Gia đình Khanh dọn về căn nhà này từ mùa thu năm ngoái. Cô không hiểu sao bố lại chọn nơi này thuê trọ. Gia đình, thật ra chỉ hai bố con, đã hơn mười năm như thế. Trong ký ức cô, mẹ là một người đàn bà dịu dàng, u buồn và lặng lẽ. Mẹ đẹp, bạn bè thường đùa, chỉ cần mẹ ban phát cho ai đó một nụ cười thì họ sẽ đợi mẹ đến suốt đời.
Năm cô lên sáu tuổi, mẹ đi lao động nước ngoài. Rồi đi mãi không về. Ngày đó cô thường hỏi bố "Bao giờ thì mẹ về?". "Con ngoan rồi mẹ sẽ về". Bao nhiêu năm cũng chỉ một câu trả lời.
Từ một căn hộ giữa trung tâm thành phố, cô theo bố về vùng ngoại ô heo hút này. Trong lúc tìm mua mảnh đất làm nhà, bố chọn nơi này thuê trọ. Căn nhà như bỏ hoang từ lâu với tường vôi loang và ẩm mốc, mạng nhện giăng đầy trên trần rối tung đòng đưa qua sợi dây điện nối với chụp đèn. Khu vườn trước nhà cây cối tiêu điều sau những thanh rào gỗ mục, bên những ô cửa kính mờ đục, tò vò làm tổ dày đặc. Nơi góc vườn, những ụ mối đùn lên thành những nấm đất mang hình thù kỳ quái. Không rõ chủ nhân trước đây đi đâu để ngôi nhà hoang tàn như vô chủ. Đêm ở đây tĩnh mịch đến nỗi cô nghe được tiếng đuôi thằn lằn đập khe khẽ sau cánh cửa, tiếng mối mọt trèo trẹo trên xà nhà, tiếng lá khô lay lắt rơi. Bên kia là rừng bạch đàn trụi lá, đó là nơi trú ngụ của những con chim lang bạt. Sáng nào cô cũng bị chúng đánh thức bởi tiếng vỗ cánh phành phạch, tiếng mỏ gõ vào thân cây lộp cộp như mưa.
Cô sợ bóng tối. Đêm nào có việc bố sai ra ngoài cô lại phát hoảng, ngỡ như sẽ có một con ma nào đó rập rình trong bụi lôi tuột cô đi.
Bố tỏ ra yêu thích không gian yên tĩnh, ông bắt tay vào làm cỏ vườn, chăm chút ngôi nhà như thể ông sẽ ở đời nơi đây. Với cô, nơi này thật sự buồn tẻ, đến gió cũng chẳng buồn reo trên những tán lá khô. Thứ âm thanh suốt ngày cô nghe là tiếng sóng từ lòng sông oàm oạp vỗ bờ, cách nhà cô một dặm. Ngoài giờ đi học, cô quanh quẩn trong nhà, đôi khi bước chân ra ngõ cũng chỉ thấy nắng và gió rượt đuổi nhau trên con đường đất ngoằn ngoèo.
Từ ngày dọn về đây cô thêm yêu chiếc vĩ cầm của mình, bởi không có nó cô sẽ buồn bã và cô độc biết bao! Bố thường xuyên đi vắng, những dự án dài đằng đẵng. Ở nhà một mình cô như lạc vào thế giới bị bỏ quên. Căn nhà lọt thỏm trong thung lũng giữa bốn bề cỏ cây ngả rạp vẽ nên một con đường chông chênh dẫn xuống vực sông sâu hút. Ngày đầu dọn về, nhìn lên lùm cây cao quá đầu, cô tưởng tượng một con rắn có thể thình lình lao vào mình bất cứ lúc nào. Đã vậy lũ mèo hoang ở đâu kéo về thành đàn, đêm đến chúng đứng ngoài hàng rào đồng thanh ngao lên, nửa xin ăn, nửa như dọa dẫm. Sang tháng sau cô quen dần khung cảnh vắng vẻ đến buồn thảm ở nơi này.
