ Đức và UBND P.Hiệp Bình Phước kiểm tra xử phạt. Theo người dân, sau mỗi lần kiểm tra thì cơ sở nước mắm này hoạt động trở lại và sản xuất nhiều hơn trước. Hóa ra chính quyền địa phương biết mà chỉ kiểm tra, xử phạt rồi sau đó bỏ mặc cho họ làm giả, làm gian bán ra thị trường. Mà công tác kiểm tra ở đây hình như có vấn đề, chẳng lẽ kiểm tra mà không phát hiện họ làm giả, hay phát hiện làm giả rồi nhưng vì lý do gì đó vẫn để mặc cho họ làm giả?
Văn Thành Nhân (TP.Long Xuyên, An Giang)
Đủ kiểu gian thương
Hàng giả là vấn đề nhức nhối của cả xã hội. Nước mắm, nước tương, bột ngọt... đều có hàng giả. Người dân chỉ biết trông chờ vào sự tinh nhạy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, quản lý thị trường. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ sở của ông Hùng, phát hiện và xử lý nhưng lại không dùng biện pháp mạnh là đóng cửa cơ sở, nên bị “lờn” thuốc. Có phải đây là do quản lý lỏng lẻo, hay tại có bảo kê? Tại sao khi PC49 vào cuộc thì phanh phui ra một sự thật rùng rợn như vậy?
Nguyễn Danh Nam (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Có độc không?
Bạn đọc và rất nhiều người từng dùng sản phẩm của vợ chồng ông Hùng quan tâm rằng liệu ăn nước mắm đó thì bị gì, nguy cơ ung thư ra sao. Kết quả này sẽ là một trong những bằng chứng để buộc tội vợ chồng ông Hùng, cũng như là cơ sở để những nạn nhân của vợ chồng ông Hùng khởi kiện, yêu cầu vợ chồng ông ta bồi thường thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần, sức khỏe. Rất mong báo tiếp tục có những bài điều tra các cơ sở làm ăn gian dối, đầu độc người dân như thế này.
Trần Thị Gia Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Đau lòng nhất là các loại nước mắm này giá chỉ 10.000 đồng mỗi chai khi đến tay người tiêu dùng. Và người tiêu dùng đó là ai? Công nhân, người lao động nghèo. Đã nghèo, khó, phải sử dụng hàng hóa rẻ tiền, mà hàng rẻ tiền thì bao giờ cũng chứa đựng nhiều nguy hiểm, rủi ro, bệnh tật. Cứ thế, cái vòng nghèo, bệnh cứ đeo bám mãi.
Võ Kim Yến (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Hàng giả, hàng độc ngày càng bủa vây người tiêu dùng. Hết hàng ngoài nước đến hàng trong nước. Mong sao các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hàng hóa, nhất là thực phẩm để người dân an lòng, sử dụng sản phẩm an toàn.
Nguyễn Đăng Khoa (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.