Bố chuẩn bị cho chuyến công tác xa, dặn cô đêm phải ngủ sớm, không chơi đàn quá khuya, cửa ngõ nhớ khóa khi đi về, không để cây cối trong vườn khô héo…
Đêm đầu tiên, hồi hộp đặt lưng xuống giường cô đã bồng bềnh trôi trong bóng đêm. Sáng sớm thức giấc thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra cũng chẳng có vấn đề gì đáng ngại lắm khi phải sống một mình ở nơi này. Chiều xuống trời đột ngột trở gió, đến đêm gió giật mạnh, căn nhà rùng lắc như được nhấc bổng lên. Cô cuộn trong chăn nghe gió lốc từng cơn qua vùng đất tối om. Tảng sáng gió ngừng hẳn, trả lại bầu trời một vùng mây trắng nhởn nhơ. Xế chiều cô lang thang ra vườn, cái tổ mối đùn lên thành nấm đã bị gió đánh sập, để lại một đống đất nâu đỏ quạch. Những thanh gỗ mục bên tường rào cũng gãy gập. Lúc này cô mới nhận ra bên kia hàng rào, ẩn giữa vườn cây um tùm là một ngôi nhà màu trắng kiến trúc cổ xưa, mái ngói lợp đen xỉn nham nhở. Có lẽ đó từng là một ngôi biệt thự được xây dựng từ rất lâu đời. Cánh cổng bằng gỗ thông bị phủ kín bởi một giàn lãng tiên đỏ rực.
Bên trong, cánh cửa gỗ lá sách sơn xanh hé mở, bức rèm nhung màu đỏ thẫm khẽ lay như có ai đang ở phía sau nó. Thình lình một đàn bồ câu bay về sà xuống sân, tiếng đập cánh phành phạch làm vỡ không gian đang tĩnh. Bức rèm được vén lên. Một người đàn ông xuất hiện trong bộ đồ trắng, mái tóc muối tiêu buộc gọn ghẽ trên đầu. Ông vung tay vãi mớ thóc ra sân, đàn bồ câu sà xuống mổ lia lịa rồi vụt bay về phía rừng dương. Người đàn ông vẫn đứng đó trong nắng chiều nhạt nhòa, gương mặt thanh tú như một pho tượng được tạc bằng thạch cao biến mất khi bức rèm khép lại. "Hóa ra nơi này cũng đâu đến nỗi thiếu bóng người", cô thầm nghĩ, nhìn theo cánh chim cuối cùng chao liệng rồi mất hút.
Đêm chầm chậm trôi. Con đường trước nhà không còn tiếng động, thảng hoặc mới nghe tiếng chó sủa đêm, ẳng lên như bị đánh đập, dọa dẫm. Những vì sao ngoài cửa sổ không còn lóe sáng. Cô khẽ khàng ngồi dậy với tay lấy chiếc vĩ cầm dạo một khúc concerto. Tiếng đàn khẽ vang lên trong đêm sâu tĩnh mịch. Mắt cô trôi ra ngoài bóng đêm. Và dừng lại. Sau ô cửa kính nhà bên kia ánh nến vừa được thắp lên leo lét. Vẫn gương mặt người đàn ông ấy, dáng ngồi tạc lên bức tường câm lặng. Chiếc vĩ cầm trên tay cô khựng lại. Ánh nến bên kia cũng phụt tắt.
* * *
Trời chiều nhuốm màu xám chì như lọ màu nước ai đánh đổ, đàn bồ câu nhẩn nha đậu chơi trên đồng cỏ phía sau rừng dương đã vội vã trở về, tiếng đập cánh phành phạch như báo hiệu. Bức rèm nhung lại được vén lên. Người đàn ông xuất hiện, lần này với chiếc nạng gỗ. Ông chầm chậm đi về phía chuồng chim, tiếng lốc cốc gõ xuống sân từng nhịp đều đặn. Một chú bồ câu lẻ đàn về muộn khẽ đáp xuống vai ông. Như đã quen, ông xòe bàn tay, chú chim sà xuống vẻ thân thiện. Cô nín thở lắng nghe tiếng ông rì rầm trò chuyện cho đến khi chú chim xù lông chui vào chuồng. Người đàn ông quay đi, đến bậc thềm dẫn lên hiên đôi chân bỗng khựng lại, cánh tay đưa lên chới với nhưng không có gì níu vịn, ông ngã sóng xoài. Cú ngã có lẽ mạnh. Mắt ông nhắm nghiền, gương mặt nhăn nhúm đến thảm hại. Cơn đau chừng dịu dần, ông run run với tay về phía chiếc nạng gỗ.
Nhanh như sóc chui qua hàng rào, cô xuất hiện trước ông đầy bất ngờ. "Bác để cháu!". Người đàn ông thoáng ngạc nhiên, đôi mày khẽ nhíu lại như dấu hỏi. "Có phải… cô mới dọn đến đây?". "Vâng!" - cô cúi xuống dìu ông chầm chậm trên cái sân nhờn nhợt rêu.
Bên chiếc bàn trà, người đàn ông hỏi vẻ lơ đãng: "Đôi khi tôi nghe tiếng violin trong đêm, là cô?".
"Vâng! Bác sống ở đây lâu rồi sao?".
"Không, tôi vừa từ nước ngoài về, lâu nay nhà bỏ hoang".
Yên lặng. Cô ngước nhìn bức tường treo kín tranh sơn dầu. Có bức vẽ dở trên giá, bức lồng khung chưa treo la liệt dưới sàn nhà. Hầu hết tranh chân dung, duy nhất gương mặt một người đàn bà. Lạ lùng, bức nào cũng khiến cô cảm giác gần gũi, thân thuộc. Nét mặt người đàn bà cúi xuống, nhìn nghiêng hay hững hờ quay đi… tất cả đều quyến rũ đến ám ảnh.
Khẽ chạm vào một bức, cô thốt lên: "Đẹp quá!". "Cô thích hội họa sao?". "Vâng". Người đàn ông buông thõng cánh tay trên chiếc ghế tựa, cười buồn. "Hội họa, đó là một cái nhà mồ!", nói đoạn ông chỉ chiếc ghế đối diện: "Cô thích không, tôi vẽ tặng cô?".
Cô yên lặng ngồi vào. Người đàn ông cúi xuống với cây cọ, pha màu. Thời gian như ngưng đọng. Cô bâng quơ nhìn ra vườn, đàn bồ câu đã ngủ, mỏ giấu vào cánh chốc chốc lại gù lên như tiếng cụ già ho hen. Người đàn ông vẫn say sưa vẽ, cây cọ trong tay có lúc khẽ rung lên. Ngoài trời đêm, những vì sao xa tít nhạt dần. "Thôi chết! Cháu phải về! Khuya rồi!", cô kêu lên. Người đàn ông yên lặng chỉ vào bức tranh: "Còn dở dang, nhưng không sao, cháu có thể mang nó về, nếu thích!".
Lặng ngắm bức tranh vẽ dở, không nén được cô lại thốt lên: "Đẹp thật! Nhưng cháu chưa muốn mang về, vì…".
"Vì cháu còn có lý do sang đây xem bác vẽ, đúng không?", ông mỉm cười tinh quái.
"Vâng!" - cô thì thào.
"Và cháu cũng rất đẹp, vẻ đẹp man dại là một vẻ đẹp lạc loài".
Câu nói của người đàn ông khiến cô thoáng rùng mình. Ra đến cổng, cô còn nghe tiếng ông vẳng bên tai...
* * *
Từ bao giờ, cô trở thành người bạn nhỏ của ông. Có lần thấy cô lấm lem vì chui qua hàng rào, ông bật cười, cái cười hiếm hoi cô bắt gặp. Ông đăm chiêu bên giá vẽ, có lúc lại thẫn thờ để mặc bột màu vương vãi trên sàn nhà. Lần nào thấy cô xuất hiện, ông cũng gật đầu chào rồi dán mắt vào những vệt dầu loang trên bức tranh vẽ dở. Cô ra vườn vãi cho đàn bồ câu nắm thóc, vặn vòi tưới cây... Những công việc cô tỏ ra yêu thích nhưng kỳ thực cô như bị con người ấy thôi miên. Bà giúp việc mỗi tuần ghé qua một lần, dọn dẹp và nấu thức ăn để sẵn. Cô muốn làm luôn phần việc đó của bà.
Buổi chiều từ trường trở về, cô ghé mắt nhìn qua. Cánh cổng bên kia khóa im ỉm, bức rèm nhung cũng câm lặng. Cô chui qua hàng rào đứng lay cánh cổng. Không một tiếng trả lời. Linh cảm có điều chẳng lành, cô leo qua tường rào. Cánh cửa bên trong khép hờ. Người đàn ông ngồi trong góc khuất giữa bóng chiều nhập nhoạng, đầu gục bên chiếc bàn la liệt những bức họa, cạnh đấy chai rượu ngoại đã vơi. Ngoài cửa sổ gió đột ngột thốc vào khiến bức rèm nhung lay động, một tia sáng xuyên qua. Mái tóc bạc lơ thơ phủ kín ót, trên cánh tay già nua, những sợi gân xanh chằng chịt khẽ giật.
"Bác có làm sao không?!" - cô khẽ gọi, đưa bàn tay định chạm vào ông nhưng vội rụt lại.
Không có tiếng trả lời. Có lẽ ông đang ngủ. Cô quay ra khép hờ cánh cửa, chợt nghe tiếng ông thều thào. "Dừng lại đi!", ông nặng nhọc thốt lên, gượng dậy đi vào trong khuân một đống tranh ra sân. Trong khi cô còn lơ ngơ chưa hiểu, ông đã ra hiệu cho cô làm theo. Như cái máy, cô cúi xuống vơ toàn bộ số tranh dưới sàn nhà mang ra sân. Chiếc bật lửa trong tay ông run run xẹt lên vài tiếng. Bức tranh đầu tiên bén lửa. Gương mặt người đàn bà trong tranh bỗng méo mó đến thảm thương. Bức thứ hai… bức thứ ba… rồi bức thứ tư… Lửa bùng lên liếm láp, từng mảnh tro vỡ vụn lả tả bay tứ phía. Gương mặt ông dúm dó như đang trải qua một cơn đau dữ dội.
Đống lửa tàn dần, ông vươn vai đứng thẳng, trang nghiêm như đang đưa tiễn một người đã khuất. Cô chợt rùng mình trước cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Người đàn ông đứng trước cô lập dị với vẻ trầm mặc mờ mịt nhưng đầy gần gũi và thu hút. Những buổi chiều cô ngồi bên hiên vẩn vơ với đàn bồ câu nhưng kỳ thực cô lặng ngắm ông, lắng nghe ông lầm bầm độc thoại. Trong cái xóm heo hút này có lẽ duy nhất cô được phép bước qua cánh cổng kia, thơ thẩn trong khu vườn này, bên bậc thềm này. Ông gần như cắt đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài. Duy nhất cô có thể chạm vào ông. Đôi khi cô vào bếp nấu vội hai bát mì ăn cùng ông. Cô nhìn thấy nỗi vui hiện lên trên gương mặt trầm tư đó, nồng ấm và dịu dàng. Cô cảm nhận từ người họa sĩ già một tình thương trầm mặc, không lời…
Cô vào trong mang ra bức tranh cuối cùng.
"Dừng lại!", ông cất giọng khàn đặc, ánh mắt u buồn vẫn không rời đống lửa.
Cô mở bức tranh cuộn tròn. Trên tay cô bức chân dung dở dang hôm nào, dưới ánh lửa sắp rụi, gương mặt cô trong bức chân dung cũng biến dạng. "Giữ lại bức đó cho tôi!", ông run run khơi đống tro còn sót lại, đám lửa lại bùng lên trước khi tắt lịm.
"Cháu về được rồi! Cảm ơn vì đã giúp bác!", ông lầm lũi vào nhà, dáng đi xiêu vẹo như chực ngã.
Buổi chiều từ trường cô trở về trên chiếc xe đạp nặng như con trâu sắt. Đến đoạn rẽ vào, chiếc xe trở chứng lăn kềnh ra giữa đường. Loay hoay chưa biết tính sao, một chiếc xe cứu thương từ trong ngõ nhà cô inh ỏi hú còi vụt qua. Linh cảm, cô lao vội về. Sân nhà ông lặng phắc. Trên tường, bức chân dung cô được treo ngay ngắn bên cạnh lọ hoa sen đang lụi tàn, cánh rụng lả tả. Đàn bồ câu đập cánh trở về, chúng ngẩn ngơ đi lại trong sân, mắt tròn xoe nhìn cô như muốn hỏi.
Một ngày. Hai ngày. Rồi một tuần… Người đàn ông còn không quay trở lại. Ông biến mất như chưa từng tồn tại trên đời.
Bố trả nhà, dọn về vùng ven phía nam thành phố. Trước khi rời đi, cô đến bên hàng rào nhìn qua ngôi biệt thự. Nước mắt chợt ứa ra, chân dấp díu trên đám cỏ gai, cô lao vội về phía ngôi nhà. Cánh cửa vẫn khép hờ. Trên tường, bức chân dung cô vẫn ở đó. Buồn bã. Thẫn thờ. Cô lại gần gỡ bức tranh xuống, nghẹn ngào ôm vào lòng.
"Nhanh thôi con! Xe đến rồi!" - tiếng bố giục ngoài ngõ.
Cô quyết định mang bức tranh theo cùng. Về nhà mới, cô treo nó trong phòng riêng, cạnh giường ngủ.
… Mẹ về. Nỗi buồn đau, cô độc lặng lẽ hiện lên trong đáy mắt. Nhưng mẹ vẫn còn đẹp lắm, dáng vẻ bình thản và duyên dáng hơn cả ngày mẹ còn trẻ. Một vẻ đẹp hoàn thiện và nồng nàn không ai có thể đoán tuổi. Bố lặng lẽ nhìn mẹ rồi quay đi. Mẹ ôm cô vào lòng. Cô ngước nhìn người đàn bà vừa gần gũi, vừa xa lạ, chỉ hơi ấm là vẹn nguyên. Bất giác cô nhớ đến người họa sĩ hàng xóm năm nào. Cô nhìn lên tường, chợt rùng mình nhận ra, gương mặt mẹ và gương mặt trên bức tranh kia, là một.
Ngày mẹ tạm biệt cô và lại ra đi, cũng là ngày cô gỡ bức tranh trên tường xuống, lặng lẽ cuộn nó lại, cất vào nhà kho trên gác mái, nơi hai bố con cất giấu những kỷ vật liên quan về mẹ.
Cánh cửa đó không bao giờ còn mở ra thêm một lần.
Bình luận (0